ĐTC Phanxicô: Cầu nguyện như Mẹ Maria: Chúa muốn gì, khi nào và cách nào
Suy tư về gương mẫu cầu nguyện của Mẹ Maria, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu cầu nguyện với thái độ sẵn sàng, với tấm lòng rộng mở đón nhận ý Chúa, không tự hướng dẫn cuộc sống của mình nhưng phó thác vào bàn tay của Chúa.
Tiếp tục loạt bài giáo lý về cầu nguyện, trong buổi tiếp kiến chung trực tuyến sáng thứ Tư 18/11, Đức Thánh Cha Phanxicô đã suy tư về Mẹ Maria, người nữ cầu nguyện và gương mẫu cho đời sống cầu nguyện của chúng ta.
Mẹ luôn cầu nguyện cách khiêm nhường và mở lòng mình ra với những điều Chúa hướng dẫn Mẹ. Những lời đơn giản của Mẹ “Xin hãy thực hiện nơi con” là gương mẫu của mọi lời cầu nguyện, chứa đựng sự tin tưởng, mở lòng mình với thánh ý Chúa. Mẹ ở gần bên Chúa Giêsu Con Mẹ trong những giờ phút quan trọng trong cuộc đời của Người. Trong niềm vui phục sinh, Mẹ cùng cầu nguyện với Giáo hội mới khai sinh. Qua việc mở rộng tâm hồn cho quyền năng của Chúa Thánh Thần, Mẹ Thiên Chúa đã trở thành Mẹ của Giáo hội.
Bài giáo lý của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Trong loạt bài giáo lý về cầu nguyện, hôm nay chúng ta gặp Đức Trinh Nữ Maria, một phụ nữ cầu nguyện. Đức Mẹ đã cầu nguyện khi thế giới vẫn chưa biết về Mẹ, khi Mẹ còn là một thiếu nữ đơn sơ hứa hôn với một người thuộc dòng dõi Đavít. Chúng ta có thể tưởng tượng người thiếu nữ Nazareth chìm trong thinh lặng, tiếp tục trò chuyện với Chúa, Đấng không lâu sau đó ủy thác cho Mẹ một sứ vụ. Mẹ đầy ân sủng và vô nhiễm từ khi thụ thai, nhưng Mẹ vẫn không biết gì về ơn gọi kỳ lạ và phi thường của mình và về vùng biển bão tố mà Mẹ sẽ phải vượt qua. Có một điều chắc chắn: Mẹ Maria thuộc về đoàn người đông đảo của những người có lòng khiêm tốn mà các sử gia chính thống không ghi trong sách của họ, nhưng với họ, Thiên Chúa đã chuẩn bị cho sự xuất hiện của Con của Người.
Mẹ Maria để Chúa dẫn dắt cuộc đời mình
Đức Thánh Cha nhận định: Mẹ Maria đã không tự dẫn dắt cuộc đời của mình: Mẹ chờ đợi Thiên Chúa cầm cương trên con đường của Mẹ và hướng dẫn Mẹ đến nơi mà Người muốn. Mẹ ngoan ngoãn, và với sự sẵn sàng, Mẹ chuẩn bị cho những sự kiện lớn mà Thiên Chúa thực hiện trên thế giới. Sách Giáo lý nhắc lại sự hiện diện thường xuyên và quan tâm của Mẹ trong chương trình nhân từ của Chúa Cha trong suốt cuộc đời của Chúa Giêsu (x. GLCG, 2617-2618).
Thái độ cởi mở với thánh ý Chúa
Đức cha giải thích lời thưa vâng của Mẹ Maria: Khi Mẹ Maria đang cầu nguyện thì Tổng lãnh Thiên thần Gabriel mang sứ điệp của ngài đến cho Mẹ ở Nazareth. Lời thưa “Này tôi đây” nhỏ bé nhưng vô biên của Mẹ, khiến tất cả tạo vật nhảy lên vì vui sướng vào thời điểm đó, trong suốt lịch sử cứu độ, nó đã được thưa trước đó bởi nhiều câu “Này tôi đây” khác, bởi nhiều người vâng lời tín thác, bởi nhiều người đã mở lòng đón nhận ý Chúa.
