26/12/2024

ĐTC Phanxicô cử hành Thánh lễ Chúa Kitô Vua vũ trụ

ĐTC Phanxicô cử hành Thánh lễ Chúa Kitô Vua vũ trụ

Trong Thánh lễ chuyển trao Thánh giá Ngày Giới trẻ Thế giới, Đức Thánh Cha mời gọi mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ, nhận ra Chúa nơi những người nghèo khổ, bệnh tật, tù nhân, thiếu thốn… Ngài khuyến khích các bạn trẻ đừng chỉ tìm kiếm hạnh phúc trong trò tiêu khiển, đừng giới hạn cuộc đời trong tiêu thụ, đừng giới hạn tình yêu ở cảm xúc, nhưng hãy đưa ra những chọn lựa lớn trong cuộc đời mình để thực hiện những giấc mơ của Thiên Chúa. Và ngài thông báo từ năm tới Ngày Giới trẻ Thế giới cấp giáo phận sẽ được cử hành vào Chúa Nhật lễ Chúa Kitô Vua.

Vào lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật 22/11/2020, Đức Thánh Cha đã chủ sự Thánh lễ kính trọng thể Chúa Kitô Vua vũ trụ. Đặc biệt, vào cuối Thánh lễ có nghi lễ chuyển trao Thánh giá Ngày giới trẻ và bức ảnh Đức Mẹ là phần rỗi của dân thành Roma – những biểu tượng của Ngày Giới trẻ Thế giới.

Vì đại dịch Covid-19 nên Thánh lễ chỉ được cử hành tại bàn thờ Ngai toà bên trong Đền thờ Thánh Phêrô, với sự tham dự của một số ít người, trong đó có hai phái đoàn đại diện cho giới trẻ Panama và Bồ Đào Nha.

Cùng đồng tế với Đức Thánh Cha trong Thánh lễ có Đức Hồng y Kevin Farrell, Tổng trưởng Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống, là cơ quan phụ trách mục vụ giới trẻ; Đức Hồng y Manuel José Clemente, Thượng phụ của Lisbon; Đức Hồng y José Tolentino de Mendonça, người Bồ Đào Nha, Thư viện trưởng của Tòa Thánh; cùng một số ít giám mục và linh mục.

Trong bài giảng, dựa trên bài Tin Mừng lễ Chúa Kitô Vua vũ trụ, Đức Thánh Cha mời gọi mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ nhận ra Chúa nơi những người nghèo khổ, bệnh tật, tù nhân, thiếu thốn… Ngài khuyến khích các bạn trẻ đừng chỉ tìm kiếm hạnh phúc trong trò tiêu khiển, đừng giới hạn cuộc đời trong tiêu thụ, đừng giới hạn tình yêu ở cảm xúc, nhưng hãy đưa ra những chọn lựa lớn trong cuộc đời mình để thực hiện những giấc mơ của Thiên Chúa.

Những công việc của lòng thương xót biến cuộc sống chúng ta thành vĩnh cửuĐoạn Tin Mừng Thánh Mátthêu chúng ta vừa nghe là đoạn cuối cùng trước trình thuật về Cuộc Thương khó của Chúa Giê-su. Trước khi đổ tràn tình yêu của Người cho chúng ta trên Thánh giá, Chúa Giêsu chia sẻ với chúng ta những ước muốn cuối cùng của Người. Chúa nói với chúng ta rằng việc tốt mà chúng ta làm cho một trong những anh chị em nhỏ bé nhất của chúng ta – những người đói khát, khách lạ, người thiếu thốn, bệnh nhân hay tù nhân – là chúng ta làm cho Chúa (x. Mt 25,27-30). Như thế, Chúa trao cho chúng ta danh sách những quà tặng mà Người muốn có cho tiệc cưới vĩnh cửu với chúng ta trên thiên đàng. Những món quà này là các công việc của lòng thương xót; chúng làm cho cuộc sống của chúng ta trở thành vĩnh cửu.

“Ta ở đó!”

