19/11/2024

Caritas Quốc tế kêu gọi viện trợ nhân đạo và tôn trọng nhân quyền cho Myanmar

Caritas Quốc tế kêu gọi viện trợ nhân đạo và tôn trọng nhân quyền cho Myanmar

Biểu tình ở Myanmar (AFP or licensors)

Caritas Quốc tế kêu gọi Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc tiếp cận nhân đạo và tôn trọng nhân quyền cho Myanmar, đồng thời cảnh báo về tình trạng bạo lực đang ngày càng gia tăng, làm cho hoạt động viện trợ nhân đạo gặp nhiều khó khăn.

Trong một tuyên bố gửi tới Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc vào ngày 12/02, Caritas Quốc tế đã lặp lại tiếng nói của các đối tác nhân đạo và của Giáo hội Công giáo địa phương, bày tỏ lo ngại sâu sắc vì trong thời gian này, các tổ chức nhân đạo ngày càng khó tiếp cận với những người đang gặp khó khăn, để trợ giúp nhân đạo.

Tại Myanmar, Caritas đã hoạt động trong hơn 30 năm qua. Tổ chức bác ái hoạt động trong các lĩnh vực như: giúp đỡ các cộng đoàn trong những trường hợp khẩn cấp, hỗ trợ trong giáo dục, cuộc chiến chống HIV-AIDS, xây dựng hoà bình và giúp người di cư.

Tại thời điểm khủng hoảng chính trị của đất nước hiện nay, Caritas bày tỏ lo ngại sâu sắc về những hạn chế trong việc tiếp cận nhân đạo. Đây là một tình thế thậm chí còn nguy kịch và nguy hiểm hơn đại dịch. Caritas Quốc tế kêu gọi Hội đồng Nhân quyền và cộng đồng quốc tế “giám sát chặt chẽ nhân quyền và tình hình nhân đạo ở Myanmar thông qua các cơ chế nhân quyền thích hợp của Liên Hợp Quốc”.

Tổ chức bác ái còn kêu gọi tất cả các bên liên quan “đảm bảo khả năng tiếp cận nhân đạo an toàn và không bị cản trở để cung cấp hỗ trợ những người đang gặp khó khăn. Đồng thời phải tiếp tục ứng phó với đại dịch, kiềm chế sử dụng bạo lực, khôi phục pháp quyền và các nguyên tắc dân chủ”.

Ông Aloysius John, Tổng Thư ký Caritas Quốc tế, khẳng định: “Cách duy nhất để thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay ở Myanmar là thông qua đối thoại và tôn trọng nhân quyền và phẩm giá con người. Caritas đề nghị cộng đồng quốc tế đoàn kết với người dân Myanmar và ủng hộ các nỗ lực nhằm giải quyết một cách hoà bình cuộc khủng hoảng hiện nay, thúc đẩy hòa giải và hoà hợp, như Đức Thánh Cha Phanxicô đã mong muốn gần đây.”

Ngọc Yến