23/12/2024

ĐTC Phanxicô chủ sự Công nghị phong 13 hồng y

ĐTC Phanxicô chủ sự Công nghị phong 13 hồng y

Vào lúc 4 giờ chiều thứ Bảy 28/11, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự Công nghị Hồng y tại Bàn thờ Ngai tòa trong Đền thờ Thánh Phêrô để phong 13 hồng y mới, gồm 9 hồng y cử tri dưới 80 tuổi và 4 hồng y trên 80 tuổi.

13 tân hồng y

13 tân hồng y đến từ 8 quốc gia, trong đó có 6 vị người Ý, và các vị còn lại đến từ Malta, Rwanda, Hoa Kỳ, Philippines, Chile, Brunei và Mexico. Hai tân Hồng y Jose Advincula người Philippines và Cornelius Sim người Brunei không hiện diện trực tiếp trong Công nghị, nhưng kết nối qua Internet.

Trong số 9 vị dưới 80 tuổi, đứng đầu danh sách là Đức tân Hồng y Mario Grech, người Malta, mới được Đức Thánh Cha bổ nhiệm làm Tổng Thư ký Thượng Hội Đồng Giám mục từ ngày 15/9, thay thế Đức Hồng y Lorenzo Baldisseri. Kế tiếp là Đức tân Hồng y Marcello Semeraro, cũng mới được bổ nhiệm làm Tổng trưởng Bộ Phong Thánh từ ngày 15/10 vừa qua. Có 6 vị đang là giám mục coi sóc các giáo phận và một vị là bề trên cộng đoàn Phanxicô ở Assisi.

Trong 3 tân hồng y được bổ nhiệm khi đang là linh mục, hai vị đã lãnh nhận chức giám mục theo quy định của giáo luật, riêng Cha Raniero Cantalamessa, Dòng Cappucchino, đã xin được phép không chịu chức giám mục.

Công nghị đặc biệt trong thời đại dịch

Công nghị Hồng y năm nay là một Công nghị đặc biệt, chưa từng có do tình hình đại dịch Covid-19 đang bùng nổ ở nhiều nơi trên thế giới và đặc biệt tại Ý. Số người tham dự, ngoài khoảng 40 hồng y và các hồng y tân cử, chỉ có sự hiện diện giới hạn của hơn 100 người, trong đó có các cha sở và các vị phụ trách các nhà thờ được bổ làm nhà thờ hiệu tòa của các tân hồng y. Tất cả đều đeo khẩu trang. Như đã thông báo, không có cử chỉ ôm chào của Đức Thánh Cha với các tân hồng y. Sau nghi thức phong hồng y sẽ không có những cuộc chào thăm chúc mừng các tân hồng y như thường diễn ra trong các Công nghị Hồng y trước đây.

Đa số các hồng y hiện diện trong Công nghị hôm nay đến từ các giáo phận của Ý hoặc đang làm việc tại Giáo triều Roma. Còn các Hồng y ngoài nước Ý tham dự Công nghị qua kết nối Internet.

11 hồng y tân cử mặc phẩm phục đỏ đứng dọc hai bên bàn thờ. Riêng Đức Hồng y tân cử Cantalamessa vẫn mặc bộ áo dòng Cappucchino.

Công nghị phong Hồng y được tiến hành dưới hình thức một buổi phụng vụ Lời Chúa.

Sau lời chào phụng vụ của Đức Thánh Cha, Đức Hồng y Mario Grech, người Malta, Tổng Thư ký Thượng Hội đồng Giám mục, đã đại diện mọi người chào mừng và cảm ơn Đức Thánh Cha.

Con đường của Chúa

Trong bài huấn dụ dựa trên đoạn Tin Mừng Thánh Marco (10,32-45) thuật lại cuộc hành trình lên Giêrusalem của Chúa Giêsu và các môn đệ, trong đó Chúa Giêsu lần thứ ba loan báo về cuộc khổ nạn của Người và hai anh em Giacôbê và Gioan và Gioan muốn được ngồi hai bên tả hữu của Chúa, Đức Thánh Cha nói về con đường mà Giáo hội phải đi. Đó là con đường lịch sử cứu độ được Chúa Kitô thực hiện, con đường hướng đến Mầu nhiệm Phục Sinh. Đức Thánh Cha nói: “Thánh giá và sự Phục Sinh thuộc về lịch sử của chúng ta, là hiện tại của chúng ta, nhưng cũng luôn là mục tiêu của cuộc hành trình của chúng ta.”

Dấu chỉ đường

Đức Thánh Cha nói rằng những lời của đoạn Tin Mừng hôm nay thường được đọc trong các Công nghị phong Hồng y, là “dấu chỉ đường” cho chúng ta trên hành trình cùng đi với Chúa Giêsu. Ngài mời gọi các Hồng y suy tư về những lời này.

Con đường của Chúa Giê-su: khổ nạn, chết và phục sinh

Trước hết, các môn đệ sợ hãi vì họ biết điều gì đợi họ ở Giêrusalem. Trong hoàn cảnh này Chúa Giêsu không bỏ rơi họ; Người không bao giờ bỏ rơi các bạn hữu của Người. Chúa chuẩn bị cho 12 Tông đồ đối diện với thử thách, để họ có thể đi cùng với Người bây giờ, nhưng đặc biệt là để khi Người không ở giữa họ, họ luôn đi cùng Người trên con đường của Người. Chúa loan báo cho họ về cuộc khổ nạn, sự chết và phục sinh của Người. Đây là con đường của Con Thiên Chúa, của Người Tôi tớ của Chúa. Và Chúa chính là con đường dẫn các môn đệ đi.

