25/12/2024

‘Mạnh tay’ ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi

‘Mạnh tay’ ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi

Sau một thời gian tạm lắng, dịch tả lợn châu Phi đã và đang có dấu hiệu tái phát trở lại. Các địa phương đang quyết liệt khống chế dịch, bảo đảm nguồn cung ứng thịt lợn, nhất là trong dịp cao điểm tết Nguyên đán 2021.

 

Nguy cơ dịch bùng phát

Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) cho biết, hiện cả nước có 307 ổ dịch tại 29 tỉnh, thành chưa qua 21 ngày, gồm: Quảng Bình, Ninh Bình, Cao Bằng, Đắk Lắk, Nghệ An, Thanh Hóa…
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An, từ đầu tháng 9 đến nay, dịch tả lợn châu Phi tái phát tại địa bàn. Ban đầu, các ổ dịch tái xuất hiện ở một hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không đảm bảo điều kiện an toàn sinh học, rồi lan ra 37 xã của 12 huyện.
Chăn nuôi áp dụng các biện pháp an toàn sinh học giúp phòng tránh dịch tả lợn châu Phi

Chăn nuôi áp dụng các biện pháp an toàn sinh học giúp phòng tránh dịch tả lợn châu Phi

Sau nhiều nỗ lực khống chế dịch, đến ngày 22.12, tại Nghệ An còn 10 ổ dịch tại 6 huyện. Nguyên nhân khiến dịch tái phát, theo ông Đặng Văn Minh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An, do nhiều hộ chăn nuôi không tuân thủ quy định phòng dịch, chọn con giống không sạch bệnh khi tái đàn.

Trong khi đó, tại Thanh Hóa, dịch tái phát từ đầu tháng 10, tập trung chủ yếu ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn 8 huyện. Các địa phương buộc phải tiêu hủy gần 1.000 con lợn. Đến ngày 22.12, còn H.Thạch Thành có dịch chưa qua 21 ngày.
Ông Trần Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh, cho biết sau thời gian dịch lắng xuống, người dân Hà Tĩnh đã tái đàn trở lại với 400.000 con. Đầu tháng 10 vừa qua, dịch tái phát và hiện vẫn còn 9 ổ dịch ở 3 huyện, thị chưa qua 21 ngày.
“Thời tiết chuyển mùa và mưa bão xảy ra liên tiếp đã làm môi trường chăn nuôi bị ô nhiễm khiến dịch bùng phát trở lại”, ông Hùng nói. Theo ông Hùng, hiện Hà Tĩnh đã cơ bản khống chế được dịch tả lợn châu Phi nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch rất cao.

Khôi phục cán bộ thú y xã

Theo ông Đặng Văn Hiệp, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Thanh Hóa, lực lượng thú y địa phương này đã và đang “mạnh tay” trong phòng chống dịch tả lợn châu Phi. “Chúng tôi đặt việc kiểm soát công tác tái đàn lên hàng đầu. Bây giờ, nếu người dân, doanh nghiệp tái đàn mà không đảm bảo điều kiện, không được sự thống nhất, cho phép của chính quyền địa phương và của ngành thú y thì sẽ bị xử phạt hành chính. Chúng tôi yêu cầu chỉ được tái đàn khi đã đảm bảo các điều kiện về chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Các giải pháp đồng bộ khác lâu nay vẫn thực hiện, như triển khai khoanh vùng nhanh nhất khi phát hiện ổ dịch, tăng cường trách nhiệm ở các chốt kiểm dịch để không có lợn bị nhiễm bệnh ra vào tỉnh…”, ông Hiệp nói.
Tiêu hủy lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi

Tiêu hủy lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi

Tại Nghệ An, ông Đặng Văn Minh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An, cho biết để sớm dập tắt dịch, ngành thú y đang phối hợp với chính quyền địa phương huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, lập các tổ công tác liên ngành kiểm soát việc vận chuyển, giết mổ gia súc nhằm hạn chế tối đa dịch phát tán, lây lan. Trong đó, việc sẽ khôi phục chức danh cán bộ thú y xã sẽ giúp việc phòng chống dịch hiệu quả hơn.

Theo ông Minh, từ tháng 1.2020, tỉnh Nghệ An không còn trả lương cho cán bộ thú y cấp xã theo Nghị quyết 22/2019 của HĐND tỉnh. Thay vào đó, người kiêm nhiệm công tác thú y ở xã là công chức nông nghiệp – địa chính. Bên cạnh đó, từ đầu năm 2019, các trạm thú y cũng sáp nhập với trạm khuyến nông và trạm trồng trọt – bảo vệ thực vật thành trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện. Sau khi bỏ cán bộ thú y cấp xã và trạm thú y huyện bị sáp nhập, Chi cục như bị “chặt hết chân tay”, khiến công tác phòng, chống dịch càng khó khăn.
Bất cập lớn nhất, theo ông Minh, là cán bộ thú y xã bị xóa, công chức nông nghiệp – địa chính kiêm nhiệm công tác thú y thì hầu hết không có chuyên môn về thú y. Tại kỳ họp HĐND tỉnh Nghệ An mới đây, sau khi nhiều đại biểu và cử tri phản ánh bất cập khi bỏ cán bộ thú y xã, ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp, nghiên cứu để sớm khôi phục chức danh thú y cấp xã.