ĐTC tiếp các thành viên Văn phòng Giáo lý của HĐGM Ý
Sáng thứ Bảy 30/01/2021. Đức Thánh Cha tiếp các thành viên Văn phòng Giáo lý Quốc gia thuộc Hội đồng Giám mục Ý, nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập.
Sau khi nhắc lại Văn phòng Giáo lý là một công cụ không thể thiếu để canh tân giáo lý sau Công đồng Vatican II, Đức Thánh Cha nói đến 3 điểm chính.
Thứ nhất: Giáo lý và kerygma-loan báo Tin Mừng. Về điểm này, Đức Thánh Cha giải thích: “Việc dạy giáo lý là làn sóng dài của Lời Chúa để truyền tải niềm vui Tin Mừng trong cuộc sống. Nhờ việc dạy giáo lý, Sách Thánh trở thành môi trường để cảm nhận một phần của cùng một lịch sử cứu độ, gặp gỡ những chứng nhân đầu tiên của đức tin.”
“Trung tâm của mầu nhiệm là kerygma, và kerygma là một người: Chúa Giêsu Kitô. Giáo lý là một không gian đặc biệt để thúc đẩy một cuộc gặp gỡ cá nhân với Người, vì vậy nó phải được đan xen với các tương quan cá nhân. Không có việc dạy giáo lý đích thực nếu không có những chứng tá của những người nam và người nữ bằng xương bằng thịt. Giáo lý viên là ai? Là người gìn giữ và nuôi dưỡng ký ức về Chúa; giáo lý viên giữ ký ức trong chính mình và biết cách đánh thức nó trong người khác. Nhưng không phải để được nhìn thấy, không phải để nói về mình, nhưng để nói về Thiên Chúa, tình yêu, sự trung tín của Người.”
Đức Thánh Cha nói tiếp điểm thứ hai: Giáo lý và tương lai: “Năm ngoái, Hội đồng Giám mục Ý kỷ niệm 50 năm tài liệu canh tân giáo lý, liên quan đến những chỉ dẫn của Công đồng. Về vấn đề này, tôi nhắc lại lời của Thánh Phaolô VI nói với Hội đồng Giám mục Ý sau Công đồng: ‘Chúng ta phải nhìn vào Công đồng với lòng biết ơn Thiên Chúa và tin tưởng vào tương lai của Giáo hội; nó sẽ là cuốn giáo lý vĩ đại của thời đại mới.’ Và dịp Đại hội Giáo lý Quốc tế lần thứ nhất, ngài nói thêm: ‘Nhiệm vụ không ngừng tái sinh và đổi mới đối với việc dạy giáo lý là phải hiểu những vấn đề nảy sinh từ tâm hồn con người, để dẫn họ trở lại với nguồn tiềm ẩn: hồng ân tình yêu tạo dựng và cứu độ.’”
Đức Thánh Cha khẳng định rằng việc dạy giáo lý là một cuộc phiêu lưu đặc biệt. Những người dạy giáo lý là “đội tiên phong của Giáo hội”, có nhiệm vụ đọc các dấu chỉ của thời đại và đón nhận những thách đố hiện tại và tương lai. Chúng ta không e sợ nói ngôn ngữ của con người ngày nay. Chúng ta không sợ những câu hỏi của họ, những vấn đề chưa được giải quyết, những yếu đuối và không chắc chắn.
Điểm sau cùng được Đức Thánh Cha đề cập là: Giáo lý và cộng đoàn. Từ thực trạng của thế giới hiện nay đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch, Đức Thánh Cha nói: “Đây là thời gian của cộng đoàn, giống như Người Samaritanô nhân hậu, biết cách đến gần những người bị thương để băng bó vết thương của họ bằng lòng trắc ẩn.”
Đức Thánh Cha nhắc lại ngài ước muốn một Giáo hội ngày càng gần gũi hơn với những ai bị bỏ rơi, bị lãng quên. Một Giáo hội vui mừng với khuôn mặt của một người mẹ, thấu hiểu, đồng hành và âu yếm.
Sau cùng, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến nhân bản Kitô giáo đối với việc dạy giáo lý. Nhân bản Kitô giáo khẳng định cội nguồn phẩm giá là con Thiên Chúa của mỗi người, thiết lập tình huynh đệ, dạy hiểu giá trị của việc làm, hiểu được tại sao cần thiết vui vẻ và hài hước, ngay cả giữa cuộc sống thường rất vất vả này.