23/01/2025

ĐTC Phanxicô: Loạt bài giáo lý về cầu nguyện
Bài 24: Cầu nguyện trong cuộc sống hàng ngày

Trong bài giáo lý trước, chúng ta đã thấy việc cầu nguyện của Kitô hữu được “thả neo” trong Phụng vụ ra sao. Hôm nay, chúng ta sẽ làm sáng tỏ cách Phụng vụ luôn đi vào đời sống hàng ngày như thế nào: trên đường phố, trong văn phòng, trên các phương tiện giao thông công cộng… Và ở những nơi đó, nó tiếp tục cuộc đối thoại với Thiên Chúa: người cầu nguyện giống như người đang yêu, luôn mang người họ yêu trong trái tim họ bất cứ họ đi đâu.

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

TIẾP KIẾN CHUNG

Thư viện Dinh Tông toà
Thứ Tư, 10 tháng 2 năm 2021

______________________________

Loạt bài giáo lý về cầu nguyện
Bài 24: Cầu nguyện trong cuộc sống hàng ngày

Vũ Văn An

Anh chị em thân mến,
Chúc anh chị em một buổi sáng tốt đẹp!

Trong bài giáo lý trước, chúng ta đã thấy việc cầu nguyện của Kitô hữu được “thả neo” trong Phụng vụ ra sao. Hôm nay, chúng ta sẽ làm sáng tỏ cách Phụng vụ luôn đi vào đời sống hàng ngày như thế nào: trên đường phố, trong văn phòng, trên các phương tiện giao thông công cộng… Và ở những nơi đó, nó tiếp tục cuộc đối thoại với Thiên Chúa: người cầu nguyện giống như người đang yêu, luôn mang người họ yêu trong trái tim họ bất cứ họ đi đâu.

Trong yếu tính, mọi thứ đều trở thành một phần của cuộc đối thoại này với Thiên Chúa: mọi niềm vui đều trở thành lý do để ngợi khen, mọi thử thách là cơ hội để xin sự giúp đỡ. Cầu nguyện luôn sống động trong cuộc sống của chúng ta, như than hồng, dù miệng không nói nhưng trái tim nói. Mọi ý nghĩ, ngay cả những suy nghĩ có vẻ “phàm trần”, đều được lời cầu nguyện thấm nhiễm. Thậm chí còn có một khía cạnh cầu nguyện trong trí hiểu của con người; thực thế, nó là chiếc cửa sổ nhìn vào mầu nhiệm: nó soi sáng một số bước ở phía trước chúng ta và sau đó mở ra toàn bộ thực tại, một thực tại vốn đi trước nó và vượt qua nó. Mầu nhiệm này không có vẻ mặt thất vọng hay lo lắng. Không, sự hiểu biết về Chúa Kitô khiến chúng ta tin tưởng rằng bất cứ điều gì mắt thường và mắt tâm trí của chúng ta không thể thấy, thay vì không có gì ở đó, một ai đó vẫn đang chờ đợi chúng ta, một ơn thánh vô hạn vẫn đang ở đó. Và do đó, lời cầu nguyện của Kitô hữu gieo vào trái tim con người một niềm hy vọng bất diệt: bất cứ trải nghiệm nào chúng ta gặp trong cuộc hành trình của mình, tình yêu của Thiên Chúa đều có thể biến nó thành điều tốt đẹp.

Về điều này, Sách Giáo lý viết: “Chúng ta học biết cầu nguyện vào một số thời gian nhất định, bằng cách lắng nghe Lời Chúa và tham dự mầu nhiệm Vượt Qua của Người; Người còn ban Thánh Thần để giúp chúng ta cầu nguyện trong mọi lúc, trong mọi biến cố của cuộc sống hằng ngày… Thời gian là của Cha; chúng ta gặp được Người trong hiện tại, không phải hôm qua hay ngày mai, nhưng chính hôm nay”m(số 2659). Hôm nay tôi gặp Thiên Chúa, hôm nay luôn là ngày gặp gỡ.

