04/01/2025

Phải chăng hố đen không hề ‘đen’?

Phải chăng hố đen không hề ‘đen’?

Theo một giả thuyết mới, hố đen trên thực tế có lẽ chẳng phải màu đen, mà thay vào đó có lẽ là các ngôi sao đang chất chứa những dạng vật chất kỳ lạ ở lõi của chúng.

 

 

 

Mô phỏng một hố đen /// NASA
Mô phỏng một hố đen NASA
Hố đen là tên dùng để chỉ những con “quái vật” thực thụ của vũ trụ, luôn ngốn ngấu mọi thứ xung quanh và thậm chí nuốt chửng cả ánh sáng. Cho đến nay, chúng là những thiên thể bí ẩn nhất ở không gian xa xăm.

Những ngôi sao đen

Nhờ vào thuyết tương đối rộng của nhà vật lý thiên tài Albert Einstein, giới nghiên cứu biết rằng một số ngôi sao khổng lồ có thể tự sụp đổ lên chính nó, ở mức độ mà quá trình sụp đổ này liên tục kéo dài đến vô cực, gọi chung là điểm kỳ dị.
Khi điểm kỳ dị hình thành, bao quanh nó sẽ là một chân trời sự kiện. Và đây thật sự là con đường một chiều duy nhất trong vũ trụ, ít nhất là theo hiểu biết hiện nay. Tại chân trời sự kiện, lực hấp dẫn của hố đen mạnh đến nỗi để vật chất có thể thoát khỏi sức hút này thì chúng phải di chuyển với tốc độ nhanh hơn vận tốc ánh sáng.
Phải chăng hố đen không hề 'đen'? - ảnh 1

Mô phỏng một ngôi sao di chuyển gần hố đen ESO

Thế nhưng, vì không thể vượt qua vận tốc của ánh sáng nên bất kỳ vật chất nào vượt qua chân trời sự kiện đều mãi mãi không thể thoát ra.
Đó là lý do hố đen hình thành, theo Phys.org.

Cần giả thuyết mới

Tuy nhiên, cho đến nay, giới khoa học vẫn chưa thể giải thích được tại sao lại có thể xuất hiện điểm kỳ dị. Dựa trên các mô hình vật lý, điểm kỳ dị không thể nào xảy ra, vì vật chất không thể sụp đổ liên tục trên lõi đến mức vô cực.
Điều đó có nghĩa là những hiểu biết hiện tại về hố đen cần phải được cập nhật hoặc thay đổi nếu muốn giải thích chuyện gì đang xảy ra ở trung tâm một hố đen. Và hiện các nhà nghiên cứu cho rằng hố đen không phải màu đen mà là một dạng gì khác.
Theo một giả thuyết, bên trong các hố đen có khả năng không phải là điểm kỳ dị, mà là một điểm cực nhỏ của vật chất bị nén ở mức không tưởng. Điểm này được gọi là lõi Planck.
Nếu thật sự là lõi Planck, không cần có điểm kỳ dị để giải thích cho sự tồn tại của hố đen, và từ đó cũng không có chân trời sự kiện.
Hiện nhân loại vẫn chưa sở hữu công nghệ có thể quan sát cận cảnh hố đen để tìm ra sự khác biệt giữa việc có chân trời sự kiện hay không. Thời gian sẽ trả lời cho vấn đề này.
HẠO NHIÊN
TNO