24/12/2024

Thứ Năm, 01.04.2021
Chia Sẻ Và Yêu Thương

Thánh Thể cũng dạy chúng ta dâng chính cuộc đời mình lên Chúa để làm lễ tạ ơn, hiệp với hy lễ của Chúa Giê-su, Đấng Cứu độ chúng ta.

Thứ Năm, 01.04.2021
Chia Sẻ Và Yêu Thương

Thứ Năm Tuần Thánh

Lời Chúa

Xh 12,1-8.11-14 • Tv 115,12-13.15-16bc.17-18 (Đ. c 1 Cr 10,16) • 1 Cr 11,23-26 • Ga 13,1-15

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô Theo Thánh Gio-an.

1 Trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng.

2 Ma quỷ đã gieo vào lòng Giu-đa, con ông Si-môn Ít-ca-ri-ốt, ý định nộp Đức Giê-su.3 Đức Giê-su biết rằng: Chúa Cha đã giao phó mọi sự trong tay Người, Người bởi Thiên Chúa mà đến, và sắp trở về cùng Thiên Chúa,4 nên trong một bữa ăn, Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng.5 Rồi Đức Giê-su đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau.

6 Vậy, Người đến chỗ ông Si-môn Phê-rô, ông liền thưa với Người: “Thưa Thầy! Thầy mà lại rửa chân cho con sao? “7 Đức Giê-su trả lời: “Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu.”8 Ông Phê-rô lại thưa: “Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu! ” Đức Giê-su đáp: “Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy.”9 Ông Si-môn Phê-rô liền thưa: “Vậy, thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân, mà cả tay và đầu con nữa.”10 Đức Giê-su bảo ông: “Ai đã tắm rồi, thì không cần phải rửa nữa; toàn thân người ấy đã sạch. Về phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu! “11 Thật vậy, Người biết ai sẽ nộp Người, nên mới nói: “Không phải tất cả anh em đều sạch.”

12 Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Đức Giê-su mặc áo vào, về chỗ và nói: “Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không?13 Anh em gọi Thầy là “Thầy”, là “Chúa”, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa.14 Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau.15 Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.

(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ)

Suy niệm Lời Chúa

Trong mọi nền văn hoá, bữa ăn là biểu tượng của sự hiệp nhất và yêu thương. Khi thân nhau thì người ta mời cùng ngồi một bàn để ăn uống. “Văn hoá ẩm thực” cho thấy việc ăn uống không chỉ để nạp năng lượng cho cơ thể, mà còn là lúc chia sẻ và yêu thương.

Có một bửa tối gọi là “Tiệc ly” mà Chúa Giê-su đã ăn với các môn đệ trước khi bước vào cuộc khổ nạn. Đây là giây phút tâm tình gắn bó thân thiết. Thầy Giê-su đã dạy cho các môn sinh của mình biết bao nhiêu bài học qua bữa tiệc này, nhất là đức yêu thương, sự hy sinh vì người khác, lòng tín thác nơi Thiên Chúa và sự can đảm trước phong ba cuộc đời. Cũng chính trong bữa tiệc này, Chúa đã lập Bí tích Thánh Thể và Thánh chức Linh mục, để qua hai Bí tích này, Người chia sẻ phận người với chúng ta và ở với chúng ta cho đến tận thế. Thánh Thể và chức Linh mục là quà tặng vô giá của Chúa Giê-su cho nhân loại.

Ngày hôm nay, Chúa Giê-su vẫn đang tiếp tục dâng mình tế lễ qua Giáo hội. Hy lễ thập giá vẫn đang được hiện tại hoá và cử hành mỗi phút giây trên toàn thế giới. Lệnh truyền: hãy nhận lấy mà ăn, vì đây là Mình Thầy; hãy nhận lấy mà uống, vì đây là Chén Máu Thầy, được đi kèm với lời di chúc: hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy. Lệnh truyền ấy vẫn mang tính hiện tại. “Hãy làm việc này” là yêu như Thầy đã yêu và sống như Thầy đã sống. Tình yêu đến cùng của Chúa thể hiện qua Thánh Thể và qua việc rửa chân cho các môn đệ. Thánh Thể nối kết chúng ta với Chúa và với anh em. Nối kết với Chúa để được thông chuyển sức sống siêu nhiên. Nối kết với anh chị em để sống tình liên đới. Thiếu một trong hai khía cạnh này, đời Ki-tô hữu sẽ nhạt nhoà, vô nghĩa. Thánh Thể cũng dạy ta biết hy sinh vì tha nhân: Chiên vượt qua trong đêm xuất hành là hình bóng Chiên Vượt qua của Giao ước mới, cũng là lời mời gọi chúng ta hãy dấn thân vì phần rỗi anh chị em mình. Thánh Thể cũng dạy chúng ta dâng chính cuộc đời mình lên Chúa để làm lễ tạ ơn, hiệp với hy lễ của Chúa Giê-su, Đấng Cứu độ chúng ta. Như thế, chúng ta đang cộng tác phần mình để loan truyền Chúa đã chịu chết và tuyên xưng Chúa đã sống lại, cho tới khi Chúa lại đến.

+TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

Nguồn: Sống Lời Chúa – Bayard Việt Nam