26/12/2024

ĐTC Phanxicô: Chúng ta vào Nước Chúa qua cánh cửa khiêm nhường phục vụ

ĐTC Phanxicô: Chúng ta vào Nước Chúa qua cánh cửa khiêm nhường phục vụ

Đức Thánh Cha nhắc rằng chúng ta sẽ được xét xử dựa trên tình yêu, dựa trên các việc làm của lòng thương xót. Ngài mời gọi các tín hữu học theo Mẹ Maria đi vào Nước Chúa qua cánh cửa khiêm nhường phục vụ.

Vào lúc 12 giờ trưa Chúa Nhật 22/11, lễ Chúa Kitô Vua vũ trụ, như thường lệ, Đức Thánh Cha đã chủ sự buổi đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu. Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, Đức Thánh Cha nhắc rằng chúng ta sẽ được xét xử dựa trên tình yêu, dựa trên các việc làm của lòng thương xót. Ngài mời gọi các tín hữu học theo Mẹ Maria: cai trị bằng phục vụ.

Thẩm phán trong dáng vẻ của vị mục tử hiền lành

Đức Thánh Cha bắt đầu bài huấn vụ bằng việc suy tư về một dụ ngôn mà theo ngài trong đó bày tỏ mầu nhiệm Chúa Kitô. Đức Thánh Cha nói: “Người là Alpha và Omega, khởi đầu và cùng đích của lịch sử; và phụng vụ hôm nay tập trung vào “omega”, tức là cùng đích. Chúng ta hiểu ý nghĩa của lịch sử khi hướng đến đỉnh điểm của nó: sự kết thúc cũng là điểm đến. Và đây chính là điều Thánh Mátthêu làm, trong Tin Mừng Chúa Nhật tuần này (25,31-46), khi đặt diễn từ của Chúa Giêsu về sự phán xét phổ quát vào cuối cuộc đời trần thế của Ngài: Chúa, Đấng mà loài người sắp kết án, trong thực tế là Thẩm phán Tối cao.  Trong cái chết và sự phục sinh của mình, Chúa Giêsu sẽ chứng tỏ Người là Chúa của lịch sử, Vua của vũ trụ, là Đấng phán xét của tất cả mọi người. Nhưng điều nghịch lý của Kitô giáo là vị Thẩm phán không mang dáng vẻ của một ông hoàng đáng sợ, mà là một mục tử rất mực hiền lành và nhân từ.

Đức Giêsu Kitô, vị mục tử: chính người là mục tử tốt lành

Thật vậy, trong dụ ngôn về cuộc phán xét cuối cùng này, Chúa Giêsu dùng hình ảnh người chăn chiên, dùng những hình ảnh Ngôn sứ Ezekiel đã dùng để nói về sự can thiệp của Thiên Chúa giúp dân tộc chống lại những mục tử độc ác của Israel (x. 34,1-10). Đây là những kẻ độc ác và bóc lột, thích chăm sóc mình hơn là đàn chiên; do đó, chính Thiên Chúa hứa rằng Người sẽ chăm sóc đàn chiên của Người, bảo vệ chúng tránh những bất công và lạm dụng. Lời hứa này của Thiên Chúa dành cho dân Người đã được thực hiện trọn vẹn nơi Đức Giêsu Kitô, vị mục tử: chính người là mục tử tốt lành. Chính Người đã nói về mình: “Tôi là mục tử nhân lành.” (Ga 10,11.14).

Phán xét dựa trên tình yêu dành cho hay từ chối những người khốn khổ

Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu không chỉ đồng hóa mình với vị vua mục tử, nhưng còn với những con chiên lạc, nghĩa là đồng hóa mình với những anh em nhỏ bé và thiếu thốn nhất. Và do đó Chúa đưa ra tiêu chuẩn phán xét: nó sẽ được thực hiện dựa trên tình yêu cụ thể dành cho những người này hoặc từ chối đối với họ, bởi vì chính Chúa, vị thẩm phán, hiện diện nơi mỗi người trong số họ. Chúa Giêsu nói: “Thật Ta bảo với các anh em: tất cả những gì anh em đã làm (hoặc không làm) cho một trong những người anh em bé nhỏ nhất này củaTa, thì anh em đã làm (hoặc không) làm cho Ta.” (cc.40.45). Chúng ta sẽ được phán xét về tình yêu. Không dựa trên tình cảm, nhưng dựa trên công việc, lòng trắc ẩn, điều sẽ trở thành sự gần gũi và quan tâm giúp đỡ. Tôi đến gần Chúa Giêsu hiện diện trong con người của các bệnh nhân, người nghèo khó, người đau khổ, các tù nhân, những người đói khát sự công chính. Tôi có đến gần Chúa Giêsu hiện diện nơi họ không? Đây là câu hỏi của ngày hôm nay.

Vì thế, vào ngày tận thế, Chúa sẽ xét xử đàn chiên của Người, và Người sẽ làm như vậy không chỉ từ chiều kích của vị mục tử mà còn từ chiều kích của con chiên mà Người đã tự đồng hoá với họ. Và Người sẽ hỏi chúng ta: “Anh em có là mục tử giống như Thầy chưa?” “Anh em có là mục tử của Thầy khi Thầy hiện diện nơi những người khốn khổ hay anh em đã dửng dưng?”

Cai trị trong phục vụ

Kết thúc bài huấn dụ, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu cầu xin Đức Trinh Nữ Maria dạy chúng ta cai trị trong phục vụ. Ngài nói: “Đức Trinh Nữ, được lên trời, đã nhận vương miện từ Con của Mẹ, bởi vì Mẹ đã trung thành theo Chúa trên con đường của Tình yêu. Chúng ta hãy học theo Mẹ để đi vào Vương quốc của Thiên Chúa ngay từ lúc này, qua cánh cửa của sự phục vụ khiêm nhường và quảng đại.”

Hồng Thuỷ