24/12/2024

Kinh Truyền Tin lễ Thánh Stêphanô: trở nên nhân chứng

Kinh Truyền Tin lễ Thánh Stêphanô: trở nên nhân chứng

Trưa 26/12 – Lễ thánh Stêphanô, trong buổi đọc Kinh Truyền Tin được phát từ thư viện Dinh Tông Toà, Đức Thánh Cha khuyến khích các tín hữu trở nên nhân chứng của Chúa Giêsu trong cuộc sống qua những điều nhỏ bé thường ngày.

Bài huấn dụ của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Bài Tin Mừng hôm qua đã nói về Chúa Giêsu là “ánh sáng thật”, Đấng đã đến trong thế gian, là ánh sáng “chiếu trong bóng tối” và “bóng tối không diệt được ánh sáng” (Ga 1,9.5). Hôm nay chúng ta thấy vị chứng nhân của Chúa Giêsu, thánh Stephanô, sáng chói trong bóng tối. Các chứng nhân được chiếu sáng bằng ánh sáng của Chúa Giêsu, họ không có ánh sáng của riêng họ. Giáo hội cũng không có ánh sáng của riêng mình; vì lý do này mà các giáo phụ đã gọi Giáo hội là: “mầu nhiệm của mặt trăng”. Giống như mặt trăng không có ánh sáng riêng, các chứng nhân không có ánh sáng riêng, họ có khả năng nhận ánh sáng của Chúa Giêsu và phản chiếu nó. Thánh Stêphanô bị kết tội oan sai và bị ném đá tàn nhẫn, nhưng trong bóng tối của hận thù, trong sự đau đớn khi bị ném đá, Ngài đã làm cho ánh sáng của Chúa Giêsu tỏa sáng: Ngài cầu nguyện cho những kẻ giết mình và tha thứ cho họ, như Chúa Giêsu trên Thánh giá. Ngài là vị tử đạo tiên khởi, một chứng nhân, người đầu tiên của nhiều anh chị em tiếp tục mang ánh sáng vào bóng tối: những người đáp lại cái ác bằng điều thiện, người không nhượng bộ bạo lực và dối trá, nhưng phá vỡ vòng xoáy của hận thù bằng sự hiền lành của tình yêu. Những chứng nhân này thắp sáng bình minh của Thiên Chúa trong những đêm đen của thế giới.

Nhưng bạn trở thành những nhân chứng thế nào? Là bắt chước Chúa Giêsu, khi nhận lấy ánh sáng từ Chúa Giêsu. Đây là con đường cho mọi Kitô hữu: noi gương Chúa Giêsu, nhận lấy ánh sáng từ Chúa Giêsu, thánh Stêphanô nêu gương cho chúng ta: Chúa Giêsu đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ (x. Mc 10,45), và thánh Stêphanô sống để phục vụ: Thánh Stêphanô đã được chọn làm phó tế, ngài trở thành một phó tế, nghĩa là người phục vụ và giúp đỡ người nghèo tại bàn ăn (x. Cv 6,2). Ngài cố gắng noi gương Chúa mỗi ngày và ngài làm điều đó ngay cả đến giây phút cuối: như Chúa Giê-su, ngài bị bắt, bị kết án và bị giết bên ngoài thành phố, và giống như Chúa Giê-su, ngài cầu nguyện và tha thứ. Trong khi bị ném đá, ngài nói: “Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này.” (7,60). Stêphanô trở thành nhân chứng nhờ bắt chước Chúa Giêsu.

Tuy nhiên, một câu hỏi có thể nảy sinh: những chứng tá về lòng tốt này có thực sự cần thiết khi sự gian ác tràn lan trên thế giới? Cầu nguyện và tha thứ có ích gì? Chỉ để đưa ra một gương tốt? Mà như thế có ích gì? Không, còn hơn thế. Chúng ta khám phá một trường hợp đặc thù khác. Trong số những người được Stephanô cầu nguyện và tha thứ, còn có, như sách Công vụ viết, “một thanh niên, tên là Saulô” (c. 58), người đã “tán thành việc giết ông Stêphanô” (8,1). Ít lâu sau, nhờ ân sủng của Thiên Chúa, Saulô được hoán cải, đón nhận ánh sáng của Chúa Giêsu, chấp nhận nó, hoán cải và trở thành Phaolô, nhà truyền giáo vĩ đại nhất trong lịch sử. Phaolô được sinh ra từ ân sủng của Thiên Chúa, nhưng nhờ sự tha thứ của Stêphanô, nhờ chứng tá của Stêphanô. Đây là hạt giống của sự hoán cải của Phaolô. Đây là bằng chứng cho thấy những cử chỉ yêu thương làm thay đổi lịch sử: ngay cả những điều nhỏ nhặt, ẩn giấu và hàng ngày. Bởi vì Chúa hướng dẫn lịch sử qua lòng can đảm khiêm tốn của những ai cầu nguyện, yêu thương và tha thứ. Có nhiều vị thánh ẩn danh, những vị thánh bên cạnh nhà, những chứng nhân ẩn mình trong cuộc sống, với những cử chỉ nhỏ của tình yêu họ làm thay đổi lịch sử.

Việc trở nên nhân chứng của Chúa Giêsu cũng áp dụng cho chúng ta. Chúa muốn chúng ta biến cuộc sống thành một công trình phi thường qua những cử chỉ bình thường, những cử chỉ hàng ngày. Nơi chúng ta sống, trong gia đình, nơi làm việc, ở mọi nơi, chúng ta được mời gọi trở thành nhân chứng của Chúa Giêsu, dù chỉ bằng cách nở một nụ cười, và tránh xa khỏi bóng tối của những lời bàn tán và đàm tiếu. Và sau đó, khi chúng ta thấy điều gì đó không ổn, thay vì chỉ trích, buôn chuyện và phàn nàn, chúng ta cầu nguyện cho những người đã mắc lỗi và cho hoàn cảnh khó khăn đó. Và khi một cuộc cãi vả nảy sinh trong nhà, thay vì cố gắng dành ưu thế, chúng ta cố gắng xoa dịu; và mỗi lần lại bắt đầu, hãy tha thứ cho những người đã xúc phạm chúng ta. Thánh Stephanô, trong khi nhận những viên đá của hận thù, đã đáp lại những lời tha thứ. Như thế ngài đã làm thay đổi lịch sử. Chúng ta cũng có thể thay đổi điều ác thành điều thiện mỗi ngày, như một câu châm ngôn hay rằng: “Hãy làm như cây cọ: người ta ném nó bằng đá và nó trả lại bằng quả chà là.”

Hôm nay, chúng ta cầu nguyện cho những người bị bách hại vì danh Chúa Giêsu. Thật không may là họ rất nhiều, còn nhiều hơn cả thời đầu của Giáo hội. Chúng ta hãy trao phó những anh chị em này của chúng ta cho Đức Mẹ, Đấng đã đáp lại áp bức bằng sự hiền lành và như những chứng nhân đích thực của Chúa Giêsu, chiến thắng sự dữ bằng điều thiện.

Văn Yên, SJ