23/01/2025

Chúa nhật Lễ Thánh Gia Thất – MGS B 2020: Xây dựng gia đình hạnh phúc

Bởi vì bản thể tình yêu của Chúa (x. 1Ga 4, 8.16) đã trở thành con người cụ thể nơi Đức Giêsu, là Ngôi Lời Thiên Chúa làm người, vì thế tất cả những gì tốt đẹp ta thể hiện trên thân xác con người đều được Chúa thánh hoá. Đó là bài học quan trọng cần hiểu rõ trong mầu nhiệm nhập thể của mùa Giáng Sinh này.

Chúa nhật Lễ Thánh Gia Thất – MGS B 2020

Xây dựng gia đình hạnh phúc

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Lễ Thánh Gia Thất năm nay như mời gọi chúng ta nhìn vào gia đình mình để xem có an vui hạnh phúc như gia đình Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse chưa. Rồi từ đó, chúng ta hướng đến những gia đình lớn lao hơn, đặt cơ sở trên lòng tin như Abraham, mà Bài đọc I (x. St 15,1-6; 21,1-3) và Bài đọc II (x. Dt 11,8-19) kể lại cho ta. Gia đình này không chỉ gồm dân tộc Do Thái, nhưng đông đúc “như sao trời, cát biển” thuộc mọi dân tộc. Đó là gia đình Giáo Hội. Cuối cùng, đức tin đưa ta đến với gia đình lớn lao nhất là gia đình Thiên Chúa, mà Đức Giêsu nói cho ta nghe về Cha Trên Trời với muôn người, muôn vật trong vũ trụ đều là anh chị em của nhau.

1. Tình trạng gia đình hiện nay

Dân tộc Việt Nam chúng ta đang có hơn 98 triệu người với khoảng 25 triệu gia đình. Nhưng thử nhìn vào các gia đình đang sống quanh ta, ta thấy họ như thế nào? Họ có an vui, hạnh phúc, tốt đẹp hay là có nhiều điểm tiêu cực như xung đột nhiều hơn, ly dị nhiều hơn, con cái khó dạy bảo hơn và các thành viên đối xử với nhau căng thẳng hơn?

Theo số liệu thống kê, ở Việt Nam, cứ 10 gia đình thì có 4 gia đình ly dị. Ở các nước Âu Mỹ, tỷ lệ này cao hơn: cứ 2 gia đình thì có 1 ly dị. Trong các gia đình ly dị, con cái chịu rất nhiều thiệt thòi vì có cha thì thiếu mẹ hay ngược lại. Thậm chí có khi con cái bị đẩy về cho ông bà nội ngoại hay cô chú nuôi dưỡng để cả cha mẹ lập gia đình mới. Đứa trẻ càng nhỏ, càng chịu nhiều áp lực và mặc cảm tâm lý vì thấy mình không được yêu thương.

Hôm thứ bảy, tôi giúp chữa trị cho mấy trẻ tự kỷ, trong đó có 1 cậu bé 17 tuổi không nói được từ nhiều năm nay, dù em vẫn nghe và hiểu được người khác nói. Khi em lên 2 tuổi, cha mẹ bất hoà, mẹ em lại sinh em bé khác, nên em được giao về cho bà chị gái của mẹ nuôi giùm. Trước đó, em còn bi bô được các từ “ba, mẹ, cơm, bánh, nước, sữa…”, nhưng từ khi giao về bà bác, em không còn nói nữa.

Hiện nay, số trẻ có hội chứng tự kỷ như rối loạn ngôn ngữ, rối loạn cảm xúc, tăng động, mất tập trung tăng rất cao trên thế giới. 40 năm trước, cứ 2.500 trẻ sinh ra mới có 1 trẻ tự kỷ; còn bây giờ cứ 55 trẻ sinh ra, có 1 trẻ mắc chứng này. Đó cũng là một bằng chứng nói lên tình trạng bất hoà, xung đột, bỏ mặc nhau trong các gia đình.

