27/12/2024

Vắc xin Trung Quốc hiệu quả chỉ hơn 50%, sự thật ra sao?

Vắc xin Trung Quốc hiệu quả chỉ hơn 50%, sự thật ra sao?

Theo các nhà nghiên cứu Brazil, kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 của vắc xin COVID-19 do Trung Quốc sản xuất cho thấy hiệu quả chỉ khoảng 50,4% – thấp hơn nhiều so với dữ liệu công bố ban đầu.

 

Vắc xin Trung Quốc hiệu quả chỉ hơn 50%, sự thật ra sao? - Ảnh 1.

Một nhà nghiên cứu Brazil cầm hũ vaccine do Công ty Sinovac Biotech của Trung Quốc sản xuất – Ảnh: REUTERS

Ngày 12-1, Viện Butantan (São Paulo, Brazil), tổ chức thử nghiệm lâm sàng vắc xin CoronaVac cho công ty Sinovac Biotech (Trung Quốc) – đã nộp dữ liệu nghiên cứu mới cho giới chức y tế Brazil, trong đó kết luận cuối cùng là vắc xin Trung Quốc chỉ có hiệu quả 50,4%.

Theo báo South China Morning Post (SCMP), thông tin trên đã được Viện Butantan – tổ chức được chính quyền thành phố São Paulo bảo trợ – xác nhận tại cuộc họp báo công khai đầu tuần này.

Ông Ricardo Palácios, giám đốc y khoa thuộc bộ phận nghiên cứu lâm sàng Viện Butantan, giải thích rằng nguyên nhân khiến vắc xin Trung Quốc “bỗng dưng” có hiệu quả thấp là do các nhà nghiên cứu tính thêm những tình nguyện viên bị nhiễm COVID-19 với triệu chứng “rất nhẹ”.

“Các nhà sản xuất vắc xin khác không tính những người bị đau đầu nhẹ, thậm chí sau khi họ xét nghiệm cho ra kết quả dương tính”, ông Palácios bổ sung thêm.

Liên quan vấn đề này, cần hiểu rằng tất cả vắc xin COVID-19, không chỉ riêng hàng Trung Quốc, không thể ngăn một người nhiễm virus, trường hợp tốt nhất nó chỉ giúp bệnh không phát triệu chứng hoặc nếu có thì chỉ nhẹ chứ không nặng đến mức nhập viện.

Giới nghiên cứu chỉ thắc mắc liệu những người đã tiêm phòng có thể lây cho người khác không dù bản thân họ không bệnh nặng. Hiện các hãng dược cũng đang nghiên cứu song song vấn đề này.

Lấy ví dụ vắc xin COVID-19 của Pfizer-BioNTech, hãng này công bố kết quả thử nghiệm lâm sàng cho kết quả 95% hiệu quả. Tuy nhiên, theo Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA), trong số 44.000 tình nguyện viên, có 3.410 người có biểu hiện triệu chứng COVID-19 nhưng không được xét nghiệm.

Giả sử nếu 3.410 người có triệu chứng quả thật dương tính với bệnh và được tính vào nhóm nhiễm bệnh, hiệu quả chung của vắc xin Pfizer sẽ giảm còn dưới 30%.

Việc mỗi quốc gia tính số lượng ca nhiễm COVID-19 theo cách riêng, gây không ít bối rối. Ví dụ, Trung Quốc loại hết những người nhiễm không triệu chứng ra khỏi thống kê. Nếu lấy tiêu chuẩn của nước khác thì số lượng ca COVID-19 của Trung Quốc sẽ lớn hơn nhiều con số hiện tại.

Trở lại với vắc xin của Sinovac, báo SCMP đưa tin trước đó các chuyên gia hết sức nghi ngờ khi Viện Butantan công bố tỉ lệ hiệu quả là 78% dù các tính toán dựa trên nguồn thông tin mở cho thấy không phải vậy.

Những câu hỏi về tính minh bạch được đặt ra. Ngày 15-12-2020, một quan chức y tế Brazil công khai chỉ trích tiêu chí phê chuẩn quyền sử dụng khẩn cấp vắc xin của Sinovac ở Trung Quốc không hề minh bạch.

Tổng thống Jair Bolsonaro cũng nêu quan điểm không tin tưởng CoronaVac, tuyên bố sẽ không đưa vắc xin này vào chương trình tiêm chủng quốc gia của Brazil.

PHÚC LONG
TTO