Giới khoa học ‘báo động đỏ’ số lượng côn trùng giảm nghiêm trọng
Giới khoa học ‘báo động đỏ’ số lượng côn trùng giảm nghiêm trọng
Côn trùng có ý nghĩa quan trọng với nhiều hệ sinh thái và với chuỗi thực phẩm của con người. Tuy nhiên vì nhiều lý do, nhiều nơi trên thế giới có thể không còn côn trùng, các nhà khoa học cảnh báo.
Theo nghiên cứu mới đây của Viện hàn lâm Khoa học quốc gia Mỹ (PNAS), số lượng côn trùng nhiều nơi trên thế giới suy giảm nghiêm trọng với tốc độ 1-2% một năm. Trang National Geographic ghi nhận điều này đồng nghĩa phần lớn khu vực có thể mất tới 1/3 tổng lượng côn trùng chỉ trong 20 năm.
Con số của PNAS cao hơn đôi chút so với nghiên cứu của nhiều trường đại học, viện sinh học trước đây. Chẳng hạn năm 2019, Trung tâm Nghiên cứu đa dạng sinh học tích hợp Đức phân tích trên 1.700 địa điểm trên Trái đất cho thấy số côn trùng giảm gần 27% chỉ trong 30 năm.
Ở một số nơi, tỉ lệ này còn khủng khiếp hơn. Chẳng hạn côn trùng giảm 75% ở Đức, 98% ở Puerto Rico… chỉ trong 27 năm. Khu vực miền trung bờ Tây nước Mỹ, số lượng côn trùng được ghi nhận giảm 4% mỗi năm.
Đây là tốc độ suy giảm nghiêm trọng bởi côn trùng là lớp đa dạng và phong phú nhất trong giới động vật. Ước tính mỗi năm các loài như châu chấu, kiến, bướm giảm hơn 0,9% và tỉ lệ này có dấu hiệu tăng theo thời gian.
Đa số côn trùng đều giữ vai trò quan trọng trong hệ sinh thái và hoạt động sản xuất của con người. Chúng giúp thực vật thụ phấn, là nguồn thức ăn cho nhiều động vật khác trong hệ sinh thái, giúp tái chế nhiều loại rác tự nhiên.
Theo trang Science Alert, ước tính khoảng 10 triệu loài côn trùng đang gặp chung những mối đe dọa từ nạn phá rừng, mất đất nông nghiệp, lạm dụng thuốc trừ sâu, biến đổi khí hậu và cả ô nhiễm ánh sáng.
Tiến sĩ David Wagner – nhà côn trùng học của Đại học Connecticut (Mỹ), người tham gia nghiên cứu – nói côn trùng sẽ chết vì bị quá nhiều “vết thương” cùng một lúc.
Tiến sĩ Matthew Forister – nhà côn trùng học tại Đại học Nevada (Mỹ) – cho rằng dù tình hình khá phức tạp nhưng vẫn chưa muộn. Số lượng côn trùng vẫn có khả năng cải thiện nếu những biện pháp phục hồi được thực hiện nhanh chóng.
Gần đây, nhiều quốc gia đã bắt đầu có những bước đi mạnh mẽ: Đức cam kết gần 120 triệu USD cho việc bảo tồn, giám sát và nghiên cứu côn trùng; Costa Rica – đất nước nổi tiếng đa dạng sinh học – cũng nhận được 100 triệu USD từ các tổ chức quốc tế để kiểm tra và giải mã các đoạn gen của động vật trong nước, trong đó ưu tiên côn trùng…
Những hoạt động trên dù tích cực nhưng cả Wagner và Forister đều cho rằng cần có thêm nhiều chính sách mới cũng như những hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia mới giải quyết được các vấn đề như lạm dụng thuốc trừ sâu, ô nhiễm ánh sáng hay biến đổi khí hậu…
Tiến sĩ Akito Y. Kawahara – Đại học Florida (Mỹ), thành viên nhóm nghiên cứu – nói để mọi thứ càng tự nhiên sẽ càng có lợi cho côn trùng. Chẳng hạn, môi trường sống của côn trùng ở Mỹ có thể tăng hơn 4 triệu mẫu nếu các gia đình, trường học và công viên để 10% bãi cỏ phát triển tự nhiên với những loài cây bản địa và hạn chế ô nhiễm ánh sáng.