23/12/2024

Lễ Hiển Linh, B: Ơn cứu độ phổ quát

Bài Tin Mừng đưa ra một thông điệp rõ ràng rằng Thiên Chúa, qua ánh sao của mầu nhiệm Giáng Sinh, tỏ mình ra không chỉ cho dân Do Thái mà còn cho cả dân ngoại, nhưng phản ứng của mỗi nhóm lại khác nhau. Ba nhà chiêm tinh, đại diện cho nhóm dân ngoại, khi thấy ánh sao đã nhanh chóng chủ động lên đường tìm kiếm. Họ dùng những phương tiện và khả năng mình có để tìm cho ra nguồn gốc của ánh sao trời. Trái lại, sự “bối rối” của vua Hêrôđê, “bối rối” và sự “xôn xao” của cả thành Giêrusalem là biểu hiện sự ngạc nhiên; ngạc nhiên của sự thờ ơ, thụ động.

 

LỄ HIỂN LINH

Is 60,1-6; Ep 3,2-3a.5-6; Mt 2,1-12

ƠN CỨU ĐỘ PHỔ QUÁT

“Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông,
nên chúng tôi đến bái lạy Người”
(Mt 2, 2)

I. CÁC BÀI ĐỌC

1. Bài đọc 1

Đoạn sách Isaia 60,1-6 được xem là lời an ủi dành cho thành Giêrusalem. Tiếp nối mạch ý tưởng của “sách an ủi” trong Isaia Đệ Nhị (40-55), tác giả muốn củng cố niềm tin và hy vọng cho Giêrusalem sau bao nỗi khó khăn nhục nhằn của cuộc lưu đày. Rồi đây, Giêrusalem sẽ được chiếu sáng, được gặp lại con cái mình và ngoại bang sẽ đến để tăng cường lực lượng, của cải, dân số.

Trước hết, thời kỳ lưu đày là một khoảng thời gian đau buồn trong lịch sử Israel trong đó dân Chúa trở thành đối tượng bị nhạo cười, chế diễu (Tv 80,7). Cuộc sống của dân Chúa trong thời gian đó không khác gì đi trong đêm tối. Giêrusalem không còn là niềm tự hào mà là sự ô nhục của dân Israel. Trong bối cảnh đó, Isaia khơi lên niềm tin và hy vọng bằng lời mời gọi hãy đứng lên mà toả sáng, vì chính Thiên Chúa là “bình minh chiếu toả” trên Giêrusalem. Ánh huy hoàng của Giêrusalem không do nó tự tạo nên, không đến từ những chiến công hiển hách mà đến từ chính Đức Chúa.

Hơn nữa, nhờ ánh sáng của Thiên Chúa chiếu toả trên Giêrusalem mà các dân nước xung quanh sẽ nhận ra và kéo đến. Ánh sáng không chỉ soi sáng giới hạn cho dân cư Giêrusalem mà thôi, nhưng còn là thứ ánh sáng đủ mạnh, đủ sáng, đủ hấp dẫn để thu hút chư dân. Ánh sáng cũng soi đường để cho con cái Israel tản lạc từ phương xa được trở về, trở về trong niềm vui sướng và tự hào (Is 60,4b). Như vậy, ánh sáng của Thiên Chúa tạo nên điểm hội tụ và gặp gỡ, không chỉ giữa con cái Israel với nhau mà thôi, mà còn mở rộng ra để quy tụ cả dân ngoại.

Sau cùng, nhờ ánh sáng của Thiên Chúa, “mặt mày ngươi rạng rỡ, lòng ngươi rạo rực, vui như mở cờ, vì nguồn giàu sang sẽ đổ về từ biển cả, của cải muôn dân nước sẽ tràn đến với ngươi” (Is 60, 5). Ánh sáng của Thiên Chúa làm cho sức hút của Giêrusalem trở nên mãnh liệt, không những lôi kéo muôn dân kéo đến mà còn mang theo cả của cải. Tất cả đều do bàn tay Thiên Chúa định liệu và sắp xếp (x. Is 66,12).