Không có cách cầu nguyện nào tốt hơn là như Mẹ Maria, có thái độ cởi mở, tâm hồn cởi mở với Thiên Chúa: “Lạy Chúa, Chúa muốn gì, khi nào Chúa muốn và Chúa muốn như thế nào.” Tâm hồn đón nhận thánh ý Chúa và Chúa luôn đáp lời. Có bao nhiêu tín hữu sống lời cầu nguyện của họ như thế này! Những người có tâm hồn khiêm tốn nhất cầu nguyện như thế này: “Lạy Chúa, Chúa muốn gì, khi nào Chúa muốn và Chúa muốn như thế nào.” Họ không nổi giận khi ngày đời của họ đầy rẫy những vấn đề, nhưng họ tiếp tục đối mặt với thực tế và biết rằng trong tình yêu thương khiêm nhường của mình trong mỗi hoàn cảnh, chúng ta trở thành công cụ ân sủng của Thiên Chúa. “Lạy Chúa, Chúa muốn gì, khi nào Chúa muốn và Chúa muốn như thế nào.” Một lời cầu nguyện đơn giản nhưng đặt cuộc đời chúng ta trong bàn tay của Chúa: xin Người hướng dẫn chúng ta. Tất cả chúng ta có thể cầu nguyện như thế.
Việc cầu nguyện biết cách làm dịu sự bất an
Tiếp tục bài giáo lý, Đức Thánh Cha nói: Cầu nguyện biết cách làm dịu sự bất an: nhưng, chúng ta bồn chồn bất an, chúng ta luôn muốn những điều trước khi cầu xin và muốn ngay lập tức. Sự bất an này làm chúng ta đau đớn, và cầu nguyện biết cách làm dịu sự bồn chồn, nó biết cách biến sự bất an thành sự sẵn sàng. Khi tôi bồn chồn, tôi cầu nguyện và lời cầu nguyện mở rộng trái tim tôi và khiến tôi sẵn sàng theo ý muốn của Chúa. Trong những khoảnh khắc ngắn ngủi của sự kiên Truyền Tin, Đức Trinh Nữ Maria, đã biết cách đẩy lùi nỗi sợ hãi, mặc dù Mẹ đã đoán trước rằng lời “xin vâng” của Mẹ sẽ mang đến cho Mẹ những thử thách rất khó khăn.
Xin Chúa hiện diện trên mỗi bước đường của chúng ta
Đức Thánh Cha nhắn nhủ: Nếu khi cầu nguyện chúng ta hiểu rằng mỗi ngày Chúa ban là một lời mời gọi, thì chúng ta hãy mở rộng lòng mình và đón nhận mọi sự. Chúng ta hãy học cách thưa: “Lạy Chúa, Chúa muốn gì. Chỉ cần hứa với con rằng Chúa sẽ hiện diện trên mọi bước đường của con.” Đây là điều quan trọng: cầu xin Chúa hiện diện trên mỗi bước của cuộc hành trình của chúng ta: xin Người không để chúng ta đơn độc, xin Người không bỏ rơi chúng ta trong cám dỗ, xin Người không bỏ rơi chúng ta trong những thời điểm tồi tệ. Lời kết của Kinh Lạy Cha là như thế này: là ơn sủng mà chính Chúa Giêsu đã dạy chúng ta cầu xin Chúa.
Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa và Mẹ Giáo hội
Đức Thánh Cha giải thích: Mẹ Maria đồng hành trong toàn bộ cuộc đời của Chúa Giêsu bằng lời cầu nguyện, cho đến khi Người chết và phục sinh; và cuối cùng, Mẹ vẫn tiếp tục, và đồng hành với những bước đầu tiên của Giáo hội sơ khai (x. Cv 1,14). Mẹ Maria cầu nguyện với các môn đệ, những người đã trải qua cuộc khủng hoảng Chúa chịu đóng đinh. Mẹ cầu nguyện với Thánh Phêrô, người bị khuất phục trước sự sợ hãi và khóc lóc vì hối hận. Mẹ Maria ở đó, cùng với các môn đệ, ở giữa những người nam nữ mà Con của Mẹ đã kêu gọi để thành lập Cộng đoàn của Người. Mẹ không là một linh mục ở giữa họ. Chính Mẹ của Chúa Giêsu cầu nguyện với họ, trong cộng đoàn, với tư cách là một người trong cộng đoàn. Mẹ cầu nguyện với họ và cầu nguyện cho họ.