Xã hội Việt Nam ta vẫn còn bị ảnh hưởng bởi chế độ gia trường, trọng nam khinh nữ có từ thời bị người Trung Quốc đô hộ cách đây hơn 2000 năm. Người đàn ông nắm toàn quyền trong gia đình và ép vợ con phải tuân theo mệnh lệnh của mình. Nhiều cha mẹ đối xử bất công vì dồn tất cả sự chiều chuộng cho đưa con trai và xem thường các con gái. Hơn nữa, trong tình trạng sinh ít con như hiện nay, đứa con dường như mới là chủ gia đình vì bắt mọi người trong nhà phải chiều chuộng theo ý thích của chúng, khiến lớn lên chúng dễ trở thành những người ích kỷ, độc đoán, tự mãn, tự kiêu.

Nhiều gia đình vắng hẳn tiếng cười, lời nói yêu thương, dù chỉ cần một vài giây để thực hiện, bởi vì ai cũng chỉ chú tâm đến công việc của mình. Có chút giờ rảnh rỗi là người ta chúi đầu vào cái màn hình của TV, Iphone, Ipad cho những mục mình ưa thích. Họ không còn quan tâm đến nhau lấy cớ là “tôn trọng đời sống riêng tư của nhau”. Tình cảm gia đình dần dần bị khô cằn vì không được nuôi dưỡng bằng những lời nói, cử chỉ, hành động yêu thương.

Quan niệm “nam nữ thụ thụ bất tương thân” còn làm cho cha mẹ ở VN ít bộc lộ tình cảm với nhau trước mặt con cái, anh chị em trong nhà cũng ít chơi chung với nhau vì người ta sợ bị hiểu lầm, sợ những lạm dụng tình dục giữa anh chị em hay quấy rối tình dục giữa người lớn với trẻ thơ. Người Việt không thể chấp nhận việc cả gia đình cùng tắm chung trong một bồn tắm như người Nhật thường làm. Vì thế những mặc cảm như Oedippus bị dồn nén lâu ngày dễ biến thái thành những hành động tính dục bất thường như mãi dâm, thủ dâm, nghiện ngập… Đó là vài điểm tối được ghi nhận về tình trạng hiện nay của gia đình Việt Nam.

2. Xây dựng gia đình hạnh phúc theo gương mẫu Thánh Gia

Chúng ta hãy nhìn vào gia đình gương mẫu Thánh Gia để học lại bài học yêu thương chân thành, trong sáng, quảng đại, dịu dàng.

Christ der Retter ist da! - Kufstein

Mẹ Maria và Thánh Giuse đã quen biết nhau, thành hôn với nhau và cùng ước mơ một gia đình hạnh phúc với con cái do chính mình sinh ra. Nhưng khi được Thiên Chúa mời gọi tham gia vào kế hoạch cứu độ bằng tình yêu của Ngài, cả hai đã hy sinh tình gia đình riêng tư của mình. Mẹ Maria mở lòng ra cho Chúa Thánh Thần để sinh con cho Chúa. Thánh Giuse cũng mở lòng cho Chúa Thánh Thần để nuôi dưỡng, dạy dỗ Chúa Giêsu và bảo vệ Mẹ Maria như bạn đời muôn thuở của mình. Tình yêu riêng tư của cả hai không vì thế mà mất mát, lụi tàn; trái lại, nó được phát triển, thăng hoa và mở rộng tới vô biên vì được Chúa Thánh Thần nối kết và thánh hoá.

Tình yêu đó không làm cho hai người xa cách, tránh mặt nhau để tôn trọng Thiên Chúa ở trong nhau, như một số người lầm tưởng. Họ nghĩ rằng: Thánh Giuse ở nhà trên thì Mẹ Maria ở nhà dưới hay ngược lại. Mẹ là trinh nữ thánh thiện, trong trắng tuyệt vời, không bao giờ chạm vào Giuse. Còn Giuse là người công chính, thánh thiện, nên lúc nào cũng tôn trọng Maria là Mẹ Thiên Chúa, không bao giờ đến gần hay nhìn thẳng vào Maria.

