28/12/2024

Các nhà khoa học khắp thế giới đang tìm cách ngăn đại dịch tiếp theo

Các nhà khoa học khắp thế giới đang tìm cách ngăn đại dịch tiếp theo

Các nhóm nhà khoa học trên toàn cầu đang tập trung nghiên cứu những nơi và loài vật có khả năng gây ra đại dịch toàn cầu như COVID-19. Đối tượng hàng đầu của nhiều cuộc nghiên cứu là dơi, loài động vật có vú duy nhất bay được.

 

Các nhà khoa học khắp thế giới đang tìm cách ngăn đại dịch tiếp theo - Ảnh 1.

Dơi là đối tượng nghiên cứu của các nhóm nghiên cứu nguy cơ xảy ra đại dịch trên thế giới – Ảnh: REUTERS

Khi màn đêm buông xuống một cánh rừng ở Rio De Janeiro, Brazil cũng là lúc nhóm các nhà khoa học của Viện Fiocruz bắt đầu vào rừng bắt dơi và các loài động vật khác để nghiên cứu nguy cơ xảy ra một đại dịch toàn cầu.

Các nhà khoa học hi vọng tìm ra những chủng virus nguy hiểm có khả năng lây nhiễm trên người và xây dựng kế hoạch ngăn chặn chúng lây lan.

Có quá sớm?

Các nhà khoa học Brazil là một trong nhiều nhóm trên khắp thế giới đang chạy đua để giảm nguy cơ xảy ra đại dịch thứ 2 trong thế kỷ này, theo Hãng tin AP.

Trong khi thế giới vẫn còn đang vật lộn với đại dịch COVID-19, một số người cho rằng còn quá sớm để tính đến đại dịch tiếp theo. Nhưng theo các nhà khoa học, nếu không có biện pháp ngăn chặn, một loại virus mới khác có thể lây sang người và lan ra khắp thế giới trong thời gian ngắn, như điều chúng ta đang chứng kiến.

Theo tiến sĩ Gagandeep Kang – chuyên gia bệnh truyền nhiễm ở thành phố Vellore, Ấn Độ, câu hỏi không phải là “có xảy ra một đại dịch nữa hay không?”, mà là “khi nào?”. Trong trường hợp đó, Ấn Độ được coi là một trong những nơi có khả năng xảy ra dịch cao nhất do mật độ dân số cao và con người, vật nuôi thường xuyên tiếp xúc với động vật hoang dã.

Trong khi đó, nhà virus học Ian Mackay, Đại học Queensland (Úc), cho rằng việc sớm phát hiện dịch là yếu tố quan trọng để ngăn nó lây lan. Ông cho rằng cần có chuỗi phòng thí nghiệm toàn cầu do Tổ chức Y tế thế giới kiểm soát sẽ giúp thế giới chuẩn bị tốt hơn.

Các nhà khoa học khắp thế giới đang tìm cách ngăn đại dịch tiếp theo - Ảnh 2.

Theo các nhà khoa học, việc coi dơi như kẻ thù và diệt trừ chúng không giúp ngăn ngừa dịch bệnh – Ảnh: REUTERS

Dơi: nạn nhân hay thủ phạm?

Không phải ngẫu nhiên mà các nhà khoa học chọn nghiên cứu dơi. Vốn mang nhiều loại virus nguy hiểm nhất đối với con người, khả năng bay của dơi còn cho phép loài này phát tán virus rộng hơn.

Dơi được cho là vật chủ của nhiều chủng virus gây dịch bệnh ở người thời gian gần đây như COVID-19, Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS), Hội chứng hô hấp vùng Trung Đông (MERS), Ebola, virus Nipah, Hendra, Marburg.

Hơn 1.400 loài dơi trên khắp thế giới có điểm chung là khả năng thích nghi cho phép chúng mang nhiều virus nguy hiểm nhưng lại ít có triệu chứng bệnh, khiến chúng có khả năng phát tán virus rộng hơn.

“Bí mật nằm ở hệ thống miễn dịch khác thường của dơi có liên quan đến khả năng bay của chúng”, nhà dịch tễ học Raina Plowright của Đại học bang Montana (Mỹ) cho biết.

Theo đó, việc bay đòi hỏi nhiều năng lượng khiến tỉ lệ trao đổi chất ở dơi rất cao, nhưng loài này đã tiến hóa để chống chịu những bệnh tật và tổn thương từ quá trình này. Tuy nhiên, tình hình phá rừng hiện nay khiến dơi mất nơi cư trú và gia tăng tiếp xúc giữa con người với dơi hoang dã.

Ngoài ra, các nhà khoa học cho rằng việc coi dơi là kẻ thù và tìm cách diệt trừ chúng cũng là một biện pháp phản tác dụng. Theo đó, cách phòng ngừa tốt nhất là hạn chế tiếp xúc giữa người, vật nuôi với dơi.

“Trong lịch sử COVID-19, dơi là một nạn nhân hơn là thủ phạm. Dơi mang một số lượng ký sinh rất lớn và chúng thích ứng rất tốt. Vấn đề xảy ra khi con người tiếp xúc với chúng”, ông Ricardo Moratelli, điều phối viên dự án của Fiocruz, nói.

TRẦN PHƯƠNG
TTO