23/01/2025

Chúa Nhật IV Mùa Chay B 2021: Con đường tình yêu của Chúa Giêsu

Tuần vừa qua chúng ta đã tìm hiểu Đức Giêsu là Giêrusalem mới thay cho Giêrusalem cũ. Người đển loan báo một tôn giáo mới mẻ xây dựng trên tình yêu trọn vẹn dành cho Chúa và cho con người, khi mở ra cho nhân loại một con đường mới và mời gọi chúng ta bước vào con đường tình yêu này để cảm nghiệm được hạnh phúc và sự sống kỳ diệu của Thiên Chúa. Vậy con đường này là gì và chúng ta phải bước đi như thế nào để đạt tới đích điểm là Thiên Chúa?

Chúa Nhật IV Mùa Chay B 2021

Con đường tình yêu của Chúa Giêsu

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Tuần vừa qua chúng ta đã tìm hiểu Đức Giêsu là Giêrusalem mới thay cho Giêrusalem cũ. Người đến loan báo một tôn giáo mới mẻ xây dựng trên tình yêu trọn vẹn dành cho Chúa và cho con người, khi mở ra cho nhân loại một con đường mới và mời gọi chúng ta bước vào con đường tình yêu này để cảm nghiệm được hạnh phúc và sự sống kỳ diệu của Thiên Chúa. Vậy con đường này là gì và chúng ta phải bước đi như thế nào để đạt tới đích điểm là Thiên Chúa?

1. Con đường tình yêu

Mọi tôn giáo do con người nghĩ ra đã cho rằng thần linh là một Đấng linh thiêng tối cao làm chủ vũ trụ vạn vật, nếu ai xúc phạm đến Ngài sẽ bị trừng phạt nặng nề, thậm chí phải chết. Vì thế, các tôn giáo đặt ra các nghi lễ để tôn thờ, tạ tội và cầu xin thần linh ban những ơn lành. Các tôn giáo giống như những con đường một chiều diễn tả khát vọng của con người muốn vươn đến thần linh để đạt tới điểm ước mong là được sống mãi mãi, trẻ đẹp, hạnh phúc vô cùng.

Nhưng Kitô giáo là một con đường hai chiều: chiều xuống và chiều lên. Chiều xuống là Thiên Chúa từ nơi cao thẳm vô biên vĩnh hằng xuống với con người và vạn vật thấp hèn, giới hạn, nhất thời để nâng tất cả lên cao và cho hoà nhập vào sự sống diệu kỳ của Thiên Chúa. Vì thế, hôm nay Đức Giêsu nói với chúng ta: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (x. Ga 3,16).

Người Con đó đã trở thành người, trở thành Đức Giêsu Kitô, để chỉ cho ta con đường đến với Thiên Chúa, để nói cho ta biết rằng Thiên Chúa chính là tình yêu (x. 1Ga 4,8.16). Tình yêu không phải chỉ là một đặc tính của Thiên Chúa hay một ân huệ được Thiên Chúa ban tặng cho thụ tạo. Nhưng tình yêu là tất cả Thiên Chúa, là toàn thể những quan hệ bên trong của Thiên Chúa, quyết định tính cách và mọi hoạt động bên ngoài của Thiên Chúa. Vì thế, khi dựng nên muôn loài, Thiên Chúa cũng đặt tình yêu của Ngài vào bản tính của vạn vật và con người để chúng yêu thương nhau và cảm nghiệm được niềm vui, bình an, hạnh phúc của Ngài.

Do đó, con đường dẫn đến Thiên Chúa được gọi là “con đường tình yêu”. Con đường ấy mở rộng cho tất cả mọi người như Công đồng Vaticanô II đã xác định trong Hiến chế Gaudium et Spes, số 38, rằng: “Đối với những ai tin vào tình yêu Thiên Chúa, Ngài cho họ xác tín rằng con đường tình yêu mở rộng cho tất cả mọi người”. Trên con đường này, tình yêu vừa là khởi điểm để ta bắt đầu sống động, vừa là động lực thúc đẩy ta tiến bước, vừa là mối dây liên kết ta với mọi bạn đồng hành, vừa là đích điểm để ta tiến tới”. Chúng ta không thể biết được tình yêu nhiệm mầu của Thiên Chúa vì Ngài là tinh thần tuyệt đối. Nhưng nhờ Chúa Giêsu, là tình yêu cụ thể của Thiên Chúa, chúng ta biết được và có thể đáp ứng được những đòi hỏi của tình yêu đó, vì thế Người mời gọi chúng ta: “Anh em hãy theo tôi”; “anh em hãy yêu thương nhau như tôi đã yêu thương anh em”.

Đức Thánh Cha Phanxicô, trong Sứ điệp Mùa Chay năm nay, đã mời gọi chúng ta tin vào tình yêu Thiên Chúa và đổi mới tình yêu của mỗi người chúng ta. Vậy chúng ta sẽ bước đi như thế nào trên con đường tình yêu và đổi mới tình yêu như thế nào?

2. Bước đi trên con đường tình yêu

Tình yêu là một từ được người ta thường xuyên nói tới trong cuộc sống, nhưng thật sự rất nhiều người không biết tình yêu là gì và phải yêu như thế nào cho đúng đắn.

Trong bộ Từ điển Bách khoa Việt Nam, bộ từ điển đắt giá nhất và giá trị nhất của Việt Nam với hơn 200 vị tiến sĩ đầu ngành soạn thành 4 cuốn rất dày, mỗi cuốn hơn 1000 trang khổ lớn, chúng ta thấy không có mục từ “tình yêu”. Chỉ có mục từ “tình bạn, tình cảm, tình dục”. Điều đó cũng hợp lý thôi bởi vì đối với những người theo chủ nghĩa duy vật vô thần thì tình yêu là sản phẩm tưởng tượng của học thuyết duy tâm. Người ta vẫn dạy các học sinh lớp nhỏ phải “yêu tổ quốc, yêu đồng bào”, nhưng lại không dạy những lớp lớn về tình yêu. Vì thế, nhiều học sinh và sinh viên chỉ nương theo nhịp đập của trái tim con người, chiều theo những cảm xúc tự nhiên để đối xử với nhau, thậm chí sống thử với nhau như vợ chồng, vì người ta nghĩ tình yêu chính là tình dục, chỉ để thoả mãn bản năng tự nhiên của con người. Kết quả là có 2 triệu ca phá thai mỗi năm và gần 50% gia đình ly dị ở Việt Nam.

Các tôn giáo rất ít khi nói đến tình yêu, vì thường hiểu đó là tình cảm yêu đương nam nữ của con người bị bản năng sinh lý chi phối, nên xem thường và còn nhắc nhở các tu sĩ phải xa tránh hay kiêng cữ cho xứng đáng với thần linh. Chúng tôi thử tìm định nghĩa về tình yêu trong các từ điển của Phật giáo nhưng không thấy[mfn]x. Đoàn Trung Côn, bộ Phật học Từ điển, 3 cuốn, NXB TP.HCM, 1992; Giáo hội Phật giáo Việt Nam, bộ Từ điển Phật học Hán Việt, 2 cuốn, NXB Phân viện nghiên cứu Phật học, Hà Nội, 1992; Thích Minh Châu – Minh Trí, Từ điển Phật học Việt Nam, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1991.[/mfn]. Anh em Phật giáo cho tình yêu là vô thường, tình cờ tụ lại trong một kiếp người hay trong một ít năm sống, sau đó lại tan biến. Vì vậy mà Sư Giác Duyên nói với Thuý Kiều rằng: “Tu là cõi phúc, tình là dây oan”[mfn]x. Đây là câu 2658 trong Truyện Kiều. Sư Giác Duyên nói với Thuý Kiều: “Sư rằng phúc hoạ đạo trời, Cỗi nguồn cũng ở lòng người mà ra. Có trời mà cũng tại ta, Tu là cõi phúc tình là dây oan”.[/mfn].