Thật ra, cả hai người vẫn giao tiếp với nhau hằng ngày, vẫn săn sóc lo lắng cho nhau bằng tình yêu trong sáng và thánh thiện tuyệt đối của Thiên Chúa bởi vì bản thể tình yêu của Chúa (x. 1Ga 4,8.16) đã trở thành con người cụ thể nơi Đức Giêsu, là Ngôi Lời Thiên Chúa làm người. Vì thế tất cả những gì tốt đẹp ta thể hiện trên thân xác con người đều được Chúa thánh hoá. Đó là bài học quan trọng cần hiểu rõ trong mầu nhiệm nhập thể của mùa Giáng Sinh này.

Ta hãy tưởng tượng: một chiều, Thánh Giuse đi làm về bị trúng gió. Ai sẽ săn sóc cho Giuse? Không lẽ Maria chạy sang bên bà hàng xóm năn nỉ: “Chị ơi, chị cho chồng chị sang cạo gió cho nhà em!”. Chị hàng xóm ngạc nhiên hỏi: “Vậy sao bà không cạo gió cho chồng bà?”. Không lẽ Maria lại trả lời như đã từng thưa với sứ thần: “Việc đó làm sao có thể được, vì em không biết đến việc vợ chồng”!(x. Lc 1,34).

Đức Giáo hoàng Phanxicô đã viết trong số 2 của tông thư “Với trái tim người cha” ngày 8/12/2020, để tôn vinh Thánh Giuse là người cha dịu dàng và yêu thương: “Thánh Giuse đã chứng kiến Chúa Giêsu lớn lên từng ngày ‘về khôn ngoan, vóc dạng và ân sủng, trước mặt Thiên Chúa và trước mặt người ta’ (x. Lc 2,52). Như Thiên Chúa đã làm với dân Israel, Thánh Giuse cũng làm với Chúa Giêsu: ‘ngài dạy bước đi, cầm lấy tay, đối xử như người cha nâng đứa trẻ lên tận má mình, cúi xuống và cho ăn’ (x. Hs 11,3-4). Nơi Thánh Giuse, Chúa Giêsu nhìn thấy tình yêu dịu dàng của Thiên Chúa: ‘Như người cha yêu thương con cái mình, Chúa xót thương những ai kính sợ Người’ (Tv 103,13)”.

Mỗi thành viên trong gia đình chúng ta được mời gọi tập trung sự chú ý vào Chúa Giêsu đang ở giữa chúng ta như Mẹ Maria và Thánh Giuse để hành động cho Người và nhờ Người. Người đang cần được sinh ra, cho bú mớm, dưỡng nuôi, dạy dỗ, bảo vệ, đào tạo nghề nghiệp trong bao con người nghèo khổ, yếu đuối, tật bệnh quanh ta. Chúng ta diễn tả tình yêu cụ thể cho Chúa Giêsu bằng những cử chỉ, lời nói, hành động tích cực và hiệu quả để làm cho các gia đình mỗi ngày được phát triển, thăng tiến. Làm sao để mỗi thành viên cảm nhận được niềm vui, hạnh phúc, bình an khi sống trong gia đình mình. Muốn thế, trước khi hành động, ta hãy hít dài hơi và nguyện thầm: “Lạy Chúa, xin ban Thần Khí cho con”. Nhờ Thánh Thần Tình yêu tác động, chúng ta không còn những lời nói dối, nói tục, nói xấu gây bất hoà, đau khổ nữa, nhưng trở thành Lời sống động của Chúa, lời mang lại hạnh phúc và ơn cứu độ cho mọi người, mọi vật quanh ta.

Lời kết

Hành động như Mẹ Maria và Thánh Giuse bằng tình yêu của Chúa Thánh Thần, ta sẽ biến gia đình mình thành tổ ấm an vui, hạnh phúc, để không còn những chú chim non chịu nhiều bất hạnh vì vội rời tổ sớm như hiện nay. Xin Thánh Gia chúc lành cho gia đình chúng con. Amen.

HKK