19/11/2024

Chúa Nhật XXXIV TN A 2020: Vua Giêsu phục vụ người nghèo

Tuần cuối cùng của Năm Phụng vụ, toàn thể Giáo Hội mừng kính trọng thể Đức Giêsu là Vua vũ trụ, như muốn nhắc nhở những tín hữu chúng ta dồn tất cả mọi vinh quang và danh dự vào Đức Giêsu Kitô để cùng Người xây dựng trái đất và vũ trụ này thành một miền đất hoà bình và thịnh vượng.

Chúa Nhật XXXIV TN A 2020

Vua Giêsu phục vụ người nghèo

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Tuần cuối cùng của Năm Phụng vụ, toàn thể Giáo Hội mừng kính trọng thể Đức Giêsu là Vua vũ trụ, như muốn nhắc nhở những tín hữu chúng ta dồn tất cả mọi vinh quang và danh dự vào Đức Giêsu Kitô để cùng Người xây dựng trái đất và vũ trụ này thành một miền đất hoà bình và thịnh vượng. Muốn đạt được điều đó, người ta cần quan tâm đến người nghèo và dồn mọi nguồn lực để phục vụ họ như bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe về cuộc phán xét cuối cùng dựa trên việc phục vụ những người nghèo (x. Mt 25,31-46).

1. Cuộc tranh chấp quyền lực trên thế giới

Cuộc tranh chấp quyền lực diễn ra khắp mọi nơi trên thế giới và trong mọi cấp độ của cộng đồng nhân loại. Cả thế giới hầu như đã theo dõi cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, từ 3 tháng 11 đến nay, mà vẫn chưa có kết quả. Cả hai ứng cử viên là ông Joe Biden thuộc đảng Dân chủ và ông Donald Trump thuộc đảng Cộng hoà, đều tuyên bố mình chiến thắng và nói những lời nặng nề mạt sát lẫn nhau. Còn ở nước Peru, Nam Mỹ, trong tuần trước quốc hội đã phế truất lần lượt 3 vị tổng thống với cáo buộc tham nhũng (x. Tuoitre.vn, 18/11/2020). Tại đất nước chúng ta, trong suốt mấy tháng qua, chúng ta thấy tỉnh thành nào cũng tổ chức đại hội chuẩn bị cho đại hội đảng Cộng sản thứ XIII và phân chia quyền lực trong tất cả mọi lĩnh vực.

Đọc lại lịch sử các dân tộc trên thế giới, chúng ta thấy biết bao người đã tìm cách chiếm lấy quyền lực để thoả mãn những tham vọng và dục vọng của cá nhân hoặc hay của dòng tộc, hoặc của phe đảng bằng mọi thủ đoạn, thậm chí giết hại cả người thân. Người ta muốn củng cố quyền lực bằng đủ thứ chiêu trò lừa dối, dù miệng vẫn luôn công bố mình theo đúng lẽ phải, giữ đúng chính nghĩa. Biết bao nhiêu những ông vua, bà chúa bắt người khác phải tung hô mình “vạn, vạn tuế” hay “muôn năm”. Trên thực tế, chẳng có quyền lực nào tồn tại mãi mãi. Tất cả đều sụp đổ theo dòng thời gian và phải chịu trách nhiệm về mọi hành động tốt xấu theo sự phán xét cuối cùng của vua Giêsu Kitô.

Vương quyền của Chúa Giêsu Kitô không phải đạt được bằng thủ đoạn, mưu mô, lọc lừa, gian dối hay giết hại ai. Người được Chúa Cha đặt lên làm vua, vì nhờ Người mà mọi dân tộc, mọi quốc gia, mọi loài trên trần thế và trong vũ trụ đã được tạo thành. Khi con người và vạn vật sa ngã, chịu sự hư nát vì tội lỗi của con người, Ngôi Lời Thiên Chúa đã trở thành Đức Giêsu để cứu độ tất cả bằng cái chết trên thập giá. Vua Giêsu đã đổ máu mình ra để rửa sạch tội lỗi cho toàn thể con người và vũ trụ.

Nhìn lên thánh giá, chúng ta thấy hình ảnh của vị vua chúng ta, Người không mặc cẩm bào, không đội vương miện trên đầu, không cầm vương trượng nơi tay. Người không có quân đội với những vũ khí bảo vệ. Người chỉ có tấm thân trần truồng, với mão gai trên đầu, tay chân bị đóng chặt vào thập giá, với bản án “Giêsu Nazareth, vua dân Do Thái”. Nhưng qua cái chết và cuộc sống lại của vua Giêsu, toàn thể vũ trụ và con người chúng ta được giao hoà với Chúa Cha, được tha thứ tội lỗi, được biến đổi tận cùng để trở thành con cái Thiên Chúa. Cái chết và sống lại của Người đã mang lại bình an và hạnh phúc cho toàn thể vũ trụ.

Như thế, quyền lực của vua Giêsu không phải là để phục vụ cho Người mà là phục vụ cho tất cả nhân loại, vũ trụ này: “Tôi đến không phải để được phục vụ mà là để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho muôn người”.

