24/11/2024

Dư âm buổi tiếp kiến của Đức Thánh Cha dành cho Ngoại giao đoàn

Dư âm buổi tiếp kiến của Đức Thánh Cha dành cho Ngoại giao đoàn

Đức Thánh Cha tiếp Ngoại giao đoàn ngày 8/2/2021 (Vatican Media)

Hôm 8/2/2021, trong diễn văn quan trọng nhất của Toà Thánh trong năm 2021 trước đại diện cộng đồng thế giới, về tình hình thế giới, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi vượt thắng 4 cuộc khủng hoảng gia đình nhân loại đang phải đương đầu.

Diễn văn quốc tế quan trọng nhất trong năm

Vào dịp đầu năm dương lịch, chính phủ các nước thường có buổi tiếp kiến của vị nguyên thủ quốc gia dành cho ngoại giao đoàn để trao đổi các lời chúc mừng. Toà Thánh cũng theo thông lệ đó, nhưng buổi tiếp kiến của Đức Thánh Cha dành cho ngoại giao đoàn dịp đầu năm có một tầm quan trọng đặc biệt đối với Tòa Thánh, vì đây là dịp để ngài trình bày trước đại diện các dân nước lập trường và mối quan tâm của Toà Thánh đối với các vấn đề lớn của nhân loại, ngoài những bài tham luận của các vị đại diện Toà Thánh tại Liên Hiệp Quốc và các hội nghị quốc tế. Vì thế bài diễn văn của Đức Thánh Cha trong những dịp này thường dài và bao quát hơn nhiều so với diễn văn của các vị Quốc trưởng khi tiếp đại sứ các nước vào dịp đầu năm.

Bài diễn văn của Đức Thánh Cha Phanxicô sáng ngày 8/2/2021 qua trong buổi tiếp kiến đại diện của 183 quốc gia và các tổ chức quốc tế dài 17 trang và Đức Thánh Cha đã đứng suốt 45 phút để đọc trọn diễn văn này. Ngài mời gọi cộng đồng quốc tế đương đầu với những thách đố mà nhân loại đang phải đương đầu trong 4 lĩnh vực: khủng hoảng y tế, khủng hoảng môi trường, khủng hoảng kinh tế và xã hội và khủng hoảng chính trị.

Bênh vực quyền sức khoẻ và quyền sống

Đức Thánh Cha đặc biệt kêu gọi làm sao để mọi người được quyền sức khoẻ, được vắc-xin chống đại dịch. Ngài cầu mong Hội nghị Thế giới về Khí hậu vào tháng 11 tới đây tại Glasgow, gọi là Cop26, được thành công.

Người ta ghi nhận có sự quan tâm đặc biệt của Đức Thánh Cha đối với việc bảo vệ sự sống con người trong mọi giai đoạn, đứng trước sự bành trướng những chủ trương gọi là “bênh vực các nhân quyền” trong đó có quyền phá thai và trợ tử.

Thực vậy, trong thời gian đầu khi nhận sứ vụ, Đức Thánh Cha Phanxicô ít nói đến vấn đề phá thai và bảo sự sự sống, nên có những nhóm phê bình ngài về sự im lặng này. Ngoài ra, trước chủ trương của tân chính phủ Mỹ cổ võ và tài trợ phá thai, trong cũng như ngoài nước, nên trong diễn văn hôm 8/2/2021, Đức Thánh Cha nói thật rõ ràng và báo động về những đe doạ sự sống con người khi khẳng định:

“Đại dịch đã mạnh mẽ đặt chúng ta trước 2 chiều kích không thể tránh được của cuộc sống con người: bệnh tật và cái chết. Chính vì thế, nó nhắc nhở giá trị sự sống của mỗi người và phẩm giá của họ trong mỗi giây phút của hành trình trần thế, từ lúc mới thụ thai trong lòng mẹ cho đến lúc chết tự nhiên. Rất tiếc là phải đau lòng nhận thấy rằng, viện cớ bảo đảm những cái gọi là các quyền chủ quan, ngày càng có nhiều luật pháp trên thế giới dường như xa lìa nghĩa vụ không thể tránh né là bảo vệ sự sống con người trong mọi giai đoạn của nó.”