Mỗi người chúng ta có thể hỏi: Tôi có thực hành những việc này chưa? Tôi có làm điều gì đó cho người khốn khổ không? Hay tôi chỉ làm việc tốt cho những người thân yêu và bạn bè của tôi? Tôi có giúp đỡ người không thể giúp lại cho tôi không? Tôi có là bạn của một người nghèo nào không? Chúa Giêsu nói với bạn: “Ta ở đó. Ta đang đợi con ở đó, nơi mà con không nghĩ đến và có lẽ là nơi thậm chí con không muốn nhìn đến: ở đó, nơi người nghèo.” Ta ở đó, nơi mà não trạng đang thịnh hành nghĩ rằng cuộc sống tốt đẹp nếu nó tốt đẹp đối với tôi, không quan tâm đến Ta. Ta ở đó. Chúa Giêsu cũng nói những lời này với bạn, người trẻ đang cố  gắng thực hiện các ước mơ trong cuộc sống.

Thánh Martino thành Tours thấy Chúa nơi người nghèo

Ta ở đó. Chúa Giêsu đã nói những lời này với một người lính trẻ cách nay hàng thế kỷ. Anh ta 18 tuổi và chưa được rửa tội. Một ngày kia, anh nhìn thấy một người nghèo đang van xin người dân giúp đỡ nhưng không nhận được sự giúp đỡ nào, vì “mọi người đi phớt qua” ông. Người thanh niên đó, “khi nhìn thấy những người khác không động lòng trắc ẩn, anh đã hiểu rằng người nghèo đó đó chờ anh giúp đỡ. Tuy nhiên anh không có gì trên người, chỉ trừ bộ đồ lao động. Anh đã cắt áo choàng làm hai và trao cho người nghèo một nửa. Một số người qua đường cười nhạo anh ta. Đêm hôm sau anh nằm mơ: anh thấy Chúa Giêsu đang mặc nửa tấm áo choàng mà anh tặng cho người nghèo và Chúa nói với anh: ‘Martino, còn đã mặc cho Ta chiếc áo này.’” (x. Sulpicius Severus, Vita Martini, III). Thánh Martino là thanh niên đó. Ngài đã có giấc mơ đó bởi vì ngài đã hành động như những người công chính trong Tin Mừng hôm nay dù rằng không ý thức điều đó.

Công việc của lòng thương xót vinh danh Thiên Chúa hơn bất cứ điều gì khác

Tiếp tục bài giảng Đức Thánh Cha kêu gọi: Các bạn trẻ thân mến, anh chị em thân mến, chúng ta đừng từ bỏ những ước mơ vĩ đại. Chúng ta đừng chỉ làm những gì phải làm. Chúa không muốn chúng ta thu hẹp  chân trời của chúng ta hay tiếp tục dừng lại bên lề đường cuộc sống. Người muốn chúng ta mạnh dạn và vui vẻ chạy đua, hướng tới những mục tiêu cao cả. Chúng ta không được tạo dựng để mơ về những kỳ nghỉ hay các cuối tuần, nhưng để thực hiện những ước mơ của Thiên Chúa trên thế giới này. Thiên Chúa ban cho chúng ta khả năng mơ ước để chúng ta có thể ôm choàng lấy vẻ đẹp của cuộc sống. Các công việc của lòng thương xót là những công việc đẹp nhất của cuộc sống. Nếu anh chị em đang mơ về vinh quang thật sự, không phải là vinh quang của thế giới đến rồi qua đi này, nhưng vinh quang của Thiên Chúa, thì đây là con đường cần đi. Bởi vì những công việc của lòng thương xót vinh danh Thiên Chúa hơn bất cứ điều gì khác.