Không có ngày nào tuyệt vời hơn ngày mà chúng ta đang sống. Những người sống luôn nghĩ về tương lai, tương lai: “Nhưng nó sẽ tốt hơn…”, nhưng không chấp nhận mỗi ngày như nó diễn ra: đó là những người sống trong mộng tưởng, họ không biết phải đối phó ra sao với thực tại cụ thể. Và hôm nay là có thật, hôm nay là cụ thể. Và lời cầu nguyện phải được thực hiện ngày hôm nay. Chúa Giêsu đến gặp chúng ta hôm nay, ngày chúng ta đang sống. Và chính lời cầu nguyện biến ngày này thành ơn thánh, hay tốt hơn, nó biến đổi chúng ta: xoa dịu cơn giận, nâng đỡ tình yêu, nhân thừa niềm vui, truyền sức mạnh để tha thứ. Đôi khi dường như không còn là chúng ta đang sống nữa, nhưng ơn thánh đó sống và hoạt động trong chúng ta qua việc cầu nguyện. Đó là ơn thánh đang chờ đợi, nhưng luôn luôn là điều này, đừng quên: hãy đón nhận ngày hôm nay như nó xẩy đến. Và hãy nghĩ đến khi một ý nghĩ tức giận đến với anh chị em, về sự bất hạnh khiến anh chị em phải chịu đựng sự cay đắng, anh chị em hãy dừng lại. Và hãy thưa với Chúa: “Chúa đang ở đâu vậy? Và con sẽ đi đâu đây?” Và Chúa ở đó, Chúa sẽ cho anh chị em lời đúng đắn, lời khuyên để anh chị em đi tiếp mà không phải nếm mùi cay đắng, tiêu cực đó. Vì, nói theo ngôn ngữ phàm trần, việc cầu nguyện luôn luôn tích cực. Luôn luôn. Nó sẽ đưa anh chị tiến lên phía trước. Mỗi ngày bắt đầu sẽ được đi kèm với lòng can đảm nếu nó được chào đón trong lời cầu nguyện. Như vậy, các vấn đề chúng ta gặp phải dường như không còn là trở ngại cho hạnh phúc của chúng ta nữa, mà là những lời kêu gọi từ Thiên Chúa, những cơ hội để gặp gỡ Người. Và khi ai đó được Chúa đồng hành, họ sẽ cảm thấy can đảm hơn, tự do hơn và thậm chí hạnh phúc hơn.

Vì vậy, chúng ta hãy luôn cầu nguyện cho mọi người, cho cả kẻ thù của chúng ta nữa. Chúa Giêsu khuyên chúng ta làm điều này: “Hãy cầu nguyện cho kẻ thù của các con”. Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người thân yêu của chúng ta, cả cho những người chúng ta không quen biết. Chúng ta hãy cầu nguyện cho cả các kẻ thù của chúng ta, như tôi đã nói, như Kinh Thánh thường mời gọi chúng ta thực hiện. Lời cầu nguyện hướng chúng ta đến một tình yêu cực kỳ phong phú. Trên hết, chúng ta hãy cầu nguyện cho những người đang buồn rầu, cho những người đang khóc trong cô đơn và tuyệt vọng để vẫn có thể có một người yêu thương họ. Cầu nguyện làm phép lạ; và lúc đó, những người nghèo sẽ hiểu ra rằng, nhờ ơn thánh của Thiên Chúa, ngay trong hoàn cảnh bấp bênh của họ, lời cầu nguyện của một Kitô hữu làm cho lòng cảm thương của Chúa Kitô hiện diện. Thật vậy, Người hết sức âu yếm nhìn đám đông mệt mỏi và lạc lõng như bầy chiên không người chăn dắt (xem Mc 6:34). Chúng ta đừng quên Chúa là Chúa của lòng cảm thương, của sự gần gũi, của sự âu yếm dịu dàng: ba hạn từ không bao giờ được quên liên quan đến Chúa. Vì đó là phong cách của Chúa: cảm thương, gần gũi, âu yếm dịu dàng.

