25/12/2024

Băng tan có thể dẫn tới động đất gây siêu sóng thần

Băng tan có thể dẫn tới động đất gây siêu sóng thần

Các nhà khoa học Mỹ đã lập mô hình cho thấy sông băng tan với khối lượng lớn đã ảnh hưởng đến động đất gây siêu sóng thần ở vịnh Lituya (Alaska) năm 1958.

 

Băng tan có thể dẫn tới động đất gây siêu sóng thần - Ảnh 1.

Sông băng tan ở Alaska – Ảnh: NYT

Trận động đất mạnh 7,8 độ Richter vào năm 1958 đã gây sạt lở ở vịnh Lituya (đông nam bang Alaska) tạo ra siêu sóng thần cao đến hơn 520m.

Trong báo cáo khoa học công bố mới đây, các nhà khoa học ở Viện Vật lý địa cầu Fairbanks thuộc Đại học Alaska (Mỹ) khẳng định sông băng tan gần vườn quốc gia Glacier Bay đã ảnh hưởng đến thời gian và vị trí xảy ra các trận động đất có cường độ từ 5 độ Richter trở lên trong khu vực trong suốt thế kỷ qua.

Khu vực nam Alaska nằm ở ranh giới giữa mảng lục địa Bắc Mỹ và mảng Thái Bình Dương. Hai mảng này trượt với nhau khoảng 5 cm mỗi năm nên động đất thường xuyên xảy ra.

Tại khu vực này, các con sông băng đã tan chảy từ hơn 200 năm nay làm mất đi hơn 5.000 km3 băng. Băng tan đã nâng cao đất lên khoảng 3,8 cm mỗi năm.

TS Chris Rollins cùng các đồng nghiệp đã chạy các mô hình chuyển động của trái đất và tình trạng băng tan từ năm 1770, từ đó đã tìm ra mối liên hệ giữa động đất với hiện tượng đất trồi lên.

Khi so sánh các bản đồ băng tan với dữ liệu địa chấn được ghi nhận từ năm 1920, họ phát hiện phần lớn các trận động đất lớn đều liên quan đến hiện tượng mặt đất nâng lên.

Điều bất ngờ là họ nhận thấy hiện tượng băng tan với khối lượng lớn nhất đã xảy ra gần tâm chấn trận động đất năm 1958 gây ra sóng thần ở vịnh Lituya.

Băng tan có thể dẫn tới động đất gây siêu sóng thần - Ảnh 2.

Sóng thần do động đất năm 1958 đã xóa sạch thảm thực vật mọc trên đồi núi vịnh Lituya – Ảnh: USGS

Từ nhiều thập niên qua, các nhà khoa học đã biết băng tan gây ra động đất ở các khu vực ổn định về kiến tạo như ở Canada và khu vực Bắc Âu nhưng chưa phát hiện mô hình này ở Alaska.

Trong khi đó, Alaska lại có nhiều sông băng lớn nhất thế giới. Sông băng có thể dày đến hàng ngàn mét bao phủ hàng trăm km2. Sức nặng của băng làm cho đất bên dưới chìm xuống. Đến khi băng tan, mặt đất trồi lên như miếng bọt biển bung ra.

TS Chris Rollins – tác giả chính của báo cáo khoa học giải thích: “Có hai yếu tố để mặt đất trồi lên. Đầu tiên là hiệu ứng đàn hồi (đất trồi lên khi băng tan) và kế đến là hiệu ứng kéo dài lớp vỏ Trái đất lên trên bên dưới không gian trống”.

Khi đất trồi lên sau khi sông băng tan ra, mặt đất giống như bánh mì nở bung ra mọi hướng trong lò nướng và làm đất dễ trượt hơn.

Nhóm nghiên cứu kết luận mặc dù hiện tượng băng tan không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra động đất nhưng băng tan mạnh có thể điều chỉnh thời gian và mức độ nghiêm trọng của động đất.

HOÀNG DUY LONG
TTO