Những chọn lựa lớn

Chúng ta có thể bắt đầu thực hiện những ước mơ này từ đâu? Từ những chọn lựa lớn. Tin Mừng hôm nay cũng nói với chúng ta về điều này. Thật sự là vào ngày phán xét cuối cùng, Chúa sẽ phán xét chúng ta về các chọn lựa của chúng ta. Người hầu như không phán xét nhưng chỉ phân tách chiên ra khỏi dê, nhưng thiện hay ác phụ thuộc nơi chúng ta. Do đó, cuộc sống là thời gian để đưa ra những chọn lựa mạnh mẽ, quyết định và vĩnh cửu. Những lựa chọn tầm thường dẫn đến một cuộc sống tầm thường; những lựa chọn tuyệt vời dẫn đến một cuộc sống tuyệt vời. Thật vậy, chúng ta trở thành những gì chúng ta chọn, tốt hơn hoặc xấu hơn. Nếu chúng ta chọn ăn trộm, chúng ta sẽ trở thành kẻ trộm. Nếu chúng ta chọn nghĩ về chính mình, chúng ta trở thành người quy kỷ. Nếu chúng ta chọn thù ghét, chúng ta sẽ trở nên giận dữ. Nếu chúng ta chọn tiêu hao thời gian trên điện thoại di động, chúng ta sẽ bị nghiện nó. Tuy nhiên, nếu chúng ta chọn Chúa, chúng ta lớn lên trong tình yêu của Người mỗi ngày, và nếu chúng ta chọn yêu thương người khác, chúng ta tìm thấy hạnh phúc thật sự. Bởi vì vẻ đẹp của các chọn lựa của chúng ta dựa trên tình yêu. Chúa Giê-su biết rằng nếu chúng ta sống khép kín và thờ ơ, chúng ta tiếp tục bị tê liệt, nhưng nếu chúng ta hiến thân cho người khác, chúng ta trở nên tự do. Chúa của sự sống muốn chúng ta có được cuộc sống viên mãn, và Người nói với chúng ta bí mật của cuộc sống: chúng ta chỉ sở hữu nó bằng cách cho đi.

Vượt qua những câu hỏi “tại sao” để hỏi “vì ai, cho ai”

Đức Thánh Cha lưu ý: Tuy nhiên có những cản trở khiến các quyết định của chúng ta trở nên khó khăn: sợ hãi, sự bất an, những câu hỏi chưa được giải đáp… Tuy vậy, tình yêu đòi hỏi chúng ta vượt qua những điều này và đừng tiếp tục băn khoăn với những câu hỏi tại sao về cuộc sống và chờ đợi những câu trả lời từ trên trời rơi xuống. Không, tình yêu thúc đẩy chúng ta vượt qua những câu hỏi tại sao, và thay vào đó là câu hỏi cho ai, từ câu hỏi “Tại sao tôi sống?” đến câu hỏi “Tôi đang sống cho ai?”. Từ câu “Tại sao điều này đang xảy ra với tôi?” đến câu “Tôi có thể giúp ai?” Vì ai? Không chỉ cho chính tôi! Cuộc sống đã đầy những chọn lựa mà chúng ta đã chọn cho mình: học gì, làm bạn với ai, mua nhà loại nào, để thỏa mãn sở thích hay các quan tâm. Chúng ta có thể lãng phí nhiều năm suy nghĩ về chính mình mà không thực sự bắt đầu yêu thương. Alessandro Manzoni đưa ra một lời khuyên hay: “Chúng ta nên nhắm vào việc làm tốt hơn là cảm thấy tốt: và do đó, cuối cùng, chúng ta sẽ trở nên tốt hơn.” (I Promessi Sposi [The Betrothed], chương XXXVIII).

Tình yêu là một quà tặng, một lựa chọn và một hy sinh

Không chỉ những nghi ngờ và băn khoăn có thể hủy hoại những lựa chọn tuyệt vời và quảng đại, mà còn nhiều trở ngại khác. Chủ nghĩa tiêu dùng cuồng nhiệt có thể khiến trái tim chúng ta choáng ngợp bởi những thứ thừa thãi. Nỗi ám ảnh về tiêu khiển dường như là cách duy nhất để thoát khỏi vấn đề, nhưng nó chỉ đơn giản là trì hoãn chúng. Sự chú tâm vào các quyền của chúng ta có thể khiến chúng ta lơ là trách nhiệm của mình với người khác. Tiếp đến, là việc hiểu rất sai về tình yêu, là điều không chỉ là những cảm xúc mạnh mẽ và “thích”, nhưng trên hết nó là một quà tặng, một lựa chọn và một hy sinh. Nghệ thuật lựa chọn tốt, đặc biệt là ngày nay, có nghĩa là không để mình bị rập theo thói đời, không bị mê hoặc bởi cơ chế tiêu thụ làm mất nét đặc sắc của chúng ta, và biết từ bỏ vẻ hòa nhoáng bề ngoài. Lựa chọn cuộc sống có nghĩa là chống lại “nền văn hóa vứt bỏ” và mong muốn có “mọi thứ ngay bây giờ”, để hướng cuộc sống của chúng ta tới mục tiêu là thiên đàng, hướng tới ước mơ của Thiên Chúa.

