ĐTC gửi sứ điệp mừng lễ Thánh Anrê, bổn mạng Giáo hội Chính thống Constantinople
Qua Đức Hồng y Koch, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một sứ điệp tới Đức Thượng phụ Bartolomeo, Tổng Giám mục Giáo hội Chính thống Constantinople, nhân ngày lễ Thánh Anrê Tông Đồ, thánh quan thầy của Toà Thượng phụ.
Đức Hồng Y Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh Hiệp nhất các Tín hữu Kitô, đã hướng dẫn một phái đoàn viếng thăm Toà Thượng phụ Chính thống Constantinople, ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, và tham dự lễ kính Thánh Anrê Tông Đồ.
Cuộc viếng thăm này nằm trong khuôn khổ thói quen tốt lành đã có từ lâu: hai Giáo Hội Chính thống và Công giáo gửi phái đoàn thăm viếng nhau vào dịp lễ bổn mạng của nhau. Phái đoàn Chính thống Constantinople vẫn được gửi đến Roma vào dịp lễ kính Thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ 29/6 mỗi năm.
Lòng bác ái, nhiệt thành tông đồ và kiên trì của Thánh Anrê
Trong sứ điệp, Đức Thánh Cha nhắc đến “lòng bác ái, lòng nhiệt thành tông đồ và sự kiên trì” của Thánh Anrê, điều mà theo ngài “là nguồn khích lệ trong những thời điểm khó khăn và nguy cấp này”. Ngài nhấn mạnh rằng “việc vinh danh Thiên Chúa cũng củng cố đức tin và hy vọng của chúng ta nơi Người, Đấng đã đón nhận Thánh Anrê tử đạo, người có đức tin bền bỉ trong thời gian thử thách, vào đời sống vĩnh cửu”.
Đức Thánh Cha cũng vui mừng nhắc lại sự hiện diện của Đức Thượng phụ tại cuộc gặp gỡ quốc tế vì hoà bình được tổ chức tại Roma ngày 20/10 năm nay, cùng với các nhà lãnh đạo tôn giáo khác.
Các tôn giáo là gương mẫu đối thoại, tôn trọng lẫn nhau và cộng tác
Tiếp tục sứ điệp, Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Cùng với những thách thức do đại dịch hiện nay gây ra, chiến tranh tiếp tục gây ảnh hưởng đến nhiều nơi trên thế giới, trong khi các cuộc xung đột vũ trang mới cướp đi sinh mạng của vô số người nam nữ.” Ngài lưu ý rằng “tất cả các sáng kiến được thực hiện bởi các thực thể quốc gia và quốc tế nhằm thúc đẩy hòa bình là hữu ích và cần thiết”. Tuy nhiên, Đức ngài cũng lưu ý rằng “xung đột và bạo lực sẽ không bao giờ chấm dứt cho đến khi mọi người đạt được nhận thức sâu sắc hơn rằng họ có trách nhiệm chung như anh chị em”. Đức Thánh Cha nói rằng các Giáo hội Kitô và các truyền thống tôn giáo khác “có trách nhiệm tiên quyết làm gương mẫu đối thoại, tôn trọng lẫn nhau và cộng tác thực hành”.
Niềm tin vào Chúa Giêsu
Đức Thánh Cha cũng đề cao mong ước sự gần gũi và hiểu biết giữa các Kitô hữu của Toà Thượng phụ Constantinople, điều có thể thấy rõ ràng trong thông điệp của Thánh Hội đồng gửi cho các Giáo hội Chính thống trên thế giới cách đây 100 năm và hiện nay vẫn còn phù hợp.
Thừa nhận rằng vẫn còn những trở ngại trên con đường đi đến sự hiệp nhất, Đức Thánh Cha nói rằng ngài tin tưởng rằng bằng cách “cùng nhau bước đi trong tình yêu thương nhau và theo đuổi đối thoại thần học, chúng ta sẽ đạt được mục tiêu đó”.
Đức Thánh Cha kết luận rằng niềm hy vọng này “được dựa trên niềm tin chung của chúng ta vào Chúa Giêsu Kitô, được Thiên Chúa Cha sai đến để quy tụ tất cả mọi người trong một thân thể, và là đá tảng của Giáo hội duy nhất và thánh thiện, đền thờ của Thiên Chúa, trong đó tất cả chúng ta là những viên đá sống động, mỗi người tuỳ theo đặc sủng hoặc chức vụ cụ thể của chúng ta do Chúa Thánh Thần ban tặng”.