25/12/2024

ĐTC Phanxicô tiếp các thành viên Phong trào Focolare

ĐTC Phanxicô tiếp các thành viên Phong trào Focolare

Sáng thứ Bảy 6/2 Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp các thành viên của Phong trào Focolare (Tổ ấm) nhân dịp kết thúc Tổng hội. Ngài mời gọi họ trung thành với đặc sủng của Phong trào, đồng thời thích ứng với các hoàn cảnh mới của xã hội và văn hoá, làm chứng cho Tin Mừng bằng đối thoại và sự cởi mở.

Ngỏ lời với phái đoàn, Đức Thánh Cha cảm ơn Chị Maria Voce, Chủ tịch vừa mãn nhiệm kỳ, và chúc mừng tân Chủ tịch Margaret Karram, mới được bầu hồi cuối tháng 1.

Thời gian sau vị sáng lập

Đức Thánh Cha chia sẻ với phái đoàn 3 điểm. Điểm thứ nhất là thời gian sau vị sáng lập. Đức Thánh Cha nói rằng 12 năm sau khi vị sáng lập qua đời, các thành viên của Phong trào được mời gọi vượt qua sự mất mát tự nhiên và giảm sút các thành viên để tiếp tục là chứng tá sống động của đặc sủng của Phong trào. “Điều này đòi một sự trung thành năng động, khả năng giải thích các dấu chỉ và nhu cầu của thời đại và trả lời cho những vấn đề nhân loại đặt ra. Có nghĩa là tiếp tục trung thành với nguồn mạch trong khi nỗ lực suy nghĩ và tìm cách diễn tả nó qua đối thoại với các hoàn cảnh mới của xã hội và văn hoá.”

Đối thoại và cởi mở

Đức Thánh Cha nhận xét rằng linh đạo của phong trào, có đặc tính đối thoại và cởi mở với các bối cảnh văn hoá, xã hội và tôn giáo khác nhau, chắc chắn có thể giúp quá trình này. Thái độ cởi mở và đối thoại sẽ giúp tránh thái độ tự quy chiếu, co cụm trong chính mình, tự bảo vệ mình, không nhận ra sau lầm và thiếu sót

Tầm quan trọng của khủng hoảng

Điểm thứ hai Đức Thánh Cha chia sẻ đó là tầm quan trọng của khủng hoảng. Ngài nhắc lại rằng một cuộc khủng hoảng là một lời mời gọi trưởng thành, là thời gian Chúa Thánh Thần gợi lên yêu cầu canh tân, không mất can đảm trước sự phức tạp của con người và những mâu thuẫn. Cần đương đầu với khó khăn và rút ra từ đó những cơ hội.

Đức Thánh Cha đặc biệt lưu ý: “Nhiệm vụ của những người nắm giữ các vị trí lãnh đạo, ở tất cả các cấp, là làm việc để đối phó với các cuộc khủng hoảng cộng đồng và tổ chức theo cách tốt nhất, mang tính xây dựng nhất; ngược lại, các cuộc khủng hoảng tâm linh của con người, liên quan đến sự sâu kín của cá nhân và phạm vi lương tâm, cần được tiếp cận một cách thận trọng bởi những người không giữ chức vụ lãnh đạo, ở tất cả các cấp, trong Phong trào.”

Sống linh đạo cách nhất quán và thực tế

Điểm cuối cùng được Đức Thánh Cha chia sẻ là sống linh đạo cách nhất quán và thực tế. Đức Thánh Cha nói rằng mục đích cuối cùng trong linh đạo của Phong trào – xin cho tất cả nên một – đòi một sự dấn thân có chiều kích kép: bên ngoài và trong nội bộ của Phong trào.

Đức Thánh Cha nói: “Đối với việc dấn thân bên ngoài Phong trào, tôi khuyến khích anh chị em là chứng tá của sự gần gũi với tình yêu thương huynh đệ, vượt qua mọi rào cản và vươn tới mọi thân phận con người.”

“Về dấn thân trong nội bộ Phong trào, tôi kêu gọi anh chị em ngày càng thúc đẩy tính công nghị hơn, để tất cả các thành viên, với tư cách là những người sống cùng một đặc sủng, đồng trách nhiệm và tham gia vào đời sống lao tác của Phong trào và các mục đích cụ thể của nó.”

Biến những đau thương thành nguồn ánh sáng và hy vọng

Kết thúc diễn văn, Đức Thánh Cha cảm ơn chứng tá Tin Mừng mà các thành viên tiếp tục dâng hiến cho Giáo hội và thế giới. Ngài mời gọi họ luôn lắng nghe tiếng kêu bị bỏ rơi của Chúa Giêsu trên Thánh giá để đáp lời cách quảng đại và anh hùng, để biến những đau thương thành nguồn ánh sáng và hy vọng cho nhân loại. (CSR_942_2021)

Hồng Thuỷ