23/11/2024

Trong tương lai, con người là loài có nọc độc?

Trong tương lai, con người là loài có nọc độc?

Một nghiên cứu mới của Nhật Bản và Úc cho rằng con người có thể có tiềm năng trở thành loài có nọc độc.

 

Trong tương lai, con người là loài có nọc độc? - Ảnh 1.

Mặc dù khó nhưng vẫn có khả năng, nếu trong một số điều kiện môi trường nhất định, con người hoặc chuột sẽ trở thành loài có nọc độc – Ảnh: Latimes

Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí PNAS, các nhà khoa học từ Đại học Khoa học và công nghệ Okinawa Nhật Bản (OIST) và Đại học Quốc gia Úc đã phát hiện ra có mối liên hệ giữa tuyến nước bọt ở động vật có vú và tuyến nọc độc ở rắn.

Các nhà khoa học đã tìm kiếm các gen hoạt động giống hoặc tương tác với các gen nọc độc để trả lời câu hỏi nọc độc đến từ đâu và liệu có phải được phát triển từ tuyến nước bọt hay không.

Bởi vì từ trước đến nay, các nhà khoa học biết rằng hệ thống nọc độc trong miệng phát triển qua các giai đoạn tiến hóa ở nhiều loài động vật có xương sống. Tuy nhiên, chúng tiến hóa như thế nào và khi nào thì khoa học vẫn còn chưa được hiểu rõ.

Ngay cả ở rắn, loài động vật có hệ thống nọc độc được nghiên cứu nhiều nhất hiện nay, chúng ta cũng biết rất ít về kiến trúc phân tử trong hệ thống nọc độc của chúng.

Các nhà khoa học đã xác định khoảng 3.000 gen trong tuyến nọc độc của rắn Habu Đài Loan và phát hiện ra rằng những gen này rất quan trọng trong việc bảo vệ tế bào khỏi căng thẳng do sản xuất một số lượng lớn protein.

Các gen tương tự cũng được tìm thấy ở tuyến nước bọt của một số loài động vật có vú như tinh tinh, chó, chuột và thậm chí cả con người.

Không chỉ thế, nhóm nhà khoa học còn phát hiện ra hai loại gen này có cách thức hoạt động tương tự nhau. Điều đó khiến họ kết luận rằng có thể có một liên kết chức năng giữa hai gen này.

Tác giả chính của nghiên cứu, nhà khoa học Agneesh Barua, cho biết trước đây nhiều nhà khoa học đã nghĩ đến giả thuyết rằng các tuyến nọc độc tiến hóa từ tuyến nước bọt ban đầu và đây chính là bằng chứng thực tế đầu tiên cho điều này.

“Trong khi loài rắn tiến hóa, kết hợp nhiều chất độc khác nhau vào nọc độc của chúng và tăng số lượng gen liên quan đến việc tạo ra nọc độc, thì các loài động vật có vú như chuột lại tạo ra nọc độc đơn giản hơn, có độ tương đồng cao với nước bọt”, nhà khoa học Agneesh Barua cho biết.

Các thí nghiệm vào những năm 1980 cũng phát hiện ra rằng trong những điều kiện sinh thái nhất định, những con chuột tạo ra nhiều protein độc hơn trong nước bọt của chúng. Điều này có nghĩa là trong vài nghìn năm nữa, theo quá trình tiến hóa, chúng ta có thể gặp phải những con chuột có nọc độc. Và con người cũng có thể có nọc độc như thế.

Tuy nhiên, trong trường hợp giả định nếu có nọc độc, việc con người sẽ tiết độc ra bằng cách nào thì các nhà khoa học của OIST và Đại học Quốc gia Úc chưa thể xác định. Bởi lẽ phát hiện của nghiên cứu này đang đi ngược lại với một nghiên cứu của Úc được công bố trên tạp chí Giải Phẫu Học hồi đầu năm nay.

Nghiên cứu cho thấy loài người đang tiến hóa nhanh hơn bất kỳ thời điểm nào khác trong 250 năm qua. Nhóm các nhà nghiên cứu của Đại học Flinders ở Adelaid (Úc) phát hiện ra rằng những đứa trẻ hiện đại thường được sinh ra với khuôn mặt ngắn hơn và hàm nhỏ hơn, đồng nghĩa với việc có ít chỗ cho răng hơn.

Cuộc sống phát triển, khả năng nhai thức ăn và chọn lọc tự nhiên ngày càng tăng của chúng ta đã khiến số người mọc răng khôn đang dần ít hơn. Việc sử dụng công cụ lao động hữu ích tạo ra năng suất lao động cao và chế biến thức ăn dễ dàng khiến việc tiến hóa có nọc độc là không cần thiết.

MINH HẢI (Theo PNAS)
TTO