28/12/2024

Đức TGM Marayati tố cáo thoả thuận ngừng bắn ở Nagorno-Karabakh chỉ là một sự đầu hàng

Đức TGM Marayati tố cáo thoả thuận ngừng bắn ở Nagorno-Karabakh chỉ là một sự đầu hàng

Biểu tình tại Armenia (Artem Mikryukov. 12.03.1990)

Chiều tối thứ Hai 9/11, các nhà lãnh đạo chính trị của Armenia và Azerbaijan ký kết thoả thuận ngừng bắn ở Nagorno Karabakh, với vai trò trung gian quyết định của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Nhận định về thoả thuận này, Đức cha Boutros Marayati, Tổng Giám mục Công giáo nghi lễ Armenia của Tổng Giáo phận Aleppo, nói: “Đối với nhiều người Armenia, thoả thuận ngừng bắn do Nga áp đặt ở Nagorno Karabakh là một sự đầu hàng.”

Đức Tổng Giám mục giải thích: “Khi vũ khí im lặng là dấu hiệu hy vọng. Nhưng đối với nhiều người Armenia, thoả thuận ngừng bắn chỉ là một sự đầu hàng. Rõ ràng, đối với chính phủ Armenia, trong lúc này không có giải pháp khả thi nào khác.”

Đức cha Marayati cho biết thêm: “Hiện tại, tất cả các chi tiết của thỏa thuận vẫn chưa được biết rõ, và chỉ có thể đưa ra những đánh giá chung về vấn đề này. Vẫn còn nỗi đau của nhiều người trẻ đã chết trong những tuần gần đây, và hy vọng rằng Nagorno Karabakh sẽ vẫn là một vùng đất nơi người Armenia có thể tiếp tục đến nhà thờ và tiếp tục theo đuổi truyền thống của họ.”

Qua Facebook, Thủ tướng Armenia, Nikol Pashinyan, là người đầu tiên loan tin về việc ký một thoả thuận và mô tả đây là một thoả thuận “đau đớn”. Tuyên bố của ông được đưa ra vài giờ sau khi xác nhận rằng thành phố quan trọng Shushi đã bị quân đội Azerbaijan chiếm giữ, trong khi lực lượng quân sự của Baku đang chuẩn bị nhắm vào Stepanakert, thủ phủ của khu vực tranh chấp.

Tại Armenia, theