23/12/2024

Phân tích khí thở để phát hiện người mắc COVID-19, mất chỉ vài chục giây

Phân tích khí thở để phát hiện người mắc COVID-19, mất chỉ vài chục giây

Phương pháp phân tích khí thở không xâm lấn và chỉ cần vài chục giây sẽ cho ra kết quả. Các nhà khoa học nói có thể mở rộng cách này để phát hiện bệnh cúm, viêm phổi cấp, ung thư.

 

Phân tích khí thở để phát hiện người mắc COVID-19, mất chỉ vài chục giây - Ảnh 1.

Thành phần khí thở ra của người mắc COVID-19 khác với người khỏe mạnh – Ảnh: GETTY IMAGES

TS hóa học Matthieu Riva thuộc Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS) giải thích: “Thành phần không khí chúng ta thở ra thay đổi phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe. Các phân tử trong khí thở thải ra từ phổi người mắc COVID-19 khác với các phân tử thải ra từ phổi người khỏe mạnh”.

Dựa vào nguyên lý này, các nhà khoa học ở Lyon (Pháp) đã nghiên cứu một công nghệ sàng lọc COVID-19 mới bằng cách dùng kỹ thuật đo khối phổ để phân lập phân tử có trong mẫu khí thở.

Năm 2020, các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm sơ bộ trong các khoa điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Croix Rousse ở Lyon.

Hiện công nghệ mới đang được đưa vào thử nghiệm lâm sàng tại Bệnh viện Đại học Hospices Civils ở Lyon (HCL). Mục đích nhằm kiểm tra độ nhạy của công nghệ phân tích khí thở trong quá trình phát hiện người mắc COVID-19 so với kỹ thuật xét nghiệm Realtime RT-PCR.

Phân tích khí thở để phát hiện người mắc COVID-19, mất chỉ vài chục giây - Ảnh 2.

Máy đo khối phổ Vocus PTR-TOF được sử dụng trong thử nghiệm COVIDAir – Ảnh: chu-lyon.fr

Thử nghiệm dùng máy đo khối phổ do Hãng Tofwerk (Thụy Sĩ) sản xuất. Theo CNRS, máy đạt độ nhạy và độ phân giải chưa từng thấy trên thế giới, có khả năng phân lập một phân tử trong hàng ngàn phân tử và cho ra kết quả chỉ trong vài chục giây.

Nếu thử nghiệm thành công, phương pháp phân tích khí thở có thể được triển khai trên quy mô lớn ở mọi địa điểm cần chẩn đoán nhanh, đặc biệt ở những nơi tiếp đón công chúng như rạp chiếu phim, sân bay.

Phương pháp này so ra vừa đơn giản, nhanh chóng, vừa không xâm lấn trong khi với xét nghiệm Realtime RT-PCR, cách lấy dịch mũi họng bằng tăm bông thường gây khó chịu, nhất là đối với trẻ em và đôi khi còn làm chảy máu.

Ngoài ra còn có thể điều chỉnh phương pháp này để phát hiện các virus đường hô hấp khác như bệnh cúm, bệnh viêm phổi cấp (nhiễm khuẩn Legionella) hoặc các bệnh ung thư.Đại học Oxford phát hiện một loại tế bào được gọi là ‘tế bào sát thủ’ có khả năng chống lại các biến thể ở Anh, Nam Phi, Brazil.

HOÀNG DUY LONG
TTO