28/12/2024

Phát hiện nấm ăn thịt biến ruồi thành xác sống, cơ thể mọc đầy ‘tên lửa’

Phát hiện nấm ăn thịt biến ruồi thành xác sống, cơ thể mọc đầy ‘tên lửa’

Giới khoa học vừa phát hiện 2 loài nấm có thể lây nhiễm cho ruồi và ăn thịt dần trong khi vẫn giữ vật chủ tồn tại như “xác sống”.
Một con ruồi bị nhiễm loài nấm mới được phát hiện /// Ảnh chụp màn hình The Guardian
Một con ruồi bị nhiễm loài nấm mới được phát hiện  ẢNH CHỤP MÀN HÌNH THE GUARDIAN
Các nhà nghiên cứu tại Đan Mạch vừa phát hiện 2 loài nấm mới có thể lây nhiễm ở ruồi, với các bào tử đâm thủng những lỗ to trên cơ thể chúng và mọc lên như những tên lửa nhỏ, theo tờ The Guardian ngày 16.12.
Các loài nấm mới Strongwellsea tigrinae và Strongwellsea acerosa, có đặc tính bám vào vật chủ là 2 loài ruồi Coenosia tigrina và Coenosia testacea.
Trong khi phần lớn nấm chỉ mọc bào tử khi vật chủ chết, 2 loài nấm này vẫn để vật chủ sống thêm nhiều ngày, hoạt động bình thường và tương tác với những con ruồi khác.
Cùng lúc đó, nấm này ăn dần vào các bộ phận sinh dục, mỡ, cơ quan sinh sản và sau cùng là mô cơ thể, trong lúc bắn ra hàng ngàn bào tử bám vào những con ruồi khác.
Sau vài ngày, con ruồi nằm ngửa, co giật suốt vài giờ trước khi chết, theo nghiên cứu bởi Đại học Copenhagen và Bảo tàng Lịch sử quốc gia Đan Mạch.
Phương thức lây lan bất thường bằng cách để vật chủ sống trong khi phát tán bào tử được gọi là lây nhiễm vật chủ chủ động (AHT). Đây là cách hiệu quả để tiếp cận các vật chủ khỏe mạnh khác.
Các nhà khoa học cho rằng loài nấm trên có thể sản sinh ra chất kích thích khiến vật chủ trở thành những “xác sống”, với mô cơ thể vẫn tươi giúp chúng sống tiếp vài ngày sau khi nhiễm và chỉ chết sau khi bị ăn hết mô trong bụng.
Loài nấm này dường như chỉ nhiễm trên một tỷ lệ nhỏ, khoảng 3-5% ruồi khỏe mạnh. Vì vật chủ tiếp tục sống bình thường nên rất khó xác định con ruồi nào bị nhiễm, trong khi chưa có nhiều nghiên cứu về cơ chế AHT. Cơ chế này trước đó chỉ được phát hiện ở 2 loài nấm nhiễm cho ve sầu theo cách tương tự.
KHÁNH AN
TNO