23/11/2024

Kéo giảm tác hại của rác thải nhựa: Chuyện không của riêng ai

Kéo giảm tác hại của rác thải nhựa: Chuyện không của riêng ai

Sau đợt đại dịch COVID-19 vừa qua, rác thải nhựa tồn đọng tại TP.HCM tăng 25 % gây những hệ luỵ cho môi trường và cuộc sống của người dân TP. Việc kéo giảm sử dụng các sản phẩm này cũng như tìm giải pháp hữu hiệu để xử lý là vấn đề hết sức nan giải.

 

Kéo giảm tác hại của rác thải nhựa: Chuyện không của riêng ai - Ảnh 1.

Các khách mời tham dự Talkshow – Ảnh: TVO

Trong thời điểm quan trọng này, báo Tuổi Trẻ phối hợp Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM tổ chức Talkshow “Chung tay chống rác thải nhựa sau mùa dịch COVID-19”.

Chương trình nhằm mang tới cho người dân bức tranh toàn cảnh về vấn nạn rác thải nhựa hiện nay, cùng với đó là tìm ra những giải pháp thiết thực.

Chương trình có sự tham gia của các khách mời:

– Bà Dương Thị Huyền Trâm – Ủy viên Thường trực, Trưởng ban Phong trào Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM;

– Ông Phạm Viết Thuận – Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường TP.HCM;

– Ông Cao Văn Tuấn – Trưởng phòng Công nghệ môi trường và Kiểm tra chất lượng – Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM.

Rác thải nhựa tăng 25% sau đại dịch COVID-19

Theo ông Phạm Viết Thuận, tại TP.HCM lượng rác thải nhựa đang tồn tại trong môi trường hiện khoảng 73 triệu tấn, tuy nhiên qua đợt đại dịch COVID-19 đã tăng thêm khoảng 25%. Phải nhìn nhận rằng sử dụng các sản phẩm bằng nhựa trong thời điểm dịch bệnh rất tiện lợi nhưng hậu quả là cực kỳ nghiêm trọng.

“Với gần 90 triệu tấn rác thải nhựa đang tồn tại, để giải bài toán này rất nan giải. Vì vậy để giải quyết phải có mục tiêu cụ thể, không thể đơn thuần một người xả rồi một người gom, nó giống như dã tràng xe cát vậy”, ông Thuận nhận định.

Ông Cao Văn Tuấn – Trưởng phòng Công nghệ môi trường và Kiểm tra chất lượng, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM cho biết, trong thực tế từ trên đường phố, miệng hố ga, dưới đường cống thoát nước ngập tràn rác thải nhựa, thậm chí có cả kim tiêm, nguyên nhân phần lớn là do ý thức của người dân còn kém.

“Nếu muốn giảm rác thải nhựa, chúng ta bằng mọi giá phải tuyên truyền sâu rộng để người dân ý thức được việc xả rác bừa bãi là nguy hiểm, ảnh hưởng đến tất cả mọi người”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Ông Phạm Viết Thuận nêu vấn đề về công tác thu gom rác thải nhựa trên sông, kênh, rạch thời gian qua tại TP.HCM bị “lơ” đi. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến rác thải nhựa còn tồn tại nhiều.

“Một vấn đề cũng hết sức quan trọng là công tác thu gom rác thải hiện nay đang thiếu rất nhiều, cả về phương tiện và kinh phí. Hệ lụy do không xử lý được nguồn rác thải này tốt không chỉ ảnh hưởng đến môi trường mà còn cả dịch bệnh nữa”, ông Thuận phân tích thêm.

Cần những giải pháp căn cơ hơn nữa để giảm rác thải nhựa

Ông Phạm Viết Thuận cho rằng về lâu dài, để giảm tác hại rác thải nhựa nhựa, cần xác định những mục tiêu cụ thể và buộc phải dựa trên những cơ sở khoa học. Nguồn gốc của nhựa là polymer, để phân hủy được nó thì chúng ta phải có những quy định, chế tài ngay từ nhà sản xuất sản phẩm nhựa, đặc biệt là sản phẩm dùng 1 lần thì buộc phải có phụ gia để sau này nó phân hủy nhanh hơn.

Ông Thuận dẫn chứng cụ thể: “Một chai nhựa nước theo đánh giá phải mất 40 năm mới phân hủy. Nhưng khi ta quy định, bỏ phụ gia C2H4 vào thì chỉ mất 2 năm để phân hủy. Đặc biệt khi có phụ gia này, kể cả trong môi trường nước, không có ánh sáng, quá trình phân hủy vẫn đảm bảo nhanh hơn. Phân loại và thu gom nó như thế nào? Đó là công việc tiếp theo để tái chế sao cho hợp lý”.

Ông Cao Văn Tuấn cho biết năm 2019, Ban thường vụ Thành ủy TP.HCM cũng đã ban hành Chỉ thị 19 về việc vận động người dân không xả rác ra đường, kênh rạch vì TP sạch và giảm ngập nước. Chỉ thị nêu rất rõ những điều cần thực hiện, vấn đề cốt lõi ở đây là ý thức của người dân. Người dân nâng cao được ý thức không xả rác, phân loại rác tại nguồn, giúp các đơn vị thu gom có nhiều lựa chọn để áp dụng các giải pháp tối ưu nhất xử lý.

“Ngoài ra, sản xuất xanh phải được coi là ưu tiên trong thời gian tới. Những nhà sản xuất phải đưa ra những sản phẩm thân thiện môi trường, dễ tái chế. Cùng với đó người dân cũng ý thức sử dụng những sản phẩm này thì lợi ích mang lại rất lớn”, ông Tuấn đề xuất.

Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM suốt thời gian qua cũng tổ chức rất nhiều đoàn công tác xuống địa bàn các quận, huyện để kiểm tra công tác đảm bảo vệ sinh, thu gom chất thải. Việc đi kiểm tra này thường xuyên để kịp thời chấn chỉnh những bất cập và hiệu quả mang lại trông thấy khi toàn TP hiện nay có đến 1984 điểm xanh, sạch đẹp.

“Chúng tôi đi từng ngõ, gõ từng nhà, len lỏi vào từng ngõ hẻm để lan tỏa tinh thần Chỉ thị 19 của UBND TP.HCM một cách thiết thực. Không đi sâu sát sẽ không có những kết quả như mong muốn”, bà Dương Thị Huyền Trâm – trưởng Ban phong trào Ủy ban MTTQ Việt nam TP.HCM nhấn mạnh.

Đến năm 2025 tỉ lệ tái chế rác thải nhựa đạt 60%

Ông Cao Văn Tuấn – Trưởng phòng Công nghệ môi trường và Kiểm tra chất lượng, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM, cho biết trong những năm gần đây, về mặt chính sách, chủ trương của TP.HCM và Chính phủ đang tập trung đẩy mạnh vào việc chuyển đổi công nghệ, tái sinh, tái chế chất thải nhựa.

Đến năm 2025, tỉ lệ này phải đạt 60% trên địa bàn TP.HCM. Theo ông Tuấn, với chiến lược đã đề ra và làm quyết liệt, tận dụng hết tất cả nguồn lực thì chúng ta sẽ đi rất nhanh, rút ngắn khoảng cách với quốc tế trong việc áp dụng công nghệ mới vào xử lý rác thải.

V.B.
TTO