Nhờ “ánh sáng” của Thiên Chúa mà “muôn dân” từ các địa danh khác nhau như “Mađian, Êpha và Saba” mang theo “vàng với trầm hương” đến Giêrusalem; qua hình ảnh này, ngôn sứ Isaia như muốn cho thấy tính chất đại đồng của ơn cứu độ. Rồi đây những điều này sẽ được “ứng nghiệm” trong bài trình thuật của thánh Matthêu về ba nhà chiêm tinh đến bái lạy Hài Nhi Giêsu.

2. Bài đọc 2

Một trong những câu hỏi mà các Kitô hữu gốc Do Thái thời Giáo Hội sơ khai đặt ra là liệu dân ngoại có được cứu độ và được cứu độ nghĩa là thế nào. Thánh Phaolô, vị tông đồ của dân ngoại, trả lời rõ ràng trong thư Êphêsô, thư gởi cho các Kitô hữu gốc dân ngoại, rằng: đó là kế hoạch của Thiên Chúa, đã có từ trước muôn đời, loài người không hề được biết, nhưng nay Thiên Chúa đã mạc khải ra (Ep 1,9-10; 3,3-10). Mầu nhiệm này được thực hiện nơi Đức Kitô và được công bố trong Hội Thánh nhờ các Tông Đồ, cách riêng Phaolô. Mầu nhiệm đó là gì?

Tác giả thư Hipri khẳng định rằng Thiên Chúa đã từng mạc khải cách tiệm tiến qua các ngôn sứ trong Cựu Ước, nhưng đến thời sau hết này Ngài mạc khải cách đầy đủ và trọn vẹn qua Thánh Tử (Hr 1,1-2). “Trong Đức Kitô và nhờ Tin Mừng” (Ep 3,6), Thiên Chúa mạc khải cho con người kế hoạch cứu độ cách tròn đầy, trong đó có chỗ cho cả dân ngoại. Đoạn thư Êphêsô nêu lên ba điểm quan trọng của mầu nhiệm này:

– Một là, trong Đức Kitô và nhờ Tin Mừng, dân ngoại được trở nên những người đồng thừa kế. Thật vậy, dân ngoại cũng xứng đáng được nghe Tin Mừng và trong Đức Kitô, những ai tin đều được trở nên con Thiên Chúa (Ga 1,12). Dân Do Thái tự hào mình là con cái Thiên Chúa, nhưng tư cách làm con đó giờ đã được mở rộng ra cho dân ngoại nữa. Một khi tin vào Đức Kitô, dân ngoại cũng trở nên con Thiên Chúa và vì là con, họ được hưởng trọn vẹn quyền lợi của những người con, đó là được trở nên những người đồng thừa kế.

– Hai là, trong Đức Kitô và nhờ tin vào Tin Mừng được rao giảng cho cả dân ngoại, họ được trở nên thành phần của cùng một thân thể. Phaolô khẳng định rằng chính Đức Kitô “đã liên kết đôi bên, dân Do Thái và dân ngoại, thành một… đã tác tạo đôi bên thành một người mới duy nhất nơi chính bản thân Người” (Ep 2,14-15). Trong Đức Kitô, không còn bất kỳ một sự phân biệt, không còn bất kỳ sự chia cắt nào giữa những người cùng tin vào Đức Kitô; họ đều được liên kết chặt chẽ với Đức Kitô thế nào thì cũng vì thế mà được liên kết với nhau như vậy.

– Ba là, dân ngoại cũng được đồng chia sẻ lời hứa. Nếu như trước kia dân ngoại “không có Đấng Kitô, không được hưởng quyền công dân Israel… xa lạ với các giao ước dựa trên lời hứa của Thiên Chúa” (Ep 2,14), thì nay nhờ tin vào Đức Kitô, họ được chia sẻ những gì Thiên Chúa đã hứa với dân Do Thái. Xưa kia con cháu Israel nhận được lời hứa của Thiên Chúa qua tổ phụ Abraham (x. Gl 3,18.29), thì nay dân mới của Thiên Chúa bao gồm cả dân ngoại cũng được chia sẻ lời hứa ấy qua chính Đức Kitô (Ep 3,6; x. Gl 3,16).

3. Bài Tin Mừng

Bài Tin Mừng theo thánh Matthêu vẽ lên cho chúng ta khung cảnh đối nghịch giữa hai nhóm người Do Thái và dân ngoại về hành động (ra đi tìm kiếm hay thờ ơ, thụ động) và thái độ (đón nhận hay chối từ).

