24/11/2024

Nguy cơ ô nhiễm từ pin mặt trời hết hạn: Tận dụng công nghệ để tái chế

Nguy cơ ô nhiễm từ pin mặt trời hết hạn: Tận dụng công nghệ để tái chế

Liên quan nguy cơ ô nhiễm pin mặt trời hết hạn sử dụng, ông Trần Anh Tấn, Phó cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp (Bộ Công thương), cho rằng Việt Nam có thể tận dụng công nghệ tái chế pin mặt trời.
Đầu tư điện mặt trời ngày càng phổ biến tại Việt Nam /// Ảnh: Nguyên Nga
Đầu tư điện mặt trời ngày càng phổ biến tại Việt Nam  ẢNH: NGUYÊN NGA

Trách nhiệm của chủ nguồn thải

Ông có thể cho biết quy định việc xử lý đối với tấm quang điện hết thời hạn sử dụng và trong Quy hoạch điện VIII đang được Bộ Công thương xây dựng, chuẩn bị trình Thủ tướng thì hướng xử lý vấn đề này ra sao?
Nguy cơ ô nhiễm từ pin mặt trời hết hạn: Tận dụng công nghệ để tái chế - ảnh 1

Ông Trần Anh Tấn

ẢNH: C.H

Luật Bảo vệ môi trường 2014 tại điều 68 đã quy định trách nhiệm bảo vệ môi trường của chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải “thu gom, phân loại, lưu giữ, xử lý, thải bỏ chất thải rắn theo quy định của pháp luật”.

Nghị định 38 năm 2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu cũng quy định trách nhiệm của chủ nguồn thải chất thải rắn công nghiệp thông thường phải tự tái sử dụng, sơ chế, tái chế, xử lý, đồng xử lý, thu hồi năng lượng hoặc ký hợp đồng chuyển giao cho đơn vị có chức năng vận chuyển, xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường.
Theo luật Bảo vệ môi trường, quy hoạch điện quốc gia trước đây hay Quy hoạch điện VIII đang được xây dựng, các vấn đề môi trường cốt lõi đều được xem xét, đánh giá trong báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, bao gồm cả quy định về việc xử lý đối với tấm quang điện hay còn gọi là pin mặt trời.
Thực tế hiện nay chi phí tái chế vẫn cao hơn so với lợi ích thu được từ tái chế pin mặt trời hết hạn sử dụng, điều đó có thể khiến các chủ nguồn thải tìm cách lẩn tránh vấn đề này, chúng ta có chính sách gì để cân bằng giữa lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường chưa thưa ông?
Việc tái chế pin mặt trời nói riêng hoặc xử lý chất thải bằng phương pháp tái chế nói chung đều được hưởng các chính sách khuyến khích ưu đãi theo luật Bảo vệ môi trường và Nghị định 38. Tất nhiên, trong quá trình triển khai và ứng dụng vào thực tiễn, chúng ta sẽ luôn luôn cần nghiên cứu các chính sách phù hợp và hoàn thiện hơn.
Ngoài ra, ở Mỹ, đối với các panel mặt trời không sử dụng nữa (do hết hạn, hỏng hóc…) không được xem là chất thải nguy hại mà là tài nguyên để làm vật liệu đầu vào để sản xuất pin mặt trời mới hoặc cho các mục đích khác.
Với nước ta, có các tin rất vui về tái chế pin mặt trời. Một là các thành phần giá trị trong pin, gồm silicon và bạc, có thể được tách riêng và tinh chế hiệu quả. Đây cũng là hướng đi một số ít đơn vị tái chế pin mặt trời ở nhiều nước đang nỗ lực khai thác. Việt Nam có thể tận dụng công nghệ của những nước đi tiên phong theo hướng này. Hai là các chủ đầu tư điện mặt trời nước ta đã ý thức được trách nhiệm của mình trong xử lý các tấm pin điện hết hạn sử dụng.
Đã có chủ doanh nghiệp khẳng định rằng: “Pin mặt trời nếu xử lý tốt sẽ không đáng lo ngại. Pin này đều có thể tái chế từ silicon, pin, kính”. Ba là, với sự phát triển của khoa học công nghệ trong thời gian tới, chi phí xử lý các tấm pin sẽ ngày càng giảm và phù hợp với chi phí mà các nhà đầu tư bỏ ra cho các dự án điện mặt trời. Điều đáng chú ý là hầu hết các tấm pin mặt trời đều có tuổi thọ khoảng 25 năm. Trong khi nhà máy điện mặt trời đầu tiên ở Việt Nam khánh thành tháng 10.2018. Như vậy, tấm pin mặt trời đầu tiên của nước ta hết hạn sử dụng sẽ vào khoảng ngoài năm 2040, tức hơn 20 năm nữa, khoảng thời gian đủ để công nghệ tái chế pin mặt trời có nhiều tiến bộ vượt bậc với giá rẻ hơn rất nhiều so với hiện nay.

Kinh nghiệm các nước

Thế giới quy định thế nào về xử lý pin mặt trời hết hạn và liệu chúng ta có thể học hỏi, áp dụng được gì ?
Có nhiều biện pháp khác nhau đối với panel hết hạn, nhưng chung quy lại là tách các thành phần vật liệu cấu tạo nên panel (kính, cell, kim loại, plastic/polymer) để tái sử dụng, như các tấm thủy tinh thì làm chai lọ, các cell thì được xử lý hóa học để các nhà máy tái sử dụng sản xuất các cell cho panel mới có hiệu suất/hiệu quả cao hơn…
Theo tổ chức IEA Photovoltaic Power Systems Programme – IEA PVPS (Thụy Sĩ), tổ chức này đã khảo sát, nghiên cứu về việc xử lý pin mặt trời đã hết hạn sử dụng từ rất lâu và ở nhiều nước thì EU đã có quy định tỷ lệ tái chế/tái sử dụng pin mặt trời là 85%/80%. Nhật Bản thì không có quy định cụ thể về việc xử lý các pin mặt trời hết hạn sử dụng, các panel nếu phải thải bỏ thì được xử lý như chất thải rắn thông thường (không phải nguy hại). Trung Quốc, Hàn Quốc cũng có đánh giá tương tự như trên.
Căn cứ trên Báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án điện mặt trời được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, Bộ Công thương hoặc Sở công thương tùy theo phân cấp sẽ thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật của dự án và tổ chức kiểm tra, giám sát việc chủ đầu tư điện mặt trời trong việc tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường thông qua các hoạt động thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật nêu trên.
Ông Trần Anh Tấn
CHÍ HIẾU
TNO