24/12/2024

ĐTC gửi sứ điệp tới Diễn đàn Người bản địa của IFAD

ĐTC gửi sứ điệp tới Diễn đàn Người bản địa của IFAD

ĐTC thăm IFAD 2019

Đức Thánh Cha gửi sứ điệp tới cuộc gặp gỡ toàn cầu lần thứ năm của Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD) của Liên Hiệp Quốc, Diễn đàn Người bản địa, đang diễn ra trong những ngày này với chủ đề “Giá trị của hệ thống lương thực bản địa: khả năng phục hồi trong bối cảnh đại dịch Covid-19”.

Diễn đàn hướng mục đích trở thành “một nền tảng cho cuộc đối thoại ý nghĩa, nơi đại diện của Người bản địa có thể truyền đạt những mối quan tâm, yêu cầu và khuyến nghị của họ để cải thiện mối quan hệ đối tác với Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế và hiệu quả của việc tham gia với người bản địa”.

Trong sứ điệp gửi tới Diễn đàn hôm thứ Ba, Đức Thánh Cha bày tỏ sự gần gũi của ngài với những người tổ chức và các tham dự viên. Ngài cũng nhấn mạnh Giáo hội tiếp tục dấn thân trong việc đồng hành, nhằm khẳng định rằng “toàn cầu hóa không thể có nghĩa là một sự đồng nhất, bỏ qua sự đa dạng và áp đặt một kiểu chủ nghĩa thực dân mới”.

Theo Đức Thánh Cha, một giải pháp thay thế cần phải được tạo ra “dựa trên tình liên đới để không ai cảm thấy bị bỏ quên, nhưng cũng không quá áp đặt hướng đi của mình. Trái lại, khi sự đa dạng được vận hành và làm phong phú lẫn nhau, thì sự hiệp thông giữa các dân tộc sẽ triển nở và sống động”.

Đức Thánh Cha viết: “Thúc đẩy sự phát triển không coi tiêu dùng như là phương tiện hay mục đích, nhưng phải thực sự quan sát, lắng nghe, học hỏi và quý trọng môi trường. Đây là hệ sinh thái toàn diện, trong đó công bằng xã hội được kết hợp với việc bảo vệ hành tinh. Chỉ với tinh thần khiêm tốn này, chúng ta mới có thể nhìn thấy sự thất bại hoàn toàn của nạn đói và một xã hội dựa trên các giá trị lâu dài, không phải là kết quả của sự nhất thời và cá biệt, mà là công bằng và tốt lành.”

Kết thúc sứ điệp, Đức Thánh Cha bày tỏ hy vọng Diễn đàn sẽ mang lại những hoa trái dồi dào, đem lại tình yêu cho thế giới, một thế giới mà tất cả chúng ta đều mong muốn xây dựng và trao lại cho thế hệ mai sau như một “kho báu”. Để đạt được điều này, “chúng ta hãy chú ý đến những gì mang lại lợi ích cho mọi người”. (CSR_835_2021)

Ngọc Yến