25/12/2024

NASA ‘nhờ’ AI lập bản đồ cây, phát hiện hàng tỉ cây xanh ở hoang mạc

NASA ‘nhờ’ AI lập bản đồ cây, phát hiện hàng tỉ cây xanh ở hoang mạc

Phát hiện này đặt nền móng cho việc đo đạc mức dự trữ carbon toàn cầu một cách chính xác hơn.

 

NASA nhờ AI lập bản đồ cây, phát hiện hàng tỉ cây xanh ở hoang mạc - Ảnh 1.

Ảnh chụp từ không gian cho thấy các vùng khô hạn ở châu Phi thực chất không “trắng” như trên bản đồ thông thường – Ảnh: NASA

Theo SciTechDaily, các nhà khoa học tại Trung tâm hàng không vũ trụ Goddard của NASA cùng các cộng tác viên quốc tế đã mang đến một phương pháp mới để vẽ bản đồ vị trí và kích cỡ các cây mọc ở ngoài những cánh rừng. Họ phát hiện ra hàng tỉ cây xanh tồn tại ở các vùng khô hạn và bán khô hạn ở Tây Phi.

Sử dụng các máy siêu máy tính mạnh và trí tuệ nhân tạo (AI), nhóm đã ghi nhận hơn 1,8 tỉ cây xanh chỉ gói gọn trong diện tích khoảng 1,3 triệu km vuông. Họ đã lập bản đồ về đường kính tán cây (nhìn từ trên cao xuống), độ che phủ và mật độ biến động ra sao tùy vào lượng mưa và mức độ sử dụng đất đai.

Theo nhóm, việc lập bản đồ các cây không thuộc rừng ở mức độ chi tiết thế này thường tốn nhiều tháng, nhiều năm nếu dùng các phương pháp phân tích truyền thống. Phương pháp mới của họ chỉ tốn vài tuần. Các dữ liệu hình ảnh độ phân giải cao và AI mạnh mẽ cho thấy một đột phá về công nghệ.

Nghiên cứu này dự kiến sẽ tiên phong trong vẽ bản đồ của các cây không thuộc rừng trong một diện tích lớn, đồng thời tính toán được lượng carbon dự trữ bởi các cây này. Số liệu về dự trữ carbon rất cần thiết để hiểu được chu trình carbon của Trái đất và nó thay đổi như thế nào theo thời gian, có ý nghĩa trong nghiên cứu môi trường và biến đổi khí hậu.

“Mục tiêu của chúng tôi là biết được có bao nhiêu carbon dự trữ trong các cây riêng lẻ giữa vùng khô hạn và bán khô hạn rộng lớn của thế giới. Sau đó, chúng tôi cần hiểu được cơ chế dẫn đến việc dự trữ carbon ở những vùng này”, Compton Tucker – nhà khoa học sinh quyển tại phân ban khoa học Trái đất thuộc NASA Goddard, cho biết.

“Từ góc nhìn chu trình carbon, các khu vực khô cằn này vốn không được vẽ đầy đủ trên bản đồ về mật độ và lượng carbon. Nó chỉ là một vùng màu trắng trên các bản đồ. Các vùng này cơ bản đã bị bỏ qua, bởi vì các vệ tinh thông thường không nhìn thấy được các cây riêng lẻ mà chỉ thấy được khu rừng.

Giờ đây chúng tôi đang lấp vào những điểm trắng trên bản đồ, một việc làm khá hào hứng”, Martin Brandt – phó giáo sư địa lý tại Đại học Copenhagen lãnh đạo cuộc nghiên cứu, chia sẻ.

LÊ CHUNG
TTO