Bài Tin Mừng đưa ra một thông điệp rõ ràng rằng Thiên Chúa, qua ánh sao của mầu nhiệm Giáng Sinh, tỏ mình ra không chỉ cho dân Do Thái mà còn cho cả dân ngoại, nhưng phản ứng của mỗi nhóm lại khác nhau. Ba nhà chiêm tinh, đại diện cho nhóm dân ngoại, khi thấy ánh sao đã nhanh chóng chủ động lên đường tìm kiếm. Họ dùng những phương tiện và khả năng mình có để tìm cho ra nguồn gốc của ánh sao trời.

Trái lại, sự “bối rối” của vua Hêrôđê, “bối rối” và sự “xôn xao” của cả thành Giêrusalem là biểu hiện sự ngạc nhiên; ngạc nhiên của sự thờ ơ, thụ động. Họ thông thạo Kinh Thánh, biết chính xác nơi sinh của “Đấng Kitô” là tại Bêlem, nhưng lại tỏ ra bàng quan; họ không thấy hay vờ như không nhận ra ánh sáng sao trời. Nếu đem so sánh khoảng cách từ Bêlem tới Giêsusalem với quãng đường mà những người “từ phương Đông” phải vượt qua để gặp Hài Nhi Giêsu thì mới thấy khoảng cách lòng người mới là yếu tố quyết định.

Thánh Phaolô đã diễn tả sự thay đổi ngoạn mục này: “Trước kia anh em là những người ở xa, nhưng nay, trong Đức Kitô Giêsu, nhờ máu Đức Kitô đổ ra, anh em đã trở nên những người ở gần” (Ep 2,13); trái lại, những người được xem là “ở gần”, rất gần cả về không gian lẫn thời gian, lại là những người “ở xa”, xa đến nỗi không thể nhận ra ánh sáng sao trời.

Sau nữa, bài Tin Mừng còn cho thấy sự đối nghịch về thái độ. Một đàng, các nhà chiêm tinh không tìm kiếm vì tính tò mò, nhưng vì một niềm xác tín về một vị vua mới sinh đáng cho họ tôn thờ. Ngay từ trước lúc lên đường, họ đã chuẩn bị cho một cuộc gặp gỡ lớn lao. Cử chỉ “vui mừng” khi thấy ngôi sao xuất hiện trở lại và thái độ cung kính thờ lạy, dâng những phẩm vật họ mang theo vừa thể hiện thái độ xác tín vừa cho thấy lòng kính tôn thần phục của họ đối với Hài Nhi Giêsu.

Đàng khác, hành động “bí mật”, “hỏi cặn kẽ” các nhà chiêm tinh và lời hứa “để tôi cũng đến thờ lạy Người” của vua Hêrôđê (Mt 2,7-8) chỉ là chiếc mặt nạ che dấu một âm mưu nham hiểm sẽ sớm bị bóc trần (Mt 2,12). Rõ ràng, ngay từ đầu những người “ở gần” như vua Hêrôđê đã không hề có ý định muốn kiếm tìm hay đón nhận mạc khải của Thiên Chúa nơi Hài Nhi Giêsu. Họ không đón nhận ánh sáng cũng đồng nghĩa với việc họ đang sống trong tối tăm.

Tác giả Tin Mừng thứ tư cũng đã loan báo về sự xuất hiện của ánh sáng: “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người” (Ga 1,9), nhưng đồng thời ông cũng chua chát nhận ra một sự thật phũ phàng về sự chối từ của những người được xem là “người nhà”, những người “ở gần” rằng: “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,11).

Tóm lại, Thiên Chúa, qua việc sinh hạ của Hài Nhi Giêsu, mạc khải ơn cứu độ của Ngài cho mọi người. Đón nhận hay chối từ, tìm kiếm hay thờ ơ, tôn thờ hay tìm cách loại trừ, chấp nhận ánh sáng hay ở lại trong tối tăm là sự lựa chọn của mỗi người. Coi chừng! Những người tưởng mình “ở gần”, có khi lại đang “ở rất xa”, còn những người bị xem là “ở xa” lại biết tìm “lại gần”.

