Anh đạp xích lô tốt nghiệp đại học năm 40 tuổi nhận giải thưởng Võ Trường Toản
Anh đạp xích lô tốt nghiệp đại học năm 40 tuổi nhận giải thưởng Võ Trường Toản
Tôi luôn nghiêm khắc dạy học sinh từ trải nghiệm của bản thân mình. Từ cuộc đời anh đạp xích lô sang người ‘lái đò’ không phải đơn giản. Tôi truyền cho học trò ý chí, giúp các em hiểu rằng nghèo khó thì chỉ có học mới thay đổi được nhiều thứ’.
Đó là tâm sự của thầy Phạm Đông Phương, giáo viên môn vật lý Trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa (TP.HCM), tại lễ trao giải thưởng Võ Trường Toản sáng 25-11 ở Nhà hát TP.HCM.
“Tôi năm nay 55 tuổi, nhưng chỉ dạy được 15 năm. Tôi tốt nghiệp đại học năm 40 tuổi, bạn cùng lớp gọi bằng ‘chú’. Tôi phải thay cha mẹ lo cho 7 anh em trai ăn học đàng hoàng, sau đó mới đến lượt mình vào đại học.
Đi dạy, tôi quan niệm dạy điều gì không quan trọng, quan trọng trước hết phải làm cho học sinh thích mình trước. Từ đó các em mới có hứng thú thích môn học của mình, khi đã thích thì học nghiêm túc, hiệu quả” – thầy Phương chia sẻ.
Từ những năm mới ra trường dạy tại Trường THPT Long Trường (quận 9) đến lúc thuyên chuyển về Trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa, thầy luôn truyền hứng thú học tập cho học trò, nhất là các em trong đội tuyển học sinh giỏi.
“Tôi cứ làm hết mình, dạy hết mình, được lãnh đạo trường tin tưởng giao việc, dạy các lớp bồi dưỡng học sinh giỏi, chứ phía sau có rất nhiều giáo viên giỏi hơn tôi”, thầy nói.
Ba năm nay, dù bị bệnh ung thư, người thầy quê Bình Định vẫn miệt mài dạy, sáng kiến những tiết dạy sáng tạo.
“Tôi không có bí quyết gì cao siêu. Tôi thương học sinh như con mình, la học sinh như la con mình… Trường nơi tôi dạy đa số là phụ huynh nghèo khó, bận công việc ít thời gian bên con nên từ bản thân mình, tôi dạy các em tình thương, khát vọng chiến thắng, quyết tâm qua những khúc quanh của cuộc sống”, thầy tâm sự.
Còn cô Lê Thị Kim Chi, giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển hòa nhập cho người khuyết tật quận Tân Bình, chia sẻ gần 20 năm gắn bó với nghề, động lực lớn nhất của cô là các phụ huynh.
“Từ những giọt nước mắt của phụ huynh những ngày đầu đưa con đến trường, đến cái ngày họ gặp tôi và nói ‘Cô ơi hôm nay con tôi bật được tiếng mẹ, ba, biết giao tiếp’…Từ chỗ hiểu nỗi lòng của phụ huynh, rồi yêu thương và thấm, và yêu được rồi thì tôi làm gì cũng không thấy khó”, cô Chi nói.
Cũng ‘yêu thương rồi gắn bó lúc nào không hay”, cô Huỳnh Thị Ngọc Thanh, giáo viên Trường mầm non Hoa Mai (huyện Bình Chánh), bộc bạch: “Hạnh phúc của giáo viên mầm non rất đơn giản. Nhìn các con ăn, chơi, cười đùa là các cô đã vui. Học trò hay gọi tôi là má Thanh, tôi cảm giác mình được yêu thương, rồi tự mình có trách nhiệm. 14 năm gắn bó với trường, nhưng với tôi đó không phải là trường mà là mái nhà thứ 2”.
Với Giải thưởng Võ Trường Toản lần thứ 23 năm 2020, Sở GD-ĐT trao giải cho 50 nhà giáo điển hình, xuất sắc, trong đó có 40 giáo viên và 10 cán bộ quản lý giáo dục. Qua 23 mùa trao giải, đã có 764 thầy cô giáo tiêu biểu đại diện cho 90.000 nhà giáo hiện tại của thành phố được trao tặng giải thưởng.
“Đặt niềm tin vào các nhà giáo”
Phát biểu tại buổi trao giải, ông Nguyễn Hồ Hải – phó bí thư Thành ủy, trưởng Ban tổ chức Thành ủy TP.HCM – bày tỏ sự vui mừng vì thành phố xây dựng được giải thưởng để tôn vinh các thầy cô giáo.
“Trong đổi mới căn bản toàn diện, nhiệm vụ của giáo dục là cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao. Lãnh đạo thành phố đặt niềm tin vào các thầy cô giáo say mê với nghề, có nhiều sáng kiến đổi mới để giáo dục phát triển” – ông Hải nhấn mạnh.