24/12/2024

Chúa Nhật Phục Sinh, B: Tin, nền tảng để được sống

Cùng một thực tại ‘mồ trống’ phải đối diện, nhưng đã gây ra những phản ứng khác biệt nhau nơi cả ba nhân vật: đối với Madalêna thì đó là vì ‘người ta đã lấy xác Thầy’, còn thái độ im lặng nơi Phêrô đơn giản chỉ mới diễn tả một sự ghi nhận không bình luận, đang khi trong lòng ‘người môn đệ Chúa yêu’ dường như đây đã là một tín hiệu đầy lạc quan và tràn trào niềm vui.

CHÚA NHẬT PHỤC SINH

(Cv 10,34a.37-43; Col 3,1-4; Ga 20,1-9)

TIN, NỀN TẢNG ĐỂ ĐƯỢC SỐNG

“Người phải sống lại từ cõi chết” (Ga 20,9)

I. CÁC BÀI ĐỌC

1. Bài đọc I (Cv 10,34a.37-43)

Đây chính là nội dung bài giảng của thánh Phêrô tại nhà ông Cônêliô. Cũng có thể nói đây là bài giảng đầu tiên của Phêrô mà thính giả được nhắm tới chính là dân ngoại. Nội dung bài giảng này là bản tóm tắt lời rao giảng đầu tiên của các tông đồ sau khi Đức Kitô phục sinh (Kerygma). Sứ mạng ‘làm chứng’ của các tông đồ được đặc biệt nhấn mạnh không chỉ như một sự tình cờ khi chứng kiến ‘tất cả những gì Người đã làm’, nhưng trong tư cách là những ‘nhân chứng được Thiên Chúa tuyển chọn trước’ để chứng thực về biến cố ‘Thiên Chúa đã cho Người sống lại’. Đấng Phục Sinh, không những được cho sống lại, mà còn được Thiên Chúa tôn làm ‘Quan án xét xử kẻ sống và kẻ chết’.

2. Bài đọc II (Col 3,1-4)

Dựa trên nền tảng của việc kết hợp với Đức Kitô phục sinh như nguyên lý của đời sống mới, thánh Phaolô dùng hai động từ ‘tìm kiếm’ và ‘nghĩ đến’ để mời gọi các tín hữu Côlôsê luôn hướng lòng về những ‘sự trên trời’. Cụ thể đó chính là những điều có liên quan tới Thiên Chúa. Nhưng tại sao đang sống ở dưới thế, chúng ta lại phải quy hướng về những thực tại thần linh? Thánh Phaolô khẳng định rằng vì chúng ta đã chết với Đức Kitô, do vậy cuộc sống của chúng ta không còn thuộc về thế gian này nữa nhưng ‘đang ẩn giấu với Đức Kitô trong Thiên Chúa’. Chính nền tảng đức tin đó thôi thúc chúng ta phải không ngừng quy hướng về Thiên Chúa, để mong đến ngày sự sống của chúng ta cũng được tỏ hiện trong vinh quang như Đấng Phục Sinh.

3. Phúc Âm (Ga 20,1-9)

Bài tường thuật được chia làm hai phân đoạn:

+ Phân cảnh I: những dấu chỉ hữu hình chứng thực biến cố Đức Giêsu phục sinh được diễn tả qua việc chứng thực mang tính cá nhân của bà Maria Madalêna khi ra mồ.

+ Phân cảnh II: cũng vẫn những dấu chỉ đó nhưng được chứng thực từ việc ghi nhận cách chính thức của ‘giáo quyền’ mà Phêrô là thủ lãnh, đồng thời đây cũng là những bằng chứng sống động để một khi đã ‘thấy’ thì chắc chắn sẽ đi tới ‘tin’ như trường hợp của ‘người môn đệ Chúa yêu’.

Cùng một thực tại ‘mồ trống’ phải đối diện, nhưng đã gây ra những phản ứng khác biệt nhau nơi cả ba nhân vật: đối với Madalêna thì đó là vì ‘người ta đã lấy xác Thầy’, còn thái độ im lặng nơi Phêrô đơn giản chỉ mới diễn tả một sự ghi nhận không bình luận, đang khi trong lòng ‘người môn đệ Chúa yêu’ dường như đây đã là một tín hiệu đầy lạc quan và tràn trào niềm vui. Xảy ra những phản ứng đa chiều đó theo Gioan chính là vì ‘các ông còn chưa hiểu… Người phải sống lại từ cõi chết’.