Con đường khác trái ngược với con đường của Chúa

Nhưng hai anh em Giacôbê và Gioan muốn một con đường khác. Họ muốn vinh quang khải hoàn. Đức Thánh Cha nhận xét: “Đây là con đường của những người, thậm chí có lẽ không nhận ra, ‘sử dụng’ Chúa để tiến thân; của những người – như Thánh Phaolô nói – tìm kiếm lợi ích của riêng họ chứ không phải lợi ích của Chúa Kitô.” Hai anh em Giacôbê và Gioan  đã đi trật đường. Và ngay sau đó các môn đệ khác cũng bị cám dỗ đi trật đường.

Cần tỉnh thức

Từ điều này, Đức Thánh Cha cảnh báo các tân Hồng y cần luôn tỉnh thức để đi trên con đường của Chúa. Ngài nói: “Bởi vì chúng ta có thể ở bên Chúa với đôi chân, với thân xác,  nhưng trái tim của chúng ta có thể ở xa, và đưa chúng ta đi lạc đường. Màu đỏ tươi của y phục hồng y, màu của máu, vì tinh thần thế gian, có thể trở thành màu của một sự sang trọng của thế tục.

Thánh giá và sự phục sinh của Chúa dẫn các môn đệ trở về con đường của Chúa

Đức Thánh Cha nhắc đến sự tương phản rõ nét giữa Chúa Giê-su và các môn đệ: Chúa đi trên đường còn các môn đệ đi trật đường. Hai con đường không thể gặp nhau. Và chỉ có Chúa, bằng Thánh giá và sự phục sinh của Người, có thể cứu những người bạn có nguy cơ lạc lối vì trật đường. Chúa lên Giê rusalem vì họ và vì mọi người. Người đổ máu ra và khi sống lại, Người tha thứ và biến đổi họ và đưa họ trở lại con đường của Ngườ

Những lời luôn cần thiết đối với Giáo hội

Kết thúc bài huấn dụ Đức Thánh Cha lưu ý rằng những lời trong Tin Mừng là lời cứu độ, cần thiết cho Giáo hội ở mọi thời đại, là sứ điệp cứu độ đối với chúng ta hôm nay. Ngài nói: “Chúng ta, Giáo hoàng và các Hồng y, cũng phải luôn thấy mình được phản ánh trong lời chân lý này. Nó là một thanh kiếm được mài sắc; nó cắt, nó gây đau đớn, nhưng nó cũng chữa lành, giải phóng và hoán cải chúng ta. Hoán cải có nghĩa là: từ chỗ trật đường chúng ta đi trên con đường của Thiên Chúa. Xin Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta hôm nay và mãi mãi ơn sủng này.”

Nghi thức phong hồng y

Sau bài huấn dụ của Đức Thánh Cha là nghi thức phong Hồng y, bắt đầu với việc Đức Thánh Cha xướng danh các tân Hồng y cùng với đẳng linh mục hay phó tế được chỉ định cho các vị. Tiếp đến, các tân hồng y tuyên xưng đức tin và tuyên thệ trung thành và vâng phục Đức Thánh Cha và các đấng kế vị ngài.

Sau đó từng hồng y lần lượt tiến đến quỳ trước mặt Đức Thánh Cha và ngài đội mũ đỏ Hồng y và trao nhẫn cho các vị. Cuối cùng, Đức Thánh Cha trao sắc chỉ về việc phong hồng y và chỉ định tước hiệu thánh đường của các tân hồng y.

Cập nhật thông tin về Hồng y đoàn

Với 13 tân hồng y vừa được phong, từ ngày 28/11 Hồng y đoàn sẽ có 229 hồng y, trong đó có 128 hồng y cử tri, dưới 80 tuổi, có quyền bầu giáo hoàng, và 101 hồng y trên 80 tuổi, không còn quyền bầu giáo hoàng.

Từ hôm nay, trong Hồng y đoàn có thêm sự hiện diện của một dòng mới, đó là Dòng Phanxicô Viện tu, qua sự hiện diện của Đức tân Hồng y Mauro Gambetti, Bề trên Tu viện Thánh Phanxicô ở Assisi. Tổng cộng Hồng y đoàn có 51 hồng y tu sĩ, thuộc 26 dòng, trong số này có 29 hồng y cử tri và 22 hồng y trên 80 tuổi.

Với tân Hồng y Antoine Kambanda, Tổng Giám mục Kigali, Rwanda lần đầu tiên có hồng y. Cũng thế, Brunei cũng có vị hồng y đầu tiên là Đức tân Hồng y Cornelius Sim. Bên cạnh đó, Đức tân Hồng y Mauro Gambetti là Hồng y đầu tiên của Dòng Phanxicô viện tu kể từ năm 1861.

Với Đức tân Hồng y Mario Grech, Malta lại có hồng y, kể từ sau khi Đức Hồng y Prosper Grech qua đời.

Tổng cộng 90 quốc gia có đại diện tại Hồng y đoàn.

Hồng Thuỷ