Miền Tây ‘ăn đong’ nước ngọt
Miền Tây ‘ăn đong’ nước ngọt
Dù chưa vào cao điểm hạn mặn nhưng tại nhiều địa phương ở miền Tây Nam bộ như Bến Tre, Tiền Giang, Kiên Giang, giá nước ngọt cho sinh hoạt đã bắt đầu tăng cao khiến người dân phải sống cảnh ‘ăn đong’ từng lít nước ngọt.
Mới đây, ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, đã ký ban hành Quyết định 03/2021/QĐ-UBND về “giá tiêu thụ nước không bị nhiễm mặn trong thời gian hạn mặn” mùa khô năm 2021 với mức giá cao nhất được khống chế là 51.500 đồng/m3. Hiện đã có gần 17.000 hộ dân ở H.Giồng Trôm (Bến Tre) sử dụng nước máy với mức giá trên. Nếu khu vực lấy nước thô tăng độ mặn lên 3‰, thì nhiều khả năng người dân toàn tỉnh Bến Tre sẽ phải sử dụng nước máy với mức giá tối đa trên.
Giá nước tăng hơn 5 lần
Hiện tại, nước cung cấp bằng phương án mua nước ngọt thô (để sản xuất nước sạch (chở) bằng sà lan ở Bến Tre cũng có giá từ trên 42.000 – 51.500 đồng/m3, tùy vào độ mặn. Riêng giá cung cấp nước ngọt, sạch sinh hoạt bằng hệ thống xử lý RO tại các nhà máy nước trong tình huống độ mặn nước thô tại chỗ từ 0,5 – 3‰ là 27.846 đồng/m3, độ mặn từ 3 – 6‰ là 30.940 đồng/m3, độ mặn trên 6 – 9‰ là 35.581 đồng/m3.
|
“Độ mặn nước tại khu vực lấy nước thô của Nhà máy nước Lương Quới ở H.Giồng Trôm của chúng tôi đã nhiễm mặn hơn 3‰. Chúng tôi đã phải dùng sà lan lên phía thượng nguồn chở nước ngọt về, bơm vào nhà máy và xử lý lắng lọc bằng hệ thống RO đảm bảo nước an toàn với độ mặn dưới 0,4‰. Chính vì vậy mà từ ngày 5.3, công ty đã áp dụng thu giá nước của gần 17.000 hộ dân khu vực H.Giồng Trôm với giá 51.500 đồng/m3. Mức giá này tăng hơn 5 lần so với thời điểm không hạn mặn (9.200 đồng lên 51.500 đồng), nhưng vì chi phí cho các công đoạn là quá cao nên lợi nhuận công ty không thay đổi”, ông Trần Hùng, Tổng giám đốc Công ty CP cấp thoát nước Bến Tre, đơn vị áp dụng giá nước “mút khung” đầu tiên tại tỉnh Bến Tre, phân trần.
“Nếu tình hình hạn mặn tiếp tục diễn biến phức tạp, kiệt luôn lượng nước đang dự trữ thì các phương án đáp ứng nước ngọt cho khách hàng trên địa bàn các huyện Châu Thành, Mỏ Cày Bắc và TP.Bến Tre… cũng buộc phải áp dụng giá 51.500 đồng/m3 theo quyết định của UBND tỉnh Bến Tre”, ông Hùng nói.
Theo nguồn tin của PV Thanh Niên, cho đến hôm qua (7.3), tỉnh Bến Tre chưa có phương án dùng ngân sách hỗ trợ về giá nước cho người dân vùng hạn mặn.
Gồng mình chống chịu
Theo Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Bến Tre, hiện có trên 50% lượng khách của các nhà máy nước trực thuộc chấp nhận mua nước sạch với giá 51.500 đồng/m3. Tuy vậy, với những hộ kinh doanh, sử dụng nước nhiều như gia đình bà Nguyễn Mỹ Châu, ở xã Tân Hào (H.Giồng Trôm), chuyên dịch vụ nấu ăn thì chi phí nước lên cao cũng gây nhiều khó khăn. Bởi thông thường, mỗi tháng bà chỉ phải trả đến 1 triệu đồng/tháng (khoảng 8.000 đồng/m3) thì nay chi phí này là 6 triệu đồng/tháng.
Còn ông Lê Văn Thông, người dân xã Long Mỹ (H.Giồng Trôm), than: “Từ tết đến giờ, trái cây và dừa cũng rớt giá do dịch Covid-19. Mấy đứa nhỏ đi làm công ty thì bị cho nghỉ việc từ trước tết nên chi phí nước sinh hoạt cũng tăng lên. Chỉ mong nhà nước có phương án trợ giá cho dân bớt khổ khi phải ăn đong từng lít nước ngọt”.