Đối với người Công giáo chúng ta, tình yêu là bản chất của Thiên Chúa. Chúng ta không thể biết được mình phải yêu như thế nào nếu Thiên Chúa không sai Con Một của Ngài đến dạy cho chúng ta biết tình yêu cụ thể là gì. Đức Giêsu đã yêu như Thiên Chúa Cha đã yêu thương chúng ta, sai Con Một Ngài đến với chúng ta, Người yêu cho đến chết và chết trên thập giá để dạy chúng ta bài học cụ thể về tình yêu. Thánh Phaolô trong Bài đọc II đã nhắc nhở chúng ta: “Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã Người đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Kitô. Người đã làm cho chúng ta cùng sống lại và cùng ngự trị với Đức Kitô trên cõi trời” (Eph 2, 5-6).

Đức Giêsu không dạy chúng ta phải cử hành những nghi thức phụng vụ, đọc những lời kinh dài, thậm chí cũng không đòi chúng ta thực hiện nhiều việc bác ái như các tôn giáo khác. Người muốn dạy cho chúng ta một tôn giáo mới, đặt nền tảng trên chính con người của Người, bởi vì Người chính là đền thờ của Thiên Chúa. Do đó Người mới nhắc đến việc phá huỷ đền thờ Giêrusalem (x. Ga 2,19-22).

Bài đọc I hôm nay (x. Sbn 36, 14-23) cũng gợi ý về đền thờ đầu tiên được vua Salomôn xây dựng vào thế kỷ 10 TCN đã bị người Canđê phá huỷ vào năm 586. Sau 70 năm lưu lạc làm nô lệ ở Babylon, vua Kyrô trị vì nước Ba Tư đã cho phép dân Do Thái trở về xây dựng lại đền thờ và khánh thành năm 520 TCN. Vào năm 20 TCN vua Hêrôđê Cả đã trùng tu lại đền thờ và đến đời vua Hêrôđê Con mới khánh thành vào khoảng năm 26 thời Chúa Giêsu. Năm 70 người Rôma đã phá bình địa thành Giêrusalem và đền thờ, chỉ còn để lại một bức thành phía Tây. Lời kêu gọi xây dựng một đền thờ mới, một tôn giáo mới gửi đến chúng ta hôm nay: “Vậy ai trong các người là dân riêng của Chúa, xin Thiên Chúa ở với họ và họ hãy tiến lên!

Khi yêu như Chúa Giêsu, chúng ta mới thật sự hiểu được tôn giáo mới mà Người mang đến cho chúng ta. Chỉ khi chúng ta hiểu được tình yêu của Đức Giêsu, yêu cho đến chết và chết trên thập giá, chúng ta mới cùng sống lại với Người, chúng ta mới trở thành thụ tạo mới: “Thật thế, chúng ta là tác phẩm của Thiên Chúa, chúng ta được dựng nên trong Đức Giêsu để sống mà thực hiện công trình tốt đẹp Thiên Chúa chuẩn bị cho chúng ta” (Eph 2,10).

Lời kết

Vậy chúng ta hãy xin Chúa Thánh Thần tình yêu đến với chúng ta, xin Cha Trên Trời đổ tràn tình yêu vào lòng ta nhờ Thánh Thần Ngài ban cho ta để ta thể hiện tình yêu trong cuộc sống thường ngày. Chỉ có như thế chúng ta mới “nói được rằng mình đang ở trong Thiên Chúa vì đang đi trên con đường Đức Giêsu đã đi” (Ga 2,6).

  1. x. Đoàn Trung Côn, bộ Phật học Từ điển, 3 cuốn, NXB TP.HCM, 1992; Giáo hội Phật giáo Việt Nam, bộ Từ điển Phật học Hán Việt, 2 cuốn, NXB Phân viện nghiên cứu Phật học, Hà Nội, 1992; Thích Minh Châu – Minh Trí, Từ điển Phật học Việt Nam, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1991.
  2. x. Đây là câu 2658 trong Truyện Kiều. Sư Giác Duyên nói với Thuý Kiều: “Sư rằng phúc hoạ đạo trời, Cỗi nguồn cũng ở lòng người mà ra. Có trời mà cũng tại ta, Tu là cõi phúc tình là dây oan”.

HKK