II. GỢI Ý ÁP DỤNG

1/ Ánh sáng của Thiên Chúa chiếu toả đem lại niềm vui và hy vọng cho Giêrusalem, vì đó là ánh sáng báo hiệu thời kỳ đen tối đã qua; và nhờ ánh sáng đó, muôn dân tuôn đến mà tôn thờ Thiên Chúa của Israel. Tôi có nhận ra ánh sáng của Chúa trong cuộc đời mình? Tôi có để cho ánh sáng của Chúa lan toả đến những người xung quanh, nhất là những người chưa nhận biết Chúa, bằng chính gương sáng đời mình khi tôi biết đem lại niềm vui và hy vọng cho người khác?

2/ Thánh Phaolô xác quyết rằng: “trong Đức Kitô và nhờ Tin mừng”, dân ngoại cũng được chia sẻ lời hứa cứu độ với dân Israel, hợp thành một thân thể. Ơn cứu độ không dành riêng cho bất cứ ai mà là cho mọi người nhờ nghe rao giảng Tin Mừng mà tin vào Đức Kitô. Tôi có sẵn sàng rao truyền Tin Mừng mà tôi đã lãnh nhận, để những người khác cũng tin vào Đức Kitô và cùng tôi hợp thành dân mới là Hội Thánh, có Chúa Kitô là đầu?

3/ Qua bài Tin Mừng Matthêu, Thiên Chúa tỏ mình ra cách rõ ràng cho dân ngoại, để họ cũng tìm tới mà tôn thờ Hài Nhi Giêsu. Họ là những người “ở xa” nhưng đã tìm cách “lại gần” để tôn thờ Con Thiên Chúa Nhập Thể. Matthêu đồng thời cảnh báo những người “ở gần”, nhưng lòng họ lại “rất xa” Thiên Chúa. Con Thiên Chúa đã từ xa đến gần với con người qua mầu nhiệm Nhập Thể. Lòng tôi đang “ở xa” hay “ở gần” Người? Tôi có tìm cách “đến gần” Người mỗi ngày? Tôi có làm cầu nối giúp cho những người “ở xa” Thiên Chúa “đến gần” Ngài?

III. LỜI NGUYỆN CHUNG

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa muốn tỏ mình cho nhân loại và cứu độ tất cả mọi người trong Con Một yêu dấu của Người. Vì thế, những ai vững lòng dõi theo ánh sáng của Chúa soi dẫn sẽ tìm thấy ơn cứu độ. Cộng đoàn chúng ta hãy cảm tạ Chúa và tin tưởng cầu xin:

1. Hội Thánh có sứ mạng loan báo ơn cứu độ phổ quát cho thế giới. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi thành phần trong Hội Thánh biết nỗ lực trở nên những ánh sao dẫn đường cho muôn dân, bằng một đời sống gương mẫu đạo đức và luôn dấn thân phục vụ.

2. “Vua người Do Thái mới sinh ra hiện đang ở đâu?” Chúng ta cùng cầu nguyện cho những người thành tâm thiện chí luôn khao khát chân lý, tìm thấy trong Tin Mừng của Chúa Kitô nguồn ánh sáng đích thực, giúp họ định hướng cuộc đời trong hy vọng và bình an.

3. Các đạo sĩ đã gặp được Hài Nhi Giêsu và bái lạy Người. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các cộng đoàn Kitô hữu luôn hợp nhất và không ngừng gắn bó mật thiết với Đức Giêsu, qua việc tham dự cách ý thức và tích cực vào hy tế Thánh Thể cùng các cử hành phụng vụ.

4. Họ đã dâng tiến Hài Nhi lễ phẩm: vàng, nhũ hương và một dược. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta biết tiến dâng cho Thiên Chúa của lễ cao quý xứng hợp: là chính con người cùng cuộc sống với những việc làm tốt lành và thánh thiện.

Chủ tế: Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng hằng hữu, xin thương nhận tâm tình cảm tạ và những ý nguyện chân thành của chúng con, cùng ban ơn giúp sức để chúng con luôn vững bước trong ánh sáng của Đức Kitô, và biết làm cho ánh sáng ấy bừng lên trong cuộc sống hằng ngày. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

Ban MVPT TGP.