Phân phối công bằng vắc-xin chống Covid-19

Ngoài ra, Đức Thánh Cha tái kêu gọi đảm bảo việc phân phối công bằng các vắc-xin, không phải chỉ theo tiêu chuẩn kinh tế, nhưng để ý đến nhu cầu của tất cả mọi người, nhất là những người dân túng thiếu nhất. Đồng thời ngài cảnh giác dân chúng đừng đặt trọn tin tưởng nơi vắc-xin như thể đó là thuốc chữa bách bệnh, để rồi mỗi người không dấn thân bảo vệ sức khoẻ của bản thân và người khác. Đại dịch chứng tỏ rằng không ai là một hòn đảo…

Những khó khăn tại nhiều nước

Trong diễn văn, Đức Thánh Cha nhắc đến nhiều quốc gia 5 châu: từ Cộng hoà Dân chủ Congo, Burkina Faso, Mali và Niger, Nam Sudan, Etiopia với miền Tigray, Mozambique với miền nóng bỏng Cabo Delgado bị khủng bố bên Phi Châu, cho đến các quốc gia đảo trong Thái Bình Dương bị đe dọa biến mất vì nước đại dương dâng cao do sự thay đổi khí hậu, lụt lội và cuồng phong ở Việt Nam và Philippines, hoả hoạn tại Australia và bang California, Hoa Kỳ.

Đức Thánh Cha đề cập đến những khủng hoảng và xung đột còn hoành hành tại nhiêu nơi như tại Cộng hoà Trung Phi, Châu Mỹ Latinh, miền nam Caucase, những căng thẳng tại bán đảo Triều tiên, nạn khủng bố tại những nước nam Sahara…

Đảo chính tại Myanmar

Ngài không quên tình trạng nóng bóng tại Myanmar với cuộc đảo chánh hồi đầu tháng 2 này và nói: “Trong những ngày này, tôi đặc biệt nghĩ đến nhân dân Myanmar, mà tôi bày tỏ lòng quí mến và gần gũi. Hành trình của nước này trong những năm qua tiến đến dân chủ đã bị chặn đứng đột ngộ vì cuộc đảo chánh trong tuần lễ vừa qua, khiến cho nhiều lãnh tụ chính trị bị cầm tù và tôi cầu mong họ được trả tự do mau lẹ như một dấu chỉ khích lệ đối thoại vì công ích của đất nước.”

Hậu quả đại dịch trên cuộc sống dân chúng

Về những khủng hoảng kinh tế xã hội, Đức Thánh Cha nhận xét rằng: Đại dịch khiến nhiều chính phủ đề ra các biện pháp giới hạn tự do đi lại, khiến cho nhiều hoạt động thương mại và sản xuất bị ngưng hoặc chậm lại, gây thiệt hại cho cuộc sống của các gia đình, các giai tầng xã hội, nhất là những tầng lớp yếu nhất…

Cổ vũ kinh tế phục vụ

Trong bối cảnh này, ngài nói: “Cần có một cuộc cách mạng rất lớn đặt kinh tế phục vụ con người, chứ không ngược lại; cần bắt đầu nghiên cứu và thực hiện một nền kinh tế khác, nền kinh tế làm cho sống chứ không giết chết, bao gồm chứ không loại trừ, nhân bản hóa chứ không hạ giá con người, chăm sóc thiên nhiên chứ không bóc lột và phá tán.”

Theo Đức Thánh Cha, “cần làm sao bảo đảm cho mọi người một nền kinh tế ổn định để tránh những tai ương bóc lột và chống lại nạn cho vay ăn lãi cao, và nạn tham ô đang hoành hành tại nhiều nước trên thế giới, và bao nhiêu bất công khác đang diễn ra mội ngày trước những đôi mắt mỏi mệt và lơ đãng của xã hội ngày nay”.