Cầu nguyện giúp chúng ta yêu thương người khác, bất chấp lỗi lầm và tội lỗi của họ. Con người luôn quan trọng hơn các hành động của họ, và Chúa Giêsu đã không phán xét thế gian, nhưng Người cứu vớt nó. Cuộc đời kinh khủng xiết bao là cuộc đời của một người luôn phán xét người khác, luôn kết án, phán xét… Đó là một cuộc đời kinh khủng, bất hạnh, khi Chúa Giêsu đến để cứu rỗi chúng ta. Anh chị em hãy mở lòng ra, tha thứ, dành cho người khác phần đúng khi nghi ngờ, hiểu biết, gần gũi với người khác, cảm thương, âu yếm dịu dàng, giống như Chúa Giêsu. Chúng ta cần phải yêu thương từng người và mọi người, ghi nhớ trong lời cầu nguyện rằng tất cả chúng ta đều là những kẻ tội lỗi và đồng thời được Thiên Chúa yêu thương từng người một. Yêu thế giới cách này, yêu nó bằng sự âu yếm dịu dàng, chúng ta sẽ khám phá ra rằng mỗi ngày và mọi sự đều mang trong nó một mảnh của mầu nhiệm Thiên Chúa.

Một lần nữa, Sách Giáo Lý viết: “Cầu nguyện trong mọi biến cố của cuộc sống hằng ngày, là một trong những điều bí ẩn của Nước Trời được mặc khải cho những kẻ bé mọn, những người tôi tớ của Đức Kitô, những người nghèo theo các Mối Phúc. Cầu nguyện cho Nước công lý và bình an tác động vào diễn tiến của lịch sử, là việc chính đáng và tốt đẹp; nhưng phải đem những hoàn cảnh bình thường của cuộc sống hằng ngày vào kinh nguyện. Mọi hình thức cầu nguyện đều có thể là thứ men cần thiết được Chúa nói đến trong dụ ngôn về Nước Trời” (số 2660).

Con người – nam và nữ, tất cả chúng ta, – con người giống như hơi thở, như ngọn cỏ (xem Tv 144: 4; 103: 15). Nhà triết học Pascal đã từng viết: “Không cần cả vũ trụ phải cầm vũ khí để nghiền nát anh ta: một hơi nước, một giọt nước cũng đủ giết chết anh ta”[mfn]Pensées, 186[/mfn]. Chúng ta là những sinh vật mong manh, nhưng chúng ta biết cách cầu nguyện: đó là phẩm giá lớn nhất của chúng ta và cũng là sức mạnh của chúng ta. Anh chị em hãy can đảm. Anh chị em hãy cầu nguyện trong mọi thời điểm, trong mọi hoàn cảnh để Chúa ở gần chúng ta. Và khi một lời cầu nguyện được ngỏ theo lòng Chúa Giêsu, thì điều đó sẽ nhận được các phép lạ.

Nguồn: http://vietcatholicnews.org

____________________________________________________

Tóm tắt những lời của Đức Thánh Cha:

Anh chị em thân mến, Tiếp tục bài giáo lý  về cầu nguyện, giờ đây chúng ta xem xét cuộc đối thoại cầu nguyện của chúng ta với Thiên Chúa có ý nghĩa như thế nào để nắm bắt các sự kiện diễn ra mỗi ngày, trong nhà, công việc hoặc công việc hàng ngày của chúng ta. Mọi suy nghĩ và hoạt động của chúng ta phải là một phần trong cuộc trò chuyện hàng ngày của chúng ta với Chúa. Sách Giáo lý dạy rằng “chính trong hiện tại, chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa, không phải hôm qua hay ngày mai, mà là hôm nay” (số 2659). Không có khía cạnh nào trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, dù trần tục, không thể được dâng lên trong lời cầu nguyện với Thiên Chúa và trở thành một cơ hội để kết hợp sâu sắc hơn với Ngài. Khi chúng ta nhận biết Chúa Kitô cách mật thiết hơn trong lời cầu nguyện, tâm hồn chúng ta được mở rộng để đón nhận tình yêu thương và tình liên đới của tất cả những người xung quanh chúng ta, trên hết là những người nghèo, những người bất hạnh và những người đang gặp khó khăn. Blaise Pascal đã từng quan sát thấy rằng con người yếu đuối đến mức ngay cả một giọt nước cũng có thể huỷ diệt chúng ta (xem Suy tư, số 347). Tuy nhiên, trong sự mong manh của chúng ta, lời cầu nguyện là một dấu ấn của sự vĩ đại tột bậc của chúng ta, vì lời cầu nguyện có thể làm nên những điều kỳ diệu trong thế giới của chúng ta, biến đổi cuộc sống và lịch sử, cũng như phục vụ cho sự đến của vương quốc công lý và hoà bình của Thiên Chúa