Theo ghi nhận, từ khi có thông tin áp dụng giá nước 51.500 đồng/m3 ở H.Giồng Trôm, người dân các huyện khác và cả TP.Bến Tre đang tranh thủ trữ thêm nước ngọt trong lúc chưa tăng giá.
Trong khi đó, nhiều gia đình ở H.Giồng Trôm tự đề ra các cách tiết kiệm nước ngọt trong mùa hạn mặn để giảm chi phí. “2 đứa nhỏ tắm trước bằng nước giếng, sau đó mới dội vài ca nước ngọt cho đỡ hao… Nói chung phải tiết kiệm chứ giá nước lên đến 51.500 đồng/m3 thì “thốn” cho hầu bao của gia đình tôi lắm. Vợ chồng tôi làm công nhân mà”, anh Trần Văn Hậu, ngụ TT.Giồng Trôm, cho biết.
|
Tận dụng thời cơ bà con xứ dừa muốn trữ nước ngọt, các cửa hàng buôn bán bồn chứa, thợ hồ làm ống hộc cũng nâng giá bán, giá công lao động lên cao. Cụ thể, tại H.Chợ Lách, phuy nhựa chứa nước loại 2 m3 và 5 m3 có giá từ 3 – 7 triệu đồng, tăng từ 100.000 – 300.000 đồng/phuy; ống hộc chứa nước loại 4 m3 có giá từ 2 triệu lên khoảng 2,5 triệu đồng/cái…
Ở khu vực TP.Bến Tre, H.Châu Thành, H.Chợ Lách… thì đa số người dân vẫn chấp nhận chọn giải pháp mua nước máy giá 51.500 đồng/m3. “Chuyện nước nôi ở Bến Tre này không tránh được mặn mùa khô đâu, năm nào cũng có”, ông Đỗ Văn Hoàng, ngụ P.7, TP.Bến Tre, phân bua.
Hồi hộp ứng phó đợt mặn tháng 3
Tại tỉnh Tiền Giang, ông Trần Văn Dũng, Phó chủ tịch UBND tỉnh, cho biết mặc dù độ mặn nước trên sông Tiền qua khu vực TP.Mỹ Tho là 1,5‰ từ sau Tết Tân Sửu 2021, nhưng vì kênh Nguyễn Tấn Thành đã được đóng kín nên nguồn nước ngọt dự trữ ở các kênh, rạch tại khu vực này đảm bảo cung cấp nước cho Nhà máy nước BOO Đồng Tâm.
“Tình hình hạn mặn cho đến lúc này vẫn trong khả năng kiểm soát của tỉnh. Song, theo kịch bản ứng phó đã được UBND tỉnh ban hành thì khi hạn mặn có diễn biến phức tạp hơn, ảnh hưởng đến nguồn nước ngọt sinh hoạt của dân và ngay cả nước dùng trong sản xuất nông nghiệp, cũng sẽ được ngân sách tỉnh chi trả để hỗ trợ cho dân giống như trong mùa hạn mặn 2020. Tỉnh Tiền Giang sẽ không cho các doanh nghiệp cấp nước tăng giá trong mọi hoàn cảnh hạn mặn”, ông Dũng cho biết.
Vì sao mặn phía cửa sông Tiền khắc nghiệt hơn sông Hậu?
Những năm qua, tình trạng hạn mặn ở các địa phương ĐBSCL diễn biến rất khắc nghiệt. Tuy nhiên, các tỉnh ở cuối sông Tiền như Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre luôn chịu tác động nặng nề hơn phía sông Hậu là Trà Vinh, Sóc Trăng. Giải thích về sự ảnh hưởng khác nhau trên, PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ), cho biết: “Sở dĩ các tỉnh nằm ở hạ nguồn sông Tiền như Bến Tre, Tiền Giang bị mặn tấn công nhiều hơn phía sông Hậu là bởi sông Tiền được phân thành nhiều nhánh hơn trước khi đổ ra biển. Trong đó, địa bàn tỉnh Bến Tre vốn là 3 cù lao lớn gồm cù lao An Hóa, cù lao Bảo, cù lao Minh có sông, rạch đan xen, chia cắt. Chính vì vậy, vào mùa khô hạn, nước mặn có rất nhiều ngả để xâm nhập sâu hơn, bao vây cả các vùng dân cư. Trong khi đó, phía nhánh sông Hậu, chỉ có 2 hai nhánh chính đổ ra biển Định An (phía bắc giáp Sóc Trăng với Trà Vinh) và cửa Trần Đề (Sóc Trăng) ở phía nam. Bên cạnh đó, lưu lượng nước ngọt từ thượng nguồn Mê Kông về nhánh sông Tiền cũng ít hơn sông Hậu. Nhờ đó mà mặn xâm nhập cũng dễ ứng phó hơn, ít ảnh hưởng đến vùng đông dân cư”.