“Điều gì tốt nhất cho tôi?”

Mỗi ngày, trong lòng chúng ta, chúng ta đối mặt với nhiều lựa chọn. Tôi muốn đưa ra cho anh chị em một lời khuyên cuối cùng để giúp anh chị em chọn lựa tốt. Nếu chúng ta nhìn vào trong nội tâm của mình, chúng ta có thể thấy đang nổi lên hai câu hỏi khác nhau. Một câu hỏi là: “Tôi cảm thấy thích làm gì?” Câu hỏi này thường đánh lừa, bởi vì nó ám chỉ rằng điều quan trọng là hãy nghĩ về bản thân và tận hưởng tất cả những ham muốn và thôi thúc của chúng ta. Nhưng câu hỏi mà Chúa Thánh Thần gợi lên trong lòng chúng ta là một câu hỏi rất khác: không phải là “Tôi cảm thấy thích làm gì?” nhưng là “Điều gì tốt nhất cho tôi?” Đây là chọn lựa chúng ta phải thực hiện mỗi ngày: Tôi cảm thấy thích làm gì hay điều gì tốt nhất cho tôi? Sự phân định nội tâm này có thể đưa đến kết quả hoặc là những chọn lựa tầm thường hoặc là những quyết định của sự sống, tuỳ thuộc vào chúng ta. Chúng ta hãy nhìn lên Chúa Giêsu và xin Người ban cho chúng ta sự can đảm để chọn điều gì là tốt nhất cho chúng ta, để chúng ta có thể theo Người trên con đường yêu thương. Và bằng cách này chúng ta khám phá được niềm vui, để sống chứ không phải chỉ để đi ngang qua.

Ngày Giới trẻ Thế giới được cử hành vào lễ Chúa Kitô Vua

Vào cuối Thánh lễ, trước khi hai phái đoàn các bạn trẻ người Panama và Bồ Đào Nha chuyển trao Thánh giá và ảnh Đức Mẹ là phần rỗi của dân thành Roma, biểu tượng của Ngày Giới trẻ Thế giới, cho nhau. Đức Thánh Cha thông báo:

“Trong khi chúng ta chuẩn bị cho Đại hội Giới trẻ Thế giới liên lục địa lần tới, tôi cũng muốn thay đổi việc cử hành nó trong các Giáo hội địa phương. 35 năm sau khi thành lập Ngày Giới trẻ Thế giới, sau khi lắng nghe nhiều ý kiến khác nhau và tham khảo ý kiến của Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống, cơ quan chịu trách nhiệm về mục vụ giới trẻ, tôi đã quyết định, bắt đầu từ năm tới, chuyển việc cử hành Ngày Giới trẻ Thế giới cấp giáo phận từ Chúa Nhật Lễ Lá đến Chúa Nhật lễ Chúa Kitô Vua vũ trụ. Trọng tâm của cử hành vẫn là Mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Chuộc Nhân Loại, như Thánh Gioan Phaolô II, người khởi xướng và là bổn mạng của Ngày Giới trẻ Thế giới, luôn nhấn mạnh.

Các bạn trẻ thân mến, bằng cuộc đời mình các con hãy kêu lớn rằng Chúa Kitô đang sống và hiển trị, Chúa Kitô là Vua! Nếu các con giữ im lặng, chính những viên đá sẽ kêu lên! (x. Lc 19,40).”

Sau những lời của Đức Thánh Cha, 5 bạn trẻ của Panama đã rước Thánh giá và ảnh Đức Mẹ đến trước bàn thờ và trao lại cho 5 bạn trẻ Bồ Đào Nha.

Hồng Thuỷ