2. Quyền lực để phục vụ người nghèo

Để mang lại bình an, hạnh phúc cho nhân loại và vũ trụ, Đức Giêsu đã tự nguyện trở thành một người nghèo. Dù là con Thiên Chúa vô cùng giàu sang và quyền năng, Người đã trở thành một con người giống chúng ta mọi đàng, chỉ trừ tội lỗi. Người đã trở thành một người nghèo, sinh ra giữa cánh đồng trong hang đá tồi tàn, nằm trên máng cỏ. Người đã trở thành một người thợ mộc bình thường, trong một làng quê nhỏ bé của một đất nước bị đế quốc Rôma đô hộ, chứ không phải là một ông hoàng bà chúa nào. Người đã chết nhục nhã như một tên tử tội.

Người đã hoá thân thành người nghèo để cho tất cả chúng ta trở thành giàu có vô song như Người (x. 2Cr 8,9). Quyền lực của Người là để phục vụ những người nghèo. Một khi chúng ta ý thức mình thật sự là những người nghèo khổ, những người cùng cực trước mặt Thiên Chúa, chúng ta mới có thể mở lòng, mở tay, mở mắt ra để đón nhận ơn cứu độ của Người.

Bài Tin Mừng hôm nay như mời gọi chúng ta nhìn lại xem thái độ của chúng ta đối với người nghèo như thế nào. Chúng ta có ý thức mình là người nghèo không, để nhận hạnh phúc đầu tiên của Tám Mối Phúc Thật “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,1-12). Vương quốc của Chúa Giêsu dành cho người nghèo. Khi chúng ta thật sự sống tinh thần nghèo khó của Người, từ bỏ chính mình để bước theo con đường sự thật và sự sống của Chúa Giêsu, chúng ta mới thể hiện được Nước Trời, “nước của sự thật và sự sống, của thánh thiện và ân sủng, của công lý, tình yêu và hoà bình” cho chính mình và cho thế giới, như lời Kinh Tiền Tụng của ngày lễ hôm nay.

Mẹ thánh Têrêsa Calcutta đã nhắc nhở chúng ta rằng: “Người nghèo là niềm hy vọng cứu rỗi của nhân loại, vì chúng ta sẽ bị xét xử vào giờ chết về những gì chúng ta đối xử với họ và về những gì chúng ta đã làm cho họ”. Anh chị em có cuốn Bạn Là Lời Cứu Độ mà cách đây vài năm chúng tôi đã gửi tặng, lời này ở trong chặng thứ Tám của Chặng đàng Thánh giá của Mẹ Têrêsa Calcutta. Khi ý thức mình là người nghèo, chúng ta nhận được những ân phúc từ Thiên Chúa để chúng ta chia sẻ cho những người khác, chúng ta sẽ nhận ra Chúa Giêsu hiện thân trong những con người khốn khổ, bệnh tật quanh ta. Chúa Giêsu sẽ hiện diện giữa cộng đồng của chúng ta và chúng ta sẽ cảm nghiệm được phép lạ tình yêu của Người thực hiện cho nhân loại. Chúng ta cảm nghiệm được niềm vui, bình an, hạnh phúc cũng như ơn cứu độ mà Đức Giêsu thực hiện trong cộng đồng của chúng ta.

Ngồi đây, đã có khoảng chục người hiện diện với chúng tôi vào Chúa Nhật tuần trước, 15/11/2020. Sáng đó các anh chị em thấy 6 chiếc xe đến chở các anh chị em ở giáo xứ Chợ Đũi, Gx. Fatima và Gx. Bàn Cờ đến Học viện Anh quốc, 48 Võ Oanh, Bình Thạnh. 2.000 người khiếm thính, khiếm thị, khuyết tật vận động, nghèo khổ từ các nơi tụ về. Họ đã được Đức Giêsu chữa lành qua bàn tay của hơn 200 bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ và điều dưỡng cũng như sự trợ giúp của các tình nguyện viên và những nhà hảo tâm. Chúng ta lại thấy Chúa Giêsu hiện diện giữa chúng ta, Người chữa lành những con người khốn khổ ấy. Người làm phép lạ hoá bánh ra nhiều, cho họ được ăn no nê. Những người nghèo và tất cả những người tham dự, 2.400 người, được ăn sáng. Nước uống có Cty Trà Tân Nam Bắc phục vụ. Tối thứ Bảy, Cty Tân Hiệp Phát ở Bình Dương gửi đến chúng tôi 12.000 chai nước ngọt, mỗi người còn nhận được 4 chai mang về nhà. Những em học sinh, sinh viên nghèo được chữa răng, khám mắt, cấp kính. Đó là phép lạ tình yêu của Vua Giêsu ở giữa chúng ta.

Lời kết

Đó là bằng chứng cho chúng ta hiểu rằng Đức Giêsu đang ở giữa chúng ta, ở giữa những người nghèo. Khi Người ban cho chúng ta những ơn lành, chúng ta chia sẻ cho những người khác thì chúng ta làm cho vương quyền của Chúa Giêsu hiện diện ở thế giới này để mang lại niềm vui, bình an và ơn cứu độ cho tất cả mọi người.

HKK