II. GỢI Ý MỤC VỤ

1. Để có thể là nhân chứng thì điều kiện tiên quyết phải là chứng nhân. Thái độ mạnh mẽ và can đảm công khai làm chứng cho tin mừng phục sinh nơi các tông đồ chỉ có thể xảy ra khi giả thiết rằng các ông đã tận mắt nhìn xem những việc Chúa Giêsu đã làm, hay trực tiếp nghe những lời Chúa Giêsu đã giảng, hơn thế đã ‘ăn uống với Người… sau khi từ cõi chết sống lại’. Thiếu kinh nghiệm gặp gỡ Chúa Phục sinh sẽ làm cho lời chứng kém sống động và khó thuyết phục; không có kinh nghiệm thực sự với Đấng Phục Sinh, lời rao giảng có nguy cơ trở nên sáo rỗng và chỉ nặng tính hình thức.

2. Dường như sẽ là không tưởng khi phải sống giữa lòng trần thế mà lại phải luôn hướng tâm hồn lên những thực tại trời cao. Điều đó chỉ có thể và hợp lý khi ý tưởng nền tảng ‘cùng chết với Đức Kitô để cùng được sống lại với Người’ (x. Rm 6,5) đã trở nên xác tín cá nhân cho mỗi Kitô hữu. Nỗ lực củng cố và làm mới lại xác tín ấy mỗi ngày sẽ giúp người tín hữu dễ dàng siêu thoát với những bám víu trần thế để có thể thanh thoát hướng cuộc đời về cuộc sống mai hậu trong vinh quang với Đấng Phục Sinh nơi cung lòng Thiên Chúa.

3. Điều kiện để ‘tin’, theo kinh nghiệm của người môn đệ Chúa yêu, chính là chỉ sau khi đã ‘thấy’. Nếu chưa từng một lần ‘thấy’ Đức Giêsu phục sinh, hay chưa một lần có kinh nghiệm về sự hiện diện của Người trong cuộc đời mình, lối sống đạo của người tín hữu sẽ mang nặng lề thói và hình thức. Như thế, những nỗ lực để thay đổi lối sống cho phù hợp với những đòi hỏi của Tin mừng sẽ luôn là một thách đố vô cùng khó khăn để vượt qua.

III. LỜI NGUYỆN CHUNG

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Đức Kitô Phục sinh đã chiến thắng tội lỗi và sự chết, để mang lại cho nhân loại sự sống vĩnh cửu. Cộng đoàn chúng ta cùng dâng lên Thiên Chúa tâm tình chúc tụng, tạ ơn, và những lời nguyện xin chân thành:

1. Hội thánh có sứ mạng loan báo Tin mừng phục sinh cho nhân loại. Xin Chúa cho mọi thành phần Hội thánh luôn nhiệt tâm chu toàn sứ mạng cao quý ấy bằng lời rao giảng, bằng gương sáng đức tin và một đời sống quên mình phục vụ trong tinh thần lạc quan.

2. Chúa Giêsu sống lại mở đường cho nhân loại đi vào cõi sống. Xin Chúa cho mọi dân tộc trên thế giới biết mở lòng tin nhận Đức Kitô là “khởi nguyên và cùng đích” của muôn loài, để luôn sống trong tin yêu hy vọng hướng về hạnh phúc đời đời.

3. Đức Kitô Phục sinh là nguồn hy vọng và an ủi cho những ai tuyệt vọng. Xin Chúa cho những người gặp thất bại hay đang đau khổ hồn xác, được tham dự vào niềm vui phục sinh hôm nay, để thêm lòng can đảm đón nhận cuộc sống hiện tại.

4. Niềm tin phục sinh đã thúc đẩy các tông đồ dấn thân làm chứng cho Đức Kitô. Xin cho anh chị em tân tòng và mọi người trong cộng đoàn chúng ta được lãnh nhận dồi dào sức sống của Đấng Phục Sinh, luôn can đảm làm chứng cho Chúa qua cuộc sống hằng ngày.

Chủ tế: Lạy Chúa, Con Chúa đã chịu chết và sống lại để cứu độ chúng con. Xin nhậm lời chúng con cầu nguyện, và cho niềm vui phục sinh hôm nay nơi chúng con đem lại nhiều hoa trái trong cuộc sống. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

Ban MVPT TGP.