28/12/2024

Giáo hội Thuỵ Sĩ bắt đầu dự án mục vụ đa văn hoá cho người di cư

Giáo hội Thuỵ Sĩ bắt đầu dự án mục vụ đa văn hoá cho người di cư

Hiện nay, ở Thuỵ Sĩ, trong số 3 triệu người Công giáo có 40% là “di dân”. Vì thế, các Giám mục quyết định tăng cường chăm sóc mục vụ theo chiều hướng “đa văn hoá”.

Điều này được Hội đồng Giám mục công bố trong một ghi chú ngày 14/12, các Giám mục giải thích: “Lúc đầu Giáo hội Thuỵ Sĩ được kêu gọi trợ giúp tinh thần cho những người lao động nhập cư đến từ các nước Châu Âu, nhưng hiện nay tình hình đã thay đổi: người nhập cư đến từ khắp nơi trên thế giới và đến không chỉ vì lý do nghề nghiệp, mà còn là người tị nạn. Một số người đã sống ở Thuỵ Sĩ qua nhiều thế hệ nhưng vẫn tiếp tục gắn bó với văn hoá tôn giáo của đất nước từ đó họ ra đi. Người di cư Công giáo không chỉ đa ngôn ngữ, mà còn đa dạng từ mọi quan điểm. Điều này đòi hỏi một sự trợ giúp tinh thần phát triển theo hướng chăm sóc mục vụ liên văn hoá.”

Hội đồng Giám mục quyết định trong tương lai sẽ mở rộng mục vụ di cư và trên hết quan niệm về Giáo hội như một cộng đoàn trong sự đa dạng. Theo các Giám mục, di cư đang phát triển năng động và sẽ đặt Giáo hội và cả xã hội trước những thách đố mới. Di cư và khác biệt văn hoá mở rộng quan niệm về Giáo hội như một cộng đoàn đa dạng. Do đó, vấn đề đặt ra là bắt đầu hiệp lực giữa các nền văn hoá để khuyến khích sống chung nhiều hơn và một cách tiếp cận tôn trọng có ý thức trong các cử hành phụng vụ cũng như trong đời sống Giáo hội.

Đức cha Jean-Marie Lovey, Giám mục Sion, chịu trách nhiệm chăm sóc mục vụ cho người di cư của Hội đồng Giám mục Thuỵ Sĩ, nhận xét: “Chúng tôi khẳng định rằng Giáo hội không có biên giới. Hiện tượng di cư thể hiện ý nghĩ này với sức mạnh lớn hơn. Nhưng chính mối quan hệ cụ thể của chúng tôi với những người di cư đã tiết lộ tính xác thực của những gì chúng tôi công bố.” Và Karl-Anton Wohlwend, giám đốc quốc gia của Migratio, kết luận: “Tôi mong đợi việc triển khai khái niệm này và những thôi thúc sẽ bắt nguồn từ nó. Sự chung sống lớn hơn của Giáo hội địa phương và các cộng đoàn di cư sẽ truyền cảm hứng và làm phong phú Giáo hội, làm cho Giáo hội trở nên đa dạng và nhiều màu sắc hơn.” (Sir.14/12/2020)

Ngọc Yến