25/12/2024

Người hút thuốc, uống rượu, bồ bịch lăng nhăng ‘có ít chất xám hơn người khác’

Người hút thuốc, uống rượu, bồ bịch lăng nhăng ‘có ít chất xám hơn người khác’

Chất xám ít hơn tại ba vùng trong não khiến nhiều người sẵn sàng chấp nhập các hành vi rủi ro cao như hút thuốc, uống rượu, lăng nhăng bồ bịch, phóng xe bạt mạng, theo một nghiên cứu quốc tế.

 

Người hút thuốc, uống rượu, bồ bịch lăng nhăng có ít chất xám hơn người khác - Ảnh 1.

Điều khiển xe quá tốc độ là một trong những hành vi chấp nhận rủi ro cao – Ảnh: YOUTUBE

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học Nature Human Behavior, do các nhà khoa học ở Đại học Zurich (Thụy Sĩ), Trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania (Mỹ) và Đại học Vrije Universiteit Amsterdam (Hà Lan) hợp tác thực hiện.

Chất xám trong não gồm hầu hết các cơ quan tế bào chính của các tế bào thần kinh trong hệ thần kinh trung ương thực hiện các chức năng cơ bản của não như kiểm soát cơ bắp, nhận biết cảm giác, ra quyết định và tự kiểm soát.

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng phương pháp chụp xạ hình não và nghiên cứu dữ liệu di truyền của 12.675 người tham gia ngân hàng dữ liệu UK Biobank.

Người hút thuốc, uống rượu, bồ bịch lăng nhăng có ít chất xám hơn người khác - Ảnh 2.

Có ba vùng trong não liên quan đến hành vi chấp nhận rủi ro cao hơn – Ảnh: FUTURA

Họ tập trung nghiên cứu bốn hành vi chấp nhận rủi ro cao gồm hút thuốc, uống rượu, lăng nhăng bồ bịch và điều khiển xe quá tốc độ, đồng thời đo tổng khối lượng chất xám trong não của những người tham gia nghiên cứu.

Cuối cùng nghiên cứu đã đưa ra ba kết luận. Một là không phát hiện trong não có vùng đặc biệt nào liên quan đến hành vi chấp nhận rủi ro. Tuy nhiên, trong não của những người thích chấp nhận rủi ro có nhiều vùng đã bị thay đổi về giải phẫu học.

Hai là khối lượng chất xám thấp hơn liên quan đến xu hướng chấp nhận rủi ro cao hơn xuất hiện ở ba vùng trong não gồm vùng hạch hạnh nhân (amygdala), vùng hồi hải mã (hippocampus) và vùng tiểu não.

Ba là các yếu tố di truyền về gen chỉ giải thích được 3% hành vi chấp nhận rủi ro cao hơn qua nghiên cứu gần 300.000 người bằng phương pháp đo biến đổi di truyền.

Kết quả nghiên cứu trên đã được khẳng định sau khi xem xét thêm các yếu tố cộng hưởng khác bao gồm tổng kích thước não, tuổi tác, giới tính, độ nhạy cảm, tình trạng nghiện rượu và các yếu tố di truyền.

Các tác giả nghiên cứu kết luận các yếu tố về gia đình, môi trường và di truyền cũng như mối tương quan giữa các yếu tố này có thể thúc đẩy hành vi liều mạng chấp nhận rủi ro.

HOÀNG DUY LONG
TTO