Phát hiện thành phần sự sống từ quả cầu lửa vừa rơi xuống Trái đất
Phát hiện thành phần sự sống từ quả cầu lửa vừa rơi xuống Trái đất
Theo nghiên cứu mới nhất, quả cầu lửa thắp sáng bầu trời nước Anh và khu vực Bắc Âu vào đêm 28-2 là loại thiên thạch cực kỳ hiếm. Những mảnh vỡ của nó có thể giải mã bí ẩn về lịch sử ra đời của hệ Mặt trời và sự sống trên Trái đất.
Đài CNN đưa tin các nhà khoa học thu thập 300 gam thiên thạch rơi xuống thị trấn Winchcombe, Anh và tiến hành nghiên cứu. Kết quả cho thấy tảng “đá trời” này được cấu tạo từ vật chất nguyên thủy nhất hệ Mặt trời có chứa vật liệu hữu cơ và axit amin – thành phần của sự sống.
Bảo tàng Lịch sử quốc gia London cho biết các mảnh vỡ được thu thập trong điều kiện rất tốt và rất nhanh chóng sau khi “giáng thế”. Các nhà khoa học đánh giá nó có thể sánh với những mẫu đá mang về từ các sứ mệnh vũ trụ về cả chất lượng và khối lượng.
Theo bảo tàng, có xấp xỉ 65.000 mảnh thiên thạch từng được thu thập trên Trái đất. Tuy nhiên, chỉ có 51 trong số đó là chứa vật chất cần thiết cho sự sống, vì thế chúng được xếp vào hàng hiếm có.
Sự kiện đêm 28-2 còn đặc biệt ở chỗ nó được chứng kiến bởi hàng ngàn người khắp nước Anh và Bắc Âu. Không những thế, hàng loạt camera an ninh và các loại camera khác đã bắt được khoảnh khắc quả cầu rực cháy.
Chính nhờ được video ghi lại, các nhà khoa học có thể định vị được chính xác nơi của những mảnh vỡ trên mặt đất và thậm chí là tính toán chính xác nó đến từ đâu trong hệ Mặt trời.
Các thiên thạch có tuổi đời cổ xưa hơn bất cứ đất đá nào trên Trái đất. Chúng thường chu du hàng ngàn năm trong vũ trụ trước khi bị “bắt giữ” bởi lực hấp dẫn của Mặt trời, hoặc có khi là Trái đất. Khi thiên thạch rơi xuống, đôi lúc việc ma sát với khí quyển sẽ khiến nó trở thành một quả cầu lửa rực sáng trước khi chạm đất.