Đình Tuyển
Trong khi đó, tại nhánh sông Hậu, nước với độ mặn 1,9‰ cũng đã xâm nhập, lấn sâu tới xã An Lạc Thôn (H.Kế Sách, Sóc Trăng), cách cửa biển hơn 60 km. May mắn cho Sóc Trăng là năm nay hơn 40.000 ha lúa đông xuân vùng Long Phú – Tiếp Nhật đã thu hoạch xong. Hiện tại, tỉnh này còn đang “hồi hộp” bảo vệ hơn 10.000 ha lúa đông xuân của H.Kế Sách và khoảng 30.000 ha cây ăn trái. “Hai hôm nay, nước mặn đã bắt đầu rút bớt ở Kế Sách còn 0,5‰. Với độ mặn này, chúng tôi đã khuyến cáo người dân mở cống lấy nước trữ trong mương để dành đủ dưỡng cho lúa đông xuân về đích”, ông Phạm Tấn Đạo, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng, cho biết.
Cũng theo ông Đạo, hiện một mối lo của Sóc Trăng là nhiều khu vực của H.Kế Sách nước mặn chảy vào nội đồng, nhưng không thoát ra được do là vùng đất trũng. Trong khi đó, nhiều khả năng sẽ tiếp tục “chịu trận” một đợt xâm nhập mặn cao điểm nữa vào giữa tháng 3.
Tại Kiên Giang, ông Nguyễn Huỳnh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh, cho biết nước từ thượng nguồn sông Hậu về Kiên Giang cũng giảm nhanh. Thời điểm này, nước nội đồng ở các trạm trên địa bàn tỉnh Kiên Giang thấp hơn trung bình nhiều năm và thấp hơn cùng kỳ mùa khô hạn năm 2020 vừa rồi. “Bộ NN-PTNT đã kịp đưa vào vận hành cống Cái Bé nên khoảng 20.000 ha lúa cũng như cây ăn trái của vùng phía bắc gồm các huyện Châu Thành, Giồng Riềng, Gò Quao và cả H.Tân Hiệp cũng được đảm bảo. Tỉnh cũng không phải đắp trên 100 đập tạm thời tích nước ở thượng lưu sông Cái Bé nên tiết kiệm được hơn 12 tỉ đồng”, ông Trung nói. Tuy nhiên, theo ông Trung, ở Kiên Giang, áp lực hạn mặn còn kéo dài ít nhất trên 1 tháng, đòi hỏi tỉnh phải theo dõi chặt chẽ cùng với địa phương để ứng phó.
Đặc biệt ở Kiên Giang, hiện vấn đề nước sạch cho sinh hoạt của người dân ở một số vùng cũng đang căng thẳng. Trạm cấp nước Thuận Hòa của địa phương này hiện đã chạy vượt công suất, song ở khu vực cuối tuyến như Xẻo Nhàu, Xẻo Nhàu A vẫn không đủ nguồn, khiến trạm phải cấp nước theo giờ, theo tuyến. Điều này cũng làm giá nước sinh hoạt ở Kiên Giang tăng mạnh từ 30.000 đồng – 60.000 đồng/m3. Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Kiên Giang đã cho khoan thêm giếng lấy nước ngầm; đồng thời khảo sát khoan giếng bổ sung nguồn nước và cải tạo hồ trữ cho các khu vực có nguy cơ thiếu nước ngọt trong thời gian tới.
Xâm nhập mặn sớm so với trung bình nhiều năm
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, mùa khô năm 2020 – 2021, xâm nhập mặn đã xuất hiện sớm từ ngày 24.1 tại một số cửa sông, sớm hơn gần 1 tháng so với trung bình nhiều năm. Lưu lượng nước từ thượng nguồn về ĐBSCL thấp đến giữa tháng 3, sau đó khả năng gia tăng do điều tiết tăng cường từ các hồ chứa thượng lưu.
Cụ thể, trong tháng 3, xâm nhập mặn sẽ xuất hiện sâu vào các kỳ triều cường 11 – 15.3 và 27 – 31.3. Từ đầu đến giữa tháng 4, ở vùng cửa sông Cửu Long, xâm nhập mặn bắt đầu giảm dần, phạm vi cách biển từ 30 – 45 km, có nước ngọt khi triều thấp, chân triều. Chỉ có vùng sông Vàm Cỏ và sông Cái Lớn, xâm nhập mặn tiếp tục như trong tháng 3. Dự báo từ nửa cuối tháng 4 đến đầu tháng 5, xâm nhập mặn trên sông Vàm Cỏ và sông Cái Lớn bắt đầu giảm. Ở vùng các cửa sông Cửu Long, xâm nhập mặn khả năng sẽ giảm nhanh, nguồn nước ngọt khá dồi dào ở các vùng cách biển 25 – 30 km.
Phan Hậu
BẮC BÌNH – ĐÌNH TUYỂN
TNO