26/12/2024

Hàng loạt sai phạm trong khai thác khoáng sản ở Hoà Bình

Hàng loạt sai phạm trong khai thác khoáng sản ở Hoà Bình

Kết luận của Thanh tra Chính phủ mới được công bố đã chỉ ra nhiều tồn tại, vi phạm trong quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản tại Hoà Bình.
Một lò khai thác vàng trái phép ở xã Thanh Nông, H.Lạc Thủy, Hòa Bình gặp sự cố hồi năm 2018 khiến 2 phu vàng tử vong /// Ảnh CTV
Một lò khai thác vàng trái phép ở xã Thanh Nông, H.Lạc Thủy, Hòa Bình gặp sự cố hồi năm 2018 khiến 2 phu vàng tử vong ẢNH CTV
Thanh tra Chính phủ vừa công bố kết luận thanh tra về công tác bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản; việc quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông lâm trường và việc chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi tại tỉnh Hòa Bình, từ 2011 – 2018.

Chưa thực hiện đầy đủ quy định về bảo vệ môi trường

Kết luận của Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều tồn tại, vi phạm trong quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản tại Hòa Bình.
Cụ thể, trong giai đoạn 2008 – 2018, UBND tỉnh Hòa Bình không ban hành quy định về tỷ lệ quy đổi khoáng sản thành phẩm sang khoáng sản nguyên khai để tính Phí bảo vệ môi trường.
Liên quan việc phê duyệt phương án, đề án cải tạo phục hồi môi trường, theo Thanh tra Chính phủ, vẫn còn 7/93 điểm mỏ chưa được phê duyệt phương án, đề án cải tạo phục hồi môi trường theo quy định.
Trong đó có 3 dự án đang trình UBND tỉnh phê duyệt, 12 dự án chưa được phê duyệt (chưa khai thác), 2 dự án đã khai thác nhưng chưa được phê duyệt.
Ngoài ra, công tác hướng dẫn công tác hướng dẫn, đôn đốc doanh nghiệp thực hiện kê khai và nộp phí bảo vệ môi trường vẫn còn hạn chế; vẫn còn tình trạng nợ phí bảo vệ môi trường.
Đối với chủ đầu tư các cự án khai thác khoáng sản, qua kiểm tra tại 17 dự án cho thấy vẫn còn một số chủ đầu tư dự án chưa thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường như: chưa có giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường trong giai đoạn vận hành nhưng vẫn khai thác; việc quan trắc, giám sát môi trường không khí, môi trường nước, môi trường đất chưa đầy đủ về tần suất, vị trí; khu vực lưu giữ chất thải nguy hại chưa đảm bảo…
Trong số 17 dự án được thanh tra, có 7 dự án chưa được cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường trong giai đoạn vận hành.
Từ đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị tỉnh Hòa Bình kiểm tra, xác định lại tỷ lệ quy đổi từ số lượng khoáng sản thành phấm ra số lượng nguyên khai của một số loại khoáng sản trên địa bàn tỉnh cho phù hợp với thực tế, tránh gây thất thu ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, kiểm tra rà soát toàn bộ các dự án khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh và tiến hành xử lý vi phạm hành chính đối với các chủ đầu tư chưa thực hiện nghiêm túc các yêu cầu của báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt. Xử lý theo quy định đối với chủ đầu tư 37 dự án còn nợ tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường, với tổng số tiền 6,833 tỉ đồng; các dự án khai thác khoáng sản còn nợ phí bảo vệ môi trường.

19/20 bến bãi tập kết cát, sỏi nằm ngoài quy hoạch

Liên quan việc khai thác cát sỏi trên địa bàn tỉnh này, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra nhiều vi phạm. Cụ thể, nhiều bến bãi, sử dụng đất vượt quá diện tích được thuê; sử dụng đất ven sông làm nơi tập kết vật liệu xây dựng; xây dựng công trình, đổ phế thải ra lòng sông, gây ô nhiễm môi trường.
Việc thực hiện quy định về pháp luật bảo vệ môi trường của các bến bãi chưa nghiêm túc, chưa xây dựng hệ thống thoát nước mặt, nước mưa và các biện pháp che phủ cát để chống bụi; còn thiếu hợp đồng với đơn vị có chức năng xử lý về chất thải nguy hại, thực hiện việc xử lý chất thải nguy hại chưa thường xuyên.
Cũng theo Thanh tra Chính phủ, việc vẫn còn 19/20 bến bãi tập kết cát sỏi nằm ngoài quy hoạch trong thời gian dài nhưng chưa bị xử lý là chưa thực hiện hết trách nhiệm của cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình.
Bên cạnh đó, khối lượng cát nhập vào các bến bãi chủ yếu từ nguồn các tàu trôi nổi trên sông Đà, mua vào không rõ nguồn gốc. Tuy vậy, việc kiểm tra, phát hiện, xử lý của cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình về vấn đề này chưa thực sự hiệu quả; chưa có biện pháp hữu hiệu để giám sát, kiểm soát nguồn gốc cát cung cấp cho các bãi tập kết trên địa bàn tỉnh, tiềm ẩn xảy thất thu thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường.
Thanh tra Chính phủ kiến nghị tăng cường trách nhiệm của UBND các cấp trong quản lý hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn. Thực hiện có hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi vi phạm trong khai thác, trong vận chuyển, kinh doanh cát trái phép trên địa bàn tỉnh; không để xảy việc kinh doanh, tiêu thụ cát có nguồn gốc khai thác trái phép.
Trong kiến nghị chung, Thanh tra Chính phủ đề nghị UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức thực hiện và chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân qua các thời kỳ để xảy ra các tồn tại, vi phạm trong công tác bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản; công tác quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông lâm trường và việc chấp hành quy đinh pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi tại tỉnh Hòa Bình đã được nêu tại Kết luận thanh tra này.
Căn cứ vào kết quả kiểm điểm, có biện pháp xử lý trách nhiệm đối với những tập thể, cá nhân trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
LÊ HIỆP
TNO