Công bố bản đồ hơn 25.000 siêu hố đen
Công bố bản đồ hơn 25.000 siêu hố đen
Một đội ngũ các nhà thiên văn học quốc tế đã công bố bản đồ bầu trời của hơn 25.000 siêu hố đen trên chuyên san Astronomy & Astrophysics, ghi lại vị trí chi tiết nhất của “các hung thần” trong vũ trụ.
Để xây dựng bản đồ trên, các nhà thiên văn học, bao gồm nhóm chuyên gia Đại học Leiden (Hà Lan), đã sử dụng 52 đài thiên văn được trang bị ăng ten tần số thấp (LOFAR) tại 9 quốc gia châu Âu, theo trang Phys.org.
Sao hay hố đen?
Dưới mắt thường, bản đồ mới chứa hàng ngàn ngôi sao, nhưng trên thực tế chúng là những siêu hố đen, chỉ các vật thể có khối lượng lớn và lực hấp dẫn mạnh đến mức kể cả ánh sáng cũng không thể lọt ra ngoài.
Dù nằm gần như thế trên bản đồ, mỗi siêu hố đen lại thuộc về các thiên hà khác và cách xa nhau.
Trưởng nhóm nghiên cứu, tiến sĩ Francesco de Gasperin (trước đây làm việc cho Đại học Leiden và hiện chuyển sang Đại học Hamburg, Đức) cho hay bản đồ trên là kết quả của nhiều năm nghiên cứu và xâu chuỗi những dữ liệu đặc biệt khó phân tích. Chúng tôi buộc phải nghĩ ra các phương pháp mới để chuyển tín hiệu vô tuyến thành hình ảnh trên bầu trời thực”.
Chỉ 4% bầu trời phía bắc
Bản đồ siêu hố đen được tạo ra bằng cách tổng hợp 256 giờ quan sát bầu trời phía bắc. Để thực hiện được nhiệm vụ khó khăn này, các nhà nghiên cứu viện dẫn đến những siêu máy tính với các thuật toán mới.
Tiến sĩ Huub Röttgering, giám đốc Khoa học của Đài thiên văn Leiden, phấn khởi nhận xét: “Sau nhiều năm phát triển phần mềm, thật tuyệt vời khi cuối cùng mọi thứ đã thành công”.
Tuy nhiên, bản đồ trên chỉ mới ghi nhận được hình ảnh của 4% diện tích bầu trời phía bắc. Các nhà thiên văn học dự kiến tiếp tục công trình của họ cho đến khi nào hoàn tất việc tạo bản đồ cho toàn bộ khu vực này.
Bên cạnh các siêu hố đen, bản đồ còn hé lộ những manh mối bí ẩn về các cấu trúc khổng lồ khác của vũ trụ.
HẠO NHIÊN
TNO