30/12/2024

Các tu sĩ Phanxicô ở Syria trợ giúp trẻ em Syria

Các tu sĩ Phanxicô ở Syria trợ giúp trẻ em Syria

Các trẻ em Syria (AFP or licensors)

Ngày 15/3 là ngày đánh dấu 10 năm cuộc chiến tranh khốc liệt bùng nổ ở Syria. Chiến tranh đã để lại bao nhiêu trẻ em thương tích, bệnh tật thể lý và tâm lý, thiếu dinh dưỡng, không được đến trường. Các tu sĩ Phanxicô ở Syria đang tích cực hỗ trợ các em.

Xung đột Syria bắt đầu vào năm 2011 khi các cuộc biểu tình nổ ra khắp đất nước phản đối sự cai trị của Bashar al-Assad, Tổng thống Syria, và lãnh đạo Đảng Ba’ath của đất nước. Vào tháng 4 năm đó, quân đội Syria bắt đầu triển khai quân sự, bắn vào những người biểu tình. Cuộc nội chiến Syria đã diễn ra giữa chế độ Syria và một số nhóm nổi dậy. Nga và Iran ủng hộ chế độ Syria, trong khi các quốc gia phương Tây ủng hộ một số nhóm nổi dậy.

Đức Hồng y Mario Zenari, nhà ngoại giao của Vatican tại Syria trong 13 năm qua, nói rằng sau gần một thập kỷ chiến tranh, người dân Syria giờ đây đã phải hứng chịu “quả bom đói nghèo” giữa đại dịch virus corona.

Cha Firas Lutfi, một linh mục Dòng Phanxicô từng là nhà truyền giáo ở Aleppo vào thời kỳ bạo lực bùng phát, đã chứng kiến ​​những tổn thương mà thế hệ trẻ em Syria phải chịu đựng, những người cả cuộc đời sống trong sự bất trắc và bi kịch của chiến tranh.

Dòng Phanxicô đã tìm cách tạo ra một nơi an toàn và chữa bệnh cho những đứa trẻ này, nhiều em đang bị lo âu, trầm cảm và căng thẳng sau chấn thương.

Cha Lutfi nói với CNA vào năm 2020: “Chúng tôi quan sát thấy những đứa trẻ, trẻ em Aleppo, nhiều em bị chấn thương tâm lý sau chiến tranh. Nhiều em mồ côi cha mẹ, một số em bị cụt tay, cụt chân, và các em sợ hãi đủ thứ.”

Cha Lutfi đã thành lập chương trình điều trị sau chiến tranh đau thương tại Trung tâm Chăm sóc của Dòng Phanxicô ở Aleppo vào năm 2017. Kể từ đó, đội ngũ nhân viên gồm các nhà tâm lý học lâm sàng, tình nguyện viên và nhân viên xã hội của trung tâm đã phục vụ 1.500 trẻ em Syria từ 6-17 tuổi.

Nhiều trẻ em sinh ra ở Syria trong bối cảnh bom đạn và hỗn loạn của chiến tranh không bao giờ được cấp giấy khai sinh vì không được đăng ký khai sinh với chính phủ. Để cung cấp cho những đứa trẻ bị lãng quên này một danh tính, các tu sĩ dòng Phanxicô đã bắt đầu dự án “Tên và Tương lai” ở Đông Aleppo. Cha Lufti nói: “Chúng tôi chăm sóc những đứa trẻ này, và chúng tôi đã cho chúng đăng ký chính thức… Chúng tôi có 500 trẻ ở mỗi trung tâm.”

Trong số những người được các tu sĩ Dòng Phanxicô chăm sóc tại các trung tâm ở Aleppo có những người trẻ mắc hội chứng Down và chứng tự kỷ bị gia đình bỏ rơi, cũng như các bà mẹ mang thai cần được giúp đỡ.

Theo Cơ quan Tị nạn của Liên Hiệp Quốc, hơn 5,6 triệu người đã rời Syria kể từ năm 2011. Phần lớn người tị nạn đến Trung Đông, trong đó khoảng 3,6 triệu đến Thổ Nhĩ Kỳ và 1,6 đến Liban hoặc Jordan. Trong khi đó tại Syria có 6,7 triệu người di tản nội địa. (CNA 14/03/2021)

Hồng Thuỷ