Ảnh hưởng của đại dịch về mặt xã hội

Ngài cũng nhận định: “Những giới nghiêm thời đại dịch làm gia tăng thời gian con người ở nhà, trước máy vi tính và các phương tiện truyền thống khác, với những hậu quả trầm trọng đối với những người dễ bị thương tổn nhất, người nghèo và thất nghiệp. Họ dễ trở thành con mồi cho nạn tội phạm vi tính và internet, hạ giá con người, từ nạn lường gạt cho đến nạn buôn người, khai thác mại dâm, kể cả đối với trẻ em, cũng như nạn dâm ô.”

Lưu ý thảm trạng của di dân

Đức Thánh Cha cũng phê bình các cấm vận kinh tế và lưu ý về số người di cư và tị nạn gia tăng. “Do tình trạng giới nghiêm vì đại dịch, họ buộc phòng phải đi theo những lộ trình ngày càng nguy hiểm. Làn sóng di dân này cũng làm gia tăng các vụ xua đuổi bất hợp pháp ở biên giới, thường được thi hành để ngăn cản người di dân xin tị nạn, trái với nguyên tắc không xua đuổi. Nhiều người bị chặn bắt và đưa trở lại các trại tập trung và giam giữ, họ bị tra tấn, và chịu những vi phạm nhân quyền, nếu họ không chết vì vượt biên qua đường biển hoặc các biên giới tự nhiên khác.”

Tóm lại trước những thách đố lớn của nhân loại, Đức Thánh Cha xác quyết rằng “tình huynh đệ và hy vọng chính là những dược phẩm mà thế giới ngày nay đang cần, giống như các vắc xin”.

Vài phản ứng

Những lập trường trên đây của Đức Thánh Cha chắc chắn sẽ được các cơ quan liên hệ tại các nước chú ý và nghiên cứu. Nhưng cũng có những phản ứng ngay từ phía các nước hoặc dân tộc được ngài nói đến, như từ Myanmar các tín hữu Công Giáo cảm thấy được khích lệ và cám ơn Đức Thánh Cha vì quan tâm của ngài đối với thảm trạng đất nước của họ bị rơi trở lại chế độ độc tài quân phiệt sau hàng chục năm trên đường tiến đến dân chủ.

– Bà Elisabeth Beton-Delègue, Đại sứ Pháp cạnh Toà Thánh, nhận định rằng diễn văn của Đức Thánh Cha là một trình bày rất đầy đủ và dựa trên đại dịch trong các chiều kích khác nhau của nó, qua 4 thứ khủng hoảng. Tôi đặc biệt chú ý đến lời kêu gọi của ngài bãi nợ hoặc ít là giảm bớt các món nợ cho các nước nghèo. Tôi cũng muốn nhấn mạnh đến sự hỗ trợ dành cho các tín hữu Kitô tại Đông phương và nước Pháp cũng đóng góp vào công trình này qua tổ chức Oeuvre d’Orient và các trường học. Đức Giáo hoàng nhắc đến những nguy cơ cho nền giáo dục, đó là điều rất quan trọng.

– Về phần bà Sally Axwhorthy, Đại sứ Anh quốc cạnh Toà Thánh, bà cho biết đây là lần thứ 4 và cũng là lần chót bà dự buổi tiếp kiến của Đức Thánh Cha dành cho ngoại giao đoàn. Bà nhận xét rằng năm nay Đức Giáo hoàng Phanxicô nói nhiều đến những cuộc khủng khoảng đang đè nặng thế giới, những lần trước đây ngài nhấn mạnh hơn đến các quan hệ quốc tế. Cụ thể ngài nói nhiều đến vấn đề sức khoẻ vì đại dịch Covid-19, kể cả dưới khía cạnh giáo dục, vì hiển nhiên ngài lo lắng về hậu quả của đại dịch đối với người trẻ. Bà Sally cho biết Anh quốc chia sẻ phần lớn những quan tâm của Đức Giáo hoàng, đặc biệt là vấn đề thay đổi khí hậu.

– Đại sứ George Johannes của Nam Phi nói với phái viên đài Vatican đây là một trong những bài diễn văn hay nhất của Đức Giáo hoàng mà tôi được nghe, vì diễn văn rất đầy đủ và gộp nhiều đề tài với nhau, và nói lên sự liên hệ của chúng ta với nhau.

G. Trần Đức Anh OP