Các Giáo hội Kitô Malaysia đề nghị chính phủ không trục xuất những người tị nạn Myanmar
Hội đồng các giáo hội Kitô của Malaysia đã kêu gọi chính phủ nước này không tham gia vào việc “đẩy lui những người tị nạn” bằng cách hồi hương những người Myanmar đang tị nạn ở Malaysia. Đồng thời, Hội đồng kêu gọi chăm sóc những người đã chạy trốn khỏi tình trạng bạo lực và bất ổn, và không đồng loã với những vi phạm nghiêm trọng về nhân phẩm và nhân quyền.
Lời kêu gọi này được đưa ra sau khi chính phủ Malaysia hồi hương 1.086 người tị nạn về lại Myanmar, bất chấp lệnh đình chỉ từ một tòa án. Nhiều hiệp hội và tổ chức phi chính phủ bảo vệ nhân quyền đã cảnh báo chính phủ Malaysia rằng trong số những người tị nạn có những người dân tộc thiểu số đang căng thẳng với quân đội Myanmar, họ sẽ bị đàn áp tại quê nhà.
Tiến sĩ Hermen Shastri, Tổng Thư ký Hội đồng các Giáo hội Kitô của Malaysia cho biết: trong điều kiện hiện tại của Myanmar, việc buộc những người tị nạn hồi hương là “trái với luật pháp và chuẩn mực quốc tế”. Ông cũng kêu gọi chính phủ cho phép Cao uỷ Tị nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) tiếp cận đầy đủ các trung tâm giam giữ để xác định người tị nạn và người xin tị nạn và đảm bảo sự bảo vệ dành cho họ.
Tuyên bố của Hội đồng các Giáo hội Kitô Malaysia bày tỏ hy vọng rằng “bao lâu luật pháp và trật tự chưa được khôi phục ở Myanmar và một chính phủ chưa được bầu cử dân chủ, được lựa chọn bằng lá phiếu phổ thông của công dân, thì chúng ta không nên trục xuất công dân Myanmar đến một lãnh thổ không mong muốn và nguy hiểm”.
Các Giáo hội Kitô nhấn mạnh đến giáo huấn về lòng thương xót và trắc ẩn, vốn trọng tâm của đức tin Kitô giáo: “Sống trong Mùa Chay, chúng ta được mời gọi suy xét nội tâm và tham gia các hành động bác ái. Có cách nào tốt hơn để sống điều này cho bằng việc tôn trọng sự sống và phẩm giá của tất cả mọi người, được dựng nên, được yêu thương, và được bảo đảm các quyền bất khả xâm phạm.”
Tuyên bố khẳng định: “Người xin tị nạn, người tị nạn hoặc bất kỳ ai khác đang gặp nguy hiểm đến tính mạng, không nên bị buộc phải quay trở lại Myanmar hoặc bất kỳ quốc gia nào khác nơi nó có thể phải đối mặt với sự đàn áp và thậm chí bị giết chết trong một tình huống xung đột.” (Fides 25/2/2021)