Mỹ lại là tâm đại dịch thế giới, vắc xin có làm nên phép mầu?

Mỹ lại là tâm đại dịch thế giới, vắc xin có làm nên phép mầu?

Người Mỹ đang mắc COVID-19 nhiều hơn, nhập viện nhiều hơn và chết cũng nhiều hơn vì COVID-19, gần như mọi chỉ số đo lường đại dịch ở quốc gia này đều đang ở mức kỷ lục hoặc cận kề kỷ lục.

 

Mỹ lại là tâm đại dịch thế giới, vắc xin có làm nên phép mầu? - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump chủ trì một cuộc họp báo về đại dịch COVID-19 tại Nhà Trắng – Ảnh: GETTY IMAGES

Ông Pence: COVID-19 tăng gấp 5 lần 

Một năm kể từ khi ca mắc COVID-19 đầu tiên được ghi nhận ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, nước Mỹ hiện đang là tâm dịch của thế giới.

Tuần qua nước Mỹ chứng kiến một dấu mốc nữa của đại dịch COVID-19 khi tổng số người chết đến nay đã vượt qua 250.000, cao nhất thế giới. Giới chuyên gia cảnh báo đây vẫn chưa phải là điều tồi tệ nhất.

Cũng tuần qua, lần đầu tiên nước Mỹ ghi nhận số ca mắc mới kỷ lục khoảng 1 triệu ca / tuần. Số ca mắc mới mỗi ngày ở Mỹ cũng liên tục lập những “kỷ lục” mới trong nhiều ngay liên tiếp.

Theo tạp chí Forbes, cuộc họp báo của Nhà Trắng về tình hình đại dịch ngày 19-11 là lần đầu tiên kể từ tháng 7 Tổng thống Donald Trump không tham dự. Họp thay ông Trump, Phó tổng thống Mike Pence cho biết số ca bệnh COVID-19 của Mỹ đang “tăng lên” gấp 5 lần (ông Pence không nói rõ là so với mốc nào – PV), một thực tế mà cho tới nay ông Trump chưa từng thừa nhận.

Ngày 19-11 cũng là lần đầu tiên trong 7 tháng, tiến sĩ Deborah Birx và bác sĩ Anthony Fauci cùng xuất hiện trong một cuộc họp báo của chính quyền về đại dịch.

Giữa những thông tin u ám về đại dịch, hi vọng được nhóm lên sau khi hai hãng dược lớn của Mỹ là Pfizer và Moderna liên tiếp công bố những kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối đầy lạc quan về các vắc xin ngừa COVID-19 do họ phát triển, mỗi loại đều được công bố cho hiệu quả phòng bệnh ít nhất là 90%.

Cho tới trước năm mới 2021, một số nhân viên y tế Mỹ có thể được ưu tiên tiêm vắc xin. Theo bác sĩ Anthony Fauci, chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ, dự kiến hầu hết người dân Mỹ có thể được tiêm vắc xin COVID-19 trong mùa xuân năm tới.

Bác sĩ Fauci: Có vắc xin không có nghĩa không lây virus cho người khác

Tuy nhiên, bác sĩ Anthony Fauci vẫn cảnh báo cần tuân thủ các biện pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng vì tiêm vắc xin COVID-19 không có nghĩa là không lây virus corona cho người khác, trong bối cảnh nhiều vắc xin COVID-19 sắp được Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) Mỹ phê duyệt, theo Đài Fox news.

Bác sĩ Fauci đã thảo luận với Pfizer và Moderna về kết quả nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng của các công ty này. Ông giải thích rằng vắc xin có thể bảo vệ một người khỏi COVID-19 nhưng các nhà nghiên cứu vẫn chưa rõ tác động của vắc xin đối với việc lây nhiễm. Nghĩa là người tiêm vắc xin dù không bệnh nhưng không phải không có khả năng lây cho người khác.

“Chúng ta có cùng vấn đề với bệnh cúm”, ông Fauci cho biết lưu ý rằng 2 vắc xin COVID-19 trên có hiệu quả hơn nhiều so với vắc xin cúm mùa. “Bạn có thể tiêm ngừa cúm và bạn sẽ không bị bệnh, nhưng không có nghĩa là bạn sẽ không nhiễm virus – mặc dù bạn sẽ không biết bạn đã nhiễm bởi vì bạn sẽ chỉ bị nhẹ hoặc không có triệu chứng nào”.

Điều tương tự sẽ xảy ra với vắc xin COVID-19, ông Fauci nói: “Vấn đề là bạn thậm chí không biết rằng bạn có thể lây cho người khác. Đó là lý do vì sao tôi từng nói với truyền thông cách đây vài tuần rằng tiêm ngừa một vắc xin có hiệu quả cao không có nghĩa là bạn có thể hoàn toàn bỏ đi các biện pháp y tế cộng đồng”.

Nhiều tranh cãi nổ ra tại Mỹ xoay quanh việc đeo khẩu trang, và việc nó có mang lại lợi ích cho người đeo hay chỉ nhằm ngăn dịch bệnh lan rộng trên cả nước.

Bác sĩ Fauci nói rằng cần thực hiện những biện pháp y tế cộng đồng – bao gồm giãn cách xã hội, tránh tụ tập đông người, đeo khẩu trang và thường xuyên rửa tay – cho đến khi virus tồn tại ở mức cực thấp trong cộng đồng, nguy cơ lây nhiễm không còn là một mối đe dọa nữa.

Ông thừa nhận việc triển khai thực hiện một chính sách y tế cộng đồng luôn là một thách thức lớn, đòi hỏi nỗ lực của tất cả mọi người, đặc biệt đối với một vấn đề đã bị chính trị hóa như đại dịch COVID-19.

Trong diễn biến liên quan, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng cảnh báo châu Âu đang đối mặt với 6 tháng “khắc nghiệt” khi mùa đông tới. Tuần qua châu lục này đã ghi nhận hơn 29.000 người chết vì COVID-19, nghĩa là cứ 17 giây lại có một người chết vì virus corona.

Cho tới nay châu Âu đã có tổng cộng gần 16 triệu người mắc COVID-19 và gần 355.000 người chết vì căn bệnh này. Những nước bị ảnh hưởng nặng nhất là Anh, Nga, Pháp, Tây Ban Nha, Ý và Đức.

D. KIM THOA – ANH THƯ
TTO