Và, một lần nữa, lời cầu nguyện của Mẹ báo trước tương lai sắp được hoàn thành: nhờ hoạt động của Chúa Thánh Thần, Mẹ đã trở thành Mẹ Thiên Chúa, và nhờ hoạt động của Chúa Thánh Thần, Mẹ đã trở thành Mẹ của Giáo hội. Khi cầu nguyện với Giáo hội sơ khai Mẹ trở thành Mẹ của Giáo hội, đồng hành với các môn đệ trong những bước đầu tiên của Giáo hội bằng cầu nguyện và chờ đợi Chúa Thánh Thần. Trong thinh lặng, luôn luôn trong thinh lặng. Lời cầu nguyện của Mẹ Maria thầm lặng.
Chờ đợi Chúa Thánh Thần trong cầu nguyện
Tin Mừng thuật lại cho chúng ta chỉ một lời cầu nguyện của Mẹ Maria: Tại Cana, khi Mẹ cầu xin Con Mẹ, cho đám người đang gặp vấn đề, vì tiệc cưới không có rượu! Và Mẹ cầu nguyện và yêu cầu Con Mẹ giải quyết vấn đề đó. Sự hiện diện của Mẹ Maria tự nó chính là lời cầu nguyện, và sự hiện diện của Mẹ giữa các môn đệ trong Nhà Tiệc Ly, chờ đợi Chúa Thánh Thần, trong cầu nguyện. Sách Giáo lý giải thích: “Trong đức tin của người tôi tớ khiêm nhường của Chúa, Quà tặng của Thiên Chúa – nghĩa là Chúa Thánh Thần – tìm thấy sự chào đón mà Mẹ đã mong đợi từ thuở ban đầu.” (GLCG 2617).
Mẹ Maria là môn đệ đầu tiên của Chúa
Đức Thánh Cha giải thích: Nơi Đức Trinh Nữ Maria, trực giác tự nhiên của phụ nữ được nâng cao nhờ sự kết hợp vô cùng độc đáo của Mẹ với Thiên Chúa trong lời cầu nguyện. Vì lý do này, khi đọc Tin Mừng, chúng ta nhận thấy rằng đôi khi Mẹ dường như biến mất, để rồi xuất hiện lại trong những thời điểm quan trọng: Mẹ Maria mở lòng đón nhận tiếng Thiên Chúa, Đấng hướng dẫn lòng mình, và là Đấng đã hướng dẫn những bước đi của Mẹ khi cần đến sự hiện diện của Mẹ. Sự hiện diện thinh lặng của người mẹ và của một nữ môn đệ. Mẹ Maria hiện diện vì Mẹ là Mẹ, nhưng Mẹ cũng hiện diện vì Mẹ là môn đệ đầu tiên, là người đã học những điều của Chúa Giêsu tốt nhất. Mẹ Maria không bao giờ nói: “Hãy đến, Mẹ sẽ giải quyết mọi việc.” Nhưng Mẹ nói “hãy làm những gì Người nói với con” luôn luôn chỉ về phía Chúa Giêsu. Đây là thái độ đặc trưng của người môn đệ và Mẹ là người môn đệ đầu tiên: cầu nguyện như người mẹ và như môn đệ.
“Đức Maria đã ghi nhớ tất cả những điều ấy và suy gẫm trong lòng.” (Lc 2,19). Như vậy, Thánh sử Luca đã miêu tả Mẹ của Chúa trong Tin Mừng thời thơ ấu. Tất cả những gì xảy ra xung quanh Mẹ đều được suy tư trong sâu thẳm tâm hồn Mẹ: những ngày đầy niềm vui, cũng như những khoảnh khắc đen tối nhất, khi Mẹ cố gắng để hiểu được con đường Cứu Độ Mẹ phải đi qua. Mọi thứ kết thúc trong tâm hồn Mẹ, để chúng được chuyển qua tấm màn của cầu nguyện và được cầu nguyện biến đổi. Cho dù đó là quà tặng của các đạo sĩ, hay cuộc chạy trốn sang Ai Cập, cho đến ngày thứ Sáu kinh hoàng của cuộc khổ nạn: Mẹ ghi nhớ tất cả và mang theo trong cuộc đối thoại của mình với Thiên Chúa.
Trái Tim Mẹ Maria: Viên ngọc tuyệt vời không thể so sánh
Ai đó đã so sánh trái tim của Mẹ Maria với viên ngọc tuyệt vời không thể so sánh, được tạo nên và mài dũa bởi sự kiên nhẫn đón nhận thánh ý Thiên Chúa qua các mầu nhiệm của Chúa Giêsu được suy niệm trong lời cầu nguyện. Thật tuyệt biết bao nếu chúng ta cũng có thể giống Mẹ của chúng ta một chút.