06/01/2025

Lần đầu tiên Việt Nam nhân bản thành công lợn ỉ từ tế bào soma mô tai

Lần đầu tiên Việt Nam nhân bản thành công lợn ỉ từ tế bào soma mô tai

4 chú lợn ỉ con đã chào đời khoẻ mạnh, phát triển tốt từ công nghệ nhân bản lợn ỉ từ tế bào soma mô tai (trưởng thành).

 

Lần đầu tiên Việt Nam nhân bản thành công lợn ỉ từ tế bào soma mô tai - Ảnh 1.

4 con lợn ỉ nhân bản ra đời, khỏe mạnh và phát triển tốt – Ảnh: V.GIANG

Ngày 14-3, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết lần đầu tiên tại Việt Nam, các nhà khoa học của Viện Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) đã nghiên cứu thành công và làm chủ công nghệ nhân bản lợn ỉ từ tế bào soma mô tai (trưởng thành).

Theo đó, ngày 10-3, 4 chú lợn con đã chào đời khỏe mạnh, phát triển tốt từ công nghệ này.

Đây là một bước tiến vượt bậc về khoa học công nghệ của Việt Nam trong lĩnh vực nhân bản động vật, khẳng định và nâng cao vai trò, vị thế nền khoa học công nghệ của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Trước đó, từ tháng 7-2017, Viện Chăn nuôi đã tổ chức triển khai đề tài “Nghiên cứu tạo lợn ỉ bằng kỹ thuật chuyển nhân tế bào soma”.

Lần đầu tiên Việt Nam nhân bản thành công lợn ỉ từ tế bào soma mô tai - Ảnh 2.

Việc nhân bản thành công lợn ỉ là một bước tiến mới trong lĩnh vực khoa học công nghệ của Việt Nam – Ảnh: V.GIANG

TS Phạm Công Thiếu, viện trưởng Viện Chăn nuôi, cho biết các nhà khoa học đã ngày đêm nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức để tổ chức nghiên cứu, ứng dụng và thực hiện thành công công nghệ nhân bản động vật với quy trình tạo dòng “tế bào cho” từ mô tai lợn ỉ sử dụng trong quá trình cấy chuyển nhân tế bào cho và tạo phôi lợn nhân bản.

Quy trình tạo dòng “tế bào nhận” có màng sáng hoặc không có màng sáng được sử dụng cho quá trình cấy chuyển nhân tế bào và tạo phôi lợn nhân bản.

Quy trình cấy chuyển nhân tế bào cho và tạo phôi lợn nhân bản với tỉ lệ tạo phôi nang lợn ỉ nhân bản đạt cao. .

Theo ông Thiếu, trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học của viện đã không ngừng đầu tư, cập nhật tiến bộ khoa học trên thế giới để tổ chức, nghiên cứu, xây dựng, chuẩn hóa và đưa vào ứng dụng các công nghệ, phương pháp mới như tạo tế bào chứng nhận không có màng sáng (zona pellucida) trong điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị còn rất hạn chế.

Lần đầu tiên Việt Nam nhân bản thành công lợn ỉ từ tế bào soma mô tai - Ảnh 3.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến kiểm tra sức khỏe của chú lợn ỉ vừa chào đời – Ảnh: V.GIANG

Ưu điểm của phương pháp này dễ thao tác khi cấy chuyển nhân “tế bào cho”, tạo được nhiều phôi trong thời gian ngắn. Mặt khác, việc cấy chuyển phôi lợn 5-6 ngày tuổi đã nâng cao tỉ lệ thụ thai từ 24% (ở mức trung bình trên thế giới) lên 61%.

Chính vì vậy, ngày 10-3 đã có 4 lợn ỉ nhân bản ra đời, khỏe mạnh và phát triển tốt.

Theo Bộ NN&PTNT, thành tựu nổi bật này mở ra các hướng nghiên cứu mới về ứng dụng công nghệ nhân bản động vật trong chọn giống. Bảo tồn các loài động vật có giá trị cao, động vật quý hiếm.

CHÍ TUỆ
TTO