27/12/2024

‘Đại tuyệt chủng’ là có theo chu kỳ?

‘Đại tuyệt chủng’ là có theo chu kỳ?

Các nhà nghiên cứu vừa phát hiện sự trùng hợp khó tin giữa các đợt ‘đại tuyệt chủng’ trong quá khứ, theo đó, chúng có vẻ như tuân theo chu kỳ 27,5 triệu năm, theo báo SciTechDaily.

 

‘Đại tuyệt chủng’ là có theo chu kỳ? - Ảnh 1.

Các nhà khoa học phát hiện trùng hợp bất ngờ về chu kỳ các đợt ‘đại tuyệt chủng’ trong quá khứ – Ảnh: MOPIC

Vào 66 triệu năm trước, 70% các loài trên mặt đất và dưới biển, bao gồm cả khủng long, bỗng dưng tuyệt chủng sau thảm họa va chạm thiên thạch với Trái đất.

Sau đó, các nhà cổ sinh vật học khám phá rằng các cuộc đại tuyệt chủng làm biết mất 90% sinh vật biển không phải là các sự kiện ngẫu nhiên mà dường như diễn ra theo chu kỳ.

Trong bài nghiên cứu đăng trên tạp chí Historical Biology ngày 11-12, nhóm tác giả đã xem xét các bản ghi về đại tuyệt chủng các loài trên cạn và kết luận chúng trùng hợp với các cuộc tuyệt chủng thế giới đại dương. Vậy đâu có thể là nguyên nhân?

Dựa trên phương pháp tính tuổi của các miệng núi nửa do thiên thạch, các nghiên cứu chỉ ra các vụ va chạm thiên thạch và các trận phun trào núi lửa hủy diệt cũng mang chu kỳ trùng khớp như trên. Vì vậy đây rất có khả năng là nguyên nhân lý giải các đợt đại tuyệt chủng.

Các nhà vật lý thiên văn đã đặt ra một giả thiết, theo đó hệ Mặt trời sẽ đối mặt với cơn “mưa thiên thạch” sau mỗi 26-30 triệu năm, dẫn đến các vụ đại tuyệt chủng theo chu kỳ. Hệ Mặt trời, trong đó có Trái đất, di chuyển qua một mặt phẳng “đông đúc” giữa dải Ngân hà mỗi 30 triệu năm.

Lúc này, các cơn mưa thiên thạch có thể xảy ra và gây va chạm “khủng” với Trái đất. Các va chạm này sẽ tạo ra điều kiện cực đoan đe dọa sự sống như là bóng tối bao phủ, lạnh lẽo, cháy rừng, mưa axit và suy giảm tầng ozone.

Thật ra từ lâu, 3 trong số các vụ tuyệt chủng đã được xác định diễn ra cùng thời điểm với 3 vụ va chạm thiên thạch lớn trong vòng 250 triệu năm qua. Điều khiến các nhà khoa học bất ngờ chính là phát hiện ra một nguyên nhân khả dĩ khác ngoài thiên thạch: phun trào núi lửa khổng lồ.

Cả 8 vụ đại tuyệt chủng trên cạn và dưới nước trùng khớp với các đợt phun trào này. Chúng cũng có thể tạo ra điều kiện khắc nghiệt cho sự sống, bao gồm các đợt lạnh dữ dội, mưa axit, hủy hoại tầng ozone, phóng xạ và về sau là hiệu ứng nhà kính, tăng độ axit và giảm nồng độ oxy trong nước biển.

LÊ CHUNG
TTO