Vũ trụ bao nhiêu tuổi? Theo thời gian, giới thiên văn học ngày càng tính toán chính xác hơn về độ tuổi của
vũ trụ. Giờ đây, báo cáo mới đã đưa ra con số cụ thể hơn hết: 13,77 tỉ năm tuổi, sai số 40 triệu năm.
Báo cáo được công bố trên chuyên san
Cosmology and Astroparticle Physics đã phân tích nguồn sáng cổ xưa nhất của
vũ trụ, dựa trên dữ liệu do Kính viễn vọng Atacama (ACT) của Tổ chức Khoa học Quốc gia Chile cung cấp.
Đội ngũ chuyên gia dựa vào nguồn ánh sáng do kính viễn vọng Planck của Cơ quan Không gian châu Âu (ESA) thu thập từ tàn tích của vụ nổ Big Bang từ năm 2009 đến 2013.
Báo cáo đưa công bố trong lúc cuộc tranh luận đang nổ ra nẩy lửa giữa các nhà khoa học về tuổi thật của vũ trụ, mà cho đến nay vẫn chỉ là suy đoán. Điều này do sự tồn tại kỳ quặc của cái gọi là “sao Methuselah”, theo tính toán trên dưới 16 tỉ năm tuổi, trong khi trước nay giới thiên văn học cho rằng Big Bang chỉ xảy ra cách đây từ 12 đến 14 tỉ năm.
Đến năm 2013, các nhà khoa học điều chỉnh lại số liệu và cách tính toán, và cho hay “sao Methuselah” khoảng 14,5 tỉ tuổi.
Đến tháng 7.2020, một báo cáo đăng trên chuyên san
Astronomical cho rằng vũ trụ có lẽ chỉ
mới 12,6 tỉ năm tuổi.
“Giờ đây, chúng ta đã có được câu trả lời mà cả Planck và ACT đều đưa ra kết quả tương tự”, theo trang Phys.org dẫn lời nhà nghiên cứu Simone Aiola của Trung tâm Máy tính Vật lý học Thiên thể thuộc Viện Flatiron, trụ sở tại
New York (Mỹ). Đó là vũ trụ khoảng 13,77 tỉ năm tuổi, theo nghiên cứu mới nhất.
HẠO NHIÊN
TNO