Tông du Iraq: Bài giảng (4) Thánh Lễ tại Nhà thờ Chính toà Canđê, Baghdad
Thánh lễ tại Nhà thờ Chính toà Canđê Thánh Giuse, BaghdadThứ Bảy, 06/03/2021
Lời Chúa hôm nay nói với chúng ta về sự khôn ngoan, chứng tá và lời hứa.
Ở vùng đất này, từ xa xưa sự khôn ngoan đã được ươm trồng, việc tìm kiếm khôn ngoan luôn thu hút mọi người. Tuy nhiên, thường những người có nhiều phương tiện thì có nhiều cơ hội hơn trong việc tìm kiếm và thu thập sự khôn ngoan, trong khi những người có ít điều kiện hơn lại bị bỏ qua một bên. Sự bất bình đẳng như thế cũng đã gia tăng trong thời đại chúng ta, điều này không thể chấp nhận được. Sách Khôn ngoan làm chúng ta ngạc nhiên khi thay đổi hoàn toàn quan điểm này. Sách Khôn ngoan nói với chúng ta: “Người phận nhỏ được thương tình miễn thứ, kẻ quyền thế lại bị xét xử thẳng tay.” (Kn 6,6). Đối với thế gian, những người nhỏ bé sẽ bị loại bỏ và ai quyền thế sẽ có nhiều đặc quyền hơn. Đối với Thiên Chúa những ai có nhiều quyền sẽ phải chịu sự xem xét nghiêm khắc, trong khi những người rốt hết sẽ được Người ban đặc ân.
Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu, Đấng Khôn ngoan đích thực, đã hoàn tất sự đảo ngược này, và Người đã thực hiện điều này với bài giảng đầu tiên, bằng Các Mối Phúc. Ở đây có sự đảo ngược hoàn toàn: người nghèo khó, người sầu khổ, người bị bách hại là những người được chúc phúc. Tại sao lại có thể như thế được? Đối với thế gian, những người được chúc phúc là những người giàu có, quyền lực, nổi tiếng! Những ai có của cải thì mới được kể đến! Đối với Thiên Chúa không phải vậy: người lớn nhất không phải là người có điều này thứ kia, nhưng là người có tâm hồn nghèo khó; người lớn nhất không phải là người có thể có quyền trên người khác, nhưng là người hiền lành với mọi người; không phải là người được đám đông hoan hô, nhưng là người có lòng thương xót với anh chị em. Ở điểm này chúng ta có thể nghi ngờ và đặt câu hỏi: Nếu tôi sống như Chúa đòi hỏi, tôi sẽ được gì? Dễ có nguy cơ là tôi sẽ bị người khác đạp lên đầu chăng? Đề nghị của Chúa Giêsu có thích hợp không? Hay đó là nguyên nhân của sự thất bại? Đề nghị này không vô giá trị, đó là sự khôn ngoan.
Đề nghị của Chúa Giêsu là khôn ngoan, vì tình yêu là trọng tâm của Các Mối Phúc, mặc dù có vẻ như yếu đuối trước mắt người đời, nhưng thực sự đã chiến thắng. Trên thập giá, Chúa tỏ ra mạnh mẽ hơn tội lỗi, trong ngôi mộ, Chúa đã đánh bại sự chết. Cũng chính tình yêu đó đã làm cho các vị tử đạo chiến thắng trong thử thách, và biết bao người đã chiến thắng như thế trong thế kỷ vừa qua, thậm chí còn nhiều hơn trong quá khứ! Tình yêu là sức mạnh của chúng ta, là sức mạnh của biết bao anh chị em ở đây, những người đã phải chịu những thành kiến và xúc phạm, ngược đãi và bách hại vì danh Chúa Giêsu. Tuy nhiên, trong khi quyền lực, vinh quang và phù vân của thế giới qua đi, tình yêu còn lại, như Thánh Phaolô Tông đồ đã nói với chúng ta, “đức mến không bao giờ mất được” (1Cr 13,8). Vì vậy, sống các Mối Phúc là làm cho những gì trôi qua trở thành vĩnh cửu, để mang Thiên đàng đến mặt đất.
Nhưng Các Mối Phúc được thực hành như thế nào? Các Mối Phúc không đòi hỏi chúng ta làm những điều phi thường, thực hiện những kỳ công vượt quá khả năng của chúng ta. Các Mối Phúc yêu cầu chứng tá hàng ngày. Phúc cho những ai sống hiền lành, những ai thực thi lòng thương xót, những ai giữ tâm hồn trong sạch ngay chính môi trường đang hiện diện. Để được chúc phúc, không có nghĩa là thỉnh thoảng chúng ta phải hành động anh hùng, trái lại chúng ta phải sống chứng tá mỗi ngày. Chứng tá là cách để thực hiện sự khôn ngoan của Chúa Giêsu. Như thế, thế giới được thay đổi: không phải bằng quyền lực hay sức mạnh, nhưng bằng Các Mối Phúc. Bởi vì đây là những gì Chúa Giêsu đã làm, sống cho đến cùng những gì Người đã nói lúc ban đầu. Tất cả tùy thuộc vào việc làm chứng cho tình yêu của Chúa Giêsu, đây cũng là đức ái mà Thánh Phaolô đã diễn tả một cách tuyệt vời trong bài đọc thứ hai hôm nay. Chúng ta hãy xem cách Thánh Tông đồ trình bày điều này.
Trước hết, Thánh Phaolô nói rằng “đức mến thì nhẫn nhục” (câu 4). Chúng ta không chờ đợi tính từ này. Tình yêu dường như đồng nghĩa với lòng tốt, sự quảng đại, việc làm tốt, nhưng Thánh Phaolô nói rằng đức mến trước hết là nhẫn nhục. Trong Kinh Thánh, đó là tữ ngữ nói về sự kiên nhẫn của Thiên Chúa. Trong suốt lịch sử, con người đã tiếp tục phản bội giao ước với Thiên Chúa, rơi vào tội lỗi. Và Thiên Chúa, thay vì mệt mỏi và từ bỏ, mỗi lần như thế vẫn luôn trung tín, tha thứ và bắt đầu lại. Luôn kiên nhẫn để bắt đầu lại là phẩm chất đầu tiên của tình yêu. Tình yêu không mệt mỏi và chán nản, nhưng luôn thúc đẩy tiến về phía trước. Tình yêu không nản lòng, nhưng tiếp tục sáng tạo. Đối diện với cái ác, Tình yêu không bỏ cuộc, không cam chịu. Khi yêu người ta không khép mình khi mọi việc xảy ra xấu, nhưng đáp lại điều ác bằng điều thiện, nhớ đến sự khôn ngoan chiến thắng của thập giá. Các chân chứng của Thiên Chúa thực hiện điều này: không thụ động, không theo định mệnh, không sống theo hoàn cảnh, bản năng và sực kiện tức thời, nhưng luôn hy vọng, bởi vì họ được đặt trong tình yêu “tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (câu 7).
Chúng ta có thể tự hỏi: Chúng ta phản ứng như thế nào với những tình huống không như ý? Đối diện với nghịch cảnh, luôn có hai cám dỗ. Đầu tiên là trốn chạy: bỏ chạy, quay lưng lại, cố gắng tránh xa tất cả. Thứ hai là phản ứng bằng sự tức giận, bằng vũ lực. Đây là điều đã xảy ra cho các môn đồ tại Ghếtsêmanê: trước sự bối rối, hoang mang nhiều người bỏ chạy và Phêrô cầm gươm. Nhưng cả việc chạy trốn và thanh gươm đều không giải quyết được gì. Trái lại, Chúa Giêsu đã thay đổi lịch sử. Chúa đã thay đổi như thế nào? Bằng sức mạnh khiêm tốn của tình yêu, với chứng tá kiên nhẫn của người. Chúng ta được mời gọi làm như thế; và đây là cách Thiên Chúa thực hiện các lời hứa của Người.
Các lời hứa. Sự khôn ngoan của Chúa Giêsu được thể hiện trong Các Mối Phúc, đòi hỏi chứng tá và ban phần thưởng, chứa đựng trong các lời hứa của Thiên Chúa. Thực tế, chúng ta thấy rằng theo sau mỗi Mối Phúc là một lời hứa: sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp, sẽ được Thiên Chúa an ủi, được thỏa lòng, sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa (Mt 5,3-12). Lời hứa của Thiên Chúa bảo đảm một niềm vui không gì sách bằng và không làm chúng ta thất vọng. Nhưng phải thực hiện Các Mối Phúc như thế nào? Qua những yếu đuối của chúng ta. Thiên Chúa ban phúc cho những ai tiến bước đến cùng con đường nghèo khó nội tâm của họ. Đây là con đường để thực hiện, không có con đường nào khác. Chúng ta hãy nhìn vào Tổ phụ Abraham. Chúa hứa cho ông một hậu duệ đông đúc, nhưng tổ phụ và bà Sara đã già và không có con. Chính trong sự kiên nhẫn của tuổi già và tin tưởng, Thiên Chúa đã thực hiện điều kỳ diệu và ban cho họ một người con. Chúng ta cũng hãy nhìn vào Môsê: Chúa hứa với ông rằng Người sẽ giải phóng dân khỏi tình trạng nô lệ và vì điều này Người yêu cầu ông nói chuyện với Pharaôn. Môsê thưa với Chúa ông không có khả năng ăn nói; nhưng Thiên Chúa sẽ thực hiện lời hứa qua lời nói của ông. Chúng ta hãy ngước nhìn Đức Mẹ, Đấng theo Luật không thể có con, nhưng được kêu gọi để trở thành một người mẹ. Và chúng ta hãy nhìn vào Thánh Phêrô: ông chối Chúa và Chúa Giêsu kêu gọi ông để củng cố anh em. Anh chị em thân mến, đôi khi chúng ta có thể cảm thấy mình không có khả năng, vô dụng. Chúng ta đừng tin điều đó, bởi vì Thiên Chúa muốn thực hiện những điều kỳ diệu qua những yếu đuối của chúng ta.
Thiên Chúa yêu thích làm điều này và chiều nay, 8 lần, Người nói với chúng ta ţūb’ā [phúc thay], để làm cho chúng ta nhận ra rằng, với Chúa, chúng ta thực sự là những người được chúc phúc. Tất nhiên, khi trải qua thử thách, chúng ta thường té ngã, nhưng chúng ta không được quên rằng, với Chúa Giêsu, chúng ta được chúc phúc. Những gì chúng ta bị thế gian lấy đi, không là gì so với tình yêu dịu dàng và kiên nhẫn; với tình yêu này Chúa thực hiện các lời hứa của Người.
Anh chị em thân mến, có lẽ khi nhìn vào đôi bàn tay của mình, anh chị em thấy dường như nó trống rỗng, có lẽ trong lòng anh chị em đang có sự ngờ vực và không hài lòng với cuộc sống. Nếu như vậy, đừng sợ: Các Mối Phúc dành cho anh chị em, những người sầu khổ, đói khát công lý, bị bắt bớ. Chúa hứa với anh chị rằng tên của anh chị em được viết trong lòng Người, trên Thiên đàng! Và hôm nay tôi tạ ơn Người cùng với anh chị em và vì anh chị em, bởi vì ở đây, nơi mà sự khôn ngoan đã phát sinh trong thời cổ đại, nhiều chứng tá đã xuất hiện trong thời đại của chúng ta, thường bị tin tức bỏ qua, nhưng quý giá trong mắt của Thiên Chúa; là những chứng nhân, sống Các Mối Phúc, giúp Chúa thực hiện lời hứa bình an của Ngài.