23/11/2024

Thủ tướng: Việt Nam cần huy động 35 tỉ USD để chống biến đổi khí hậu

Thủ tướng: Việt Nam cần huy động 35 tỉ USD để chống biến đổi khí hậu

Việt Nam cần huy động thêm khoảng 35 tỉ USD cho các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu trong thập kỉ tới, từ 2021 đến 2030, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

 

Thủ tướng: Việt Nam cần huy động 35 tỉ USD để chống biến đổi khí hậu - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi thông điệp đến CAS 2021 – Ảnh cắt từ video clip

Trong thông điệp gửi tới các nhà lãnh đạo thế giới tại Hội nghị Thượng đỉnh về thích ứng với Biến đổi khí hậu (CAS 2021) do Hà Lan chủ trì tối 25-1, người đứng đầu chính phủ Việt Nam cho biết dù đã rất nỗ lực nhưng tiềm lực kinh tế hiện tại của quốc gia mới chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu thích ứng với biến đổi khí hậu.

Cần thêm nguồn lực

Trong khi đó, đại dịch COVID-19 đang gây ra những hệ lụy to lớn và “làm phân tán nguồn lực dành cho các nỗ lực đối phó với các thách thức môi trường”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng thời bày tỏ lòng biết ơn và mong tiếp tục nhận được sự đồng hành và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế trong việc giải quyết vấn đề bức thiết này.

Đối diện với các tác động khủng khiếp của biến đổi khí hậu trong năm 2020, bên cạnh việc tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng carbon thấp, Việt Nam cam kết tăng cường sức chống chịu và nâng cao năng lực thích ứng của cộng đồng.

“Cùng với đó, thích ứng với biến đổi khí hậu sẽ được lồng ghép vào hệ thống chiến lược quy hoạch quốc gia,” Thủ tướng nói.

Theo ông Laurent Umans – bí thư thứ nhất phụ trách về nước và biến đổi khí hậu của Đại sứ quán Hà Lan, CAS 2021 được xây dựng trên ý tưởng kết nối các nước với các nhà đầu tư và định chế tài chính cũng như thúc đẩy hợp tác công tư trong các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu.

“Hậu đại dịch COVID-19 là lúc để Việt Nam tiến về phía trước một cách bền vững hơn bằng cách cân bằng ngân quỹ cho việc cải thiện y tế công cộng và tăng cường sức chống chịu của các cộng đồng dễ bị tổn thương”, ông Umans nói với Tuổi Trẻ.

Thủ tướng: Việt Nam cần huy động 35 tỉ USD để chống biến đổi khí hậu - Ảnh 2.

Hồ chứa nước Ba Tri, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre là một trong những công trình ứng phó với tình trạng hạn mặn ở Bến Tre – Ảnh: M.TR.

Tăng cường hợp tác công – tư

Bí thư thứ nhất ĐSQ Hà Lan cho rằng các khoản đầu tư từ chính phủ và khu vực tư nhân sẽ là động lực lớn cho việc cải thiện các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế.

“Luật đầu tư theo hình thức đối tác công – tư ở Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút đầu tư tư nhân vào các dự án phát triển cơ sở hạ tầng trong bối cảnh ngân sách và nguồn lực của nhà nước còn hạn chế,” ông Umans nói.

Tiếp cận tích hợp và toàn diện về kinh tế và sinh thái trong các mô hình phát triển cơ sở hạ tầng là những kinh nghiệm mà Hà Lan có thể chia sẻ với Việt Nam, theo Đại sứ Hà Lan Elsbeth Akkerman.

Dự án phát triển ngành cây ăn quả có múi bền vững ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trị giá 4 triệu USD, huy động từ chính phủ và khối tư nhân Hà Lan, vừa được công bố ngày 25-1.

Kéo dài trong 5 năm, dự án đặt tầm nhìn giảm tác động tiêu cực của hóa chất nông nghiệp đến môi trường và tăng hơn 50% tổng thu nhập cho khoảng 150.000 hộ trồng cây ăn quả có múi quy mô nhỏ trong khu vực.

Cùng ngày đã diễn ra lễ ký kết ý định thư về việc thành lập Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Hà Lan vùng ĐBSCL giữa Bộ Nông nghiệp, thiên nhiên và chất lượng thực phẩm Hà Lan; Liên minh Ngành hàng ưu tiên trong lĩnh vực nước, logistics, nông sản, rau hoa quả và vật liệu giống Hà Lan và Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ).

Diễn đàn nhằm thúc đẩy hợp tác kinh doanh tại ĐBSCL với trọng tâm tăng cường quản lý nước, công nghệ nước dành cho nông nghiệp và logistics bền vững, và xác định các cơ hội kinh doanh thông qua mô hình đối tác công tư đến năm 2030.

“Thay vì sử dụng ngân sách nhà nước cho các kế hoạch tích hợp toàn diện, huy động nguồn tài chính thay thế từ khối tư nhân cần được ưu tiên”, ông Umans gợi ý.

Tại CAS 2021, các nhà lãnh đạo hàng đầu sẽ thông qua Chương trình Hành động thích ứng với biến đổi khí hậu toàn diện với tầm nhìn đến năm 2030.

Trong 24 giờ, từ 25 đến 26-1, đại diện từ chính phủ, doanh nghiệp, cộng đồng khoa học, tổ chức phi chính phủ và thanh niên trên toàn thế giới sẽ cùng bàn thảo các biện pháp hỗ trợ đô thị chống chịu tốt hơn với biến đổi khí hậu, dự đoán hạn hán và xâm nhập mặn trong nông nghiệp và bảo vệ bờ biển trong bối cảnh nước biển dâng.

Ngân sách dành cho thích ứng với biến đổi khí hậu cũng là một trọng tâm của sự kiện này.

 

KHOA THƯ
TTO