24/12/2024

Toà Thánh tham dự khoá họp thứ 46 của Hội đồng Nhân quyền LHQ

Toà Thánh tham dự khoá họp thứ 46 của Hội đồng Nhân quyền LHQ

Đức Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher

Toà Thánh tham dự khoá họp thứ 46 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (LHQ), qua việc Đức Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher, Ngoại trưởng Toà Thánh gửi sứ điệp video tới khoá họp, trong đó tái khẳng định tính cấp thiết của việc bảo vệ quyền tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo.

Mở đầu sứ điệp được gửi tới buổi gặp gỡ hôm thứ Ba 22/02, Đức Tổng Giám mục Gallagher chuyển lời chào của Đức Thánh Cha tới các tham dự viên và nói đến tác động tiêu cực của đại dịch trong hơn một năm qua. Theo Ngoại trưởng Toà Thánh, đại dịch làm cho các cam kết bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền phổ quát gặp nhiều khó khăn, vì vậy cần tái khám phá nền tảng của nhân quyền để thực hiện nó một cách xác thực.

Đức Tổng Giám mục trích dẫn Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền và Hiến chương LHQ để xác định rằng cả hai tài liệu này, đều nhìn nhận phẩm giá vốn có của tất cả các thành viên trong gia đình nhân loại và các quyền bình đẳng và bất khả xâm phạm tạo thành nền tảng tự do, công lý và hoà bình. Nhưng cho đến nay, những mục tiêu này vẫn còn xa vời.

Ngoại trưởng Toà Thánh nói về thực tế trong đại dịch: “Các biện pháp do chính quyền áp đặt để đảm bảo sức khoẻ cộng đồng cũng ảnh hưởng đến việc thực hiện tự do nhân quyền. Một số người rơi vào hoàn cảnh dễ bị tổn thương, như người già, người di cư, người tị nạn và trẻ em đã bị ảnh hưởng không tương xứng bởi cuộc khủng hoảng. Mọi hạn chế trong việc thực hiện nhân quyền để bảo vệ sức khoẻ cộng đồng đều phải xuất phát từ tình huống hết sức cần thiết. Các giới hạn đó phải tương ứng với hoàn cảnh, được áp dụng theo cách không phân biệt đối xử và chỉ được sử dụng khi không có sẵn các phương tiện khác.”

Ngoại trưởng Toà Thánh nhắc lại tính cấp thiết của việc bảo vệ quyền tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo. Đặc biệt, niềm tin tôn giáo và việc thể hiện niềm tin, là trọng tâm phẩm giá con người. Để tôn trọng quyền này, các chính quyền phải làm việc với các lãnh đạo tôn giáo, các tổ chức dựa trên đức tin và các tổ chức xã hội dân sự, các tổ chức cam kết thúc đẩy tự do tôn giáo và lương tâm. Phản ứng toàn cầu đối với đại dịch Covid-19 cho thấy, hiểu biết về tự do tôn giáo đang bị xói mòn.

Đức Tổng Giám mục kết luận: “Tóm lại, để chống lại một cách hiệu quả những hậu quả của các cuộc khủng hoảng, chúng ta phải sẵn sàng vượt ra khỏi những điều gây chia rẽ.” (CSR_1335_2021)

Ngọc Yến