24/12/2024

Hội thảo chống phân biệt chủng tộc tại Vatican

Hội thảo chống phân biệt chủng tộc tại Vatican

Tình huynh đệ chông lại phân biệt chủng tộc (AFP or licensors)

“Phân biệt chủng tộc, phụ nữ và Giáo hội Công giáo” là chủ đề của hội thảo trực tuyến diễn ra hôm thứ Hai 23/11 tại Vatican. Buổi gặp gỡ được tổ chức bởi Đại học Lumsa, Nhóm tham vấn Phụ nữ của Hội đồng Toà Thánh về Văn hoá và các Đại sứ cạnh Toà thánh.

“Chúng ta không thể dung thứ cho sự phân biệt chủng tộc dưới bất kỳ hình thức nào, và cùng nhau ủng hộ bảo vệ sự thánh thiêng của mọi sự sống con người.” Những lời khẳng định của Đức Thánh Cha trong buổi tiếp kiến chung ngày 03/6 đã được Đức Hồng y Gianfranco Ravasi, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh về Văn hoá, nhắc lại vào chiều thứ Hai 23/11 trong buổi khai mạc hội thảo trực tuyến về chủ đề “Phân biệt chủng tộc, phụ nữ và Giáo hội Công giáo”, được tổ chức bởi Đại học Lumsa, Nhóm Tham vấn Phụ nữ của Hội đồng Toà Thánh về Văn hoá và các Đại sứ cạnh Toà Thánh.

“Cuộc chiến chống phân biệt chủng tộc không bao hàm sự đồng nhất, nhưng là sự hiệp nhất trong những khác biệt”, Đức Hồng y Ravasi nhấn mạnh và giải thích rằng ý tưởng này đến từ Cựu ước: trong tiếng Do Thái từ “adamah”, được phiên âm thành “Adam” có nghĩa là “nhân loại”. Điều này ngụ ý rằng tất cả chúng ta là Adam, tất cả chúng ta là nhân loại. Tương tự như vậy, Thánh Phaolô Tông đồ, trong Thư gửi tín hữu Galat và thư gửi tín hữu Côlôsê, khẳng định rằng “không có nô lệ hay tự do, mọi rợ hay ngoại bang”, bởi vì “tất cả chúng ta là một trong Đức Kitô”.

Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh về Văn hoá cũng nói thêm về các mối liên hệ: “Phân biệt chủng tộc là sự phủ nhận các mối quan hệ, là một hình thức phủ nhận xã hội và tinh thần” sự khác biệt của người khác. Vì thế, ngài khẳng định cần phải đến với người khác, đồng thời, nhìn nhận sự khác biệt của người khác là hai hành động cơ bản để chống lại thành kiến chủng tộc.

Buổi hội thảo được tiếp tục với những lời chứng của Sr. Rita Mboshu Kongo, thần học gia người Congo và là giáo sư Đại học Giáo hoàng Urbaniana. Sơ nhấn mạnh về tầm quan trọng của yếu tố giáo dục, là một công cụ để chống lại sự phân biệt chủng tộc. Sơ giải thích: Nhà trường và gia đình là những nơi đầu tiên để hiểu ngay lập tức rằng sự phân biệt đối xử, đặc biệt đối với phụ nữ, là sai trái. Sr. Rita kể lại kinh nghiệm cá nhân: là con gái lớn trong gia đình, sơ đã được người cha khích lệ vượt qua những định kiến, như định kiến ngăn cản phụ nữ ăn thịt heo.

“Phân biệt chủng tộc phải được chiến đấu bằng việc huấn luyện lương tâm”, Sr. Rita khẳng định, đồng thời đề nghị hỗ trợ phụ nữ học hành để mở mang kiến thức. Sơ nhắc lại: “Tôi xin Giáo hội dấn thân nhiều hơn nữa trong việc đào tạo các nữ tu để họ có hành trang thích hợp cho các nhu cầu của hoạt động tông đồ.”

Hội thảo kết thúc với nhận định: Thông điệp “Fratelli tutti” chống lại xu hướng sai lầm này: trên thực tế, nó nhắc nhở mọi  người rằng “phân biệt chủng tộc là một loại virus dễ biến dạng và thay vì biến mất, nó ẩn nấp và luôn rình rập”. Để chống lại thành kiến này, chúng ta có thể đáp lại bằng tình huynh đệ, bởi vì “tất cả chúng ta đều là anh chị em, được tạo dựng theo hình ảnh và giống Chúa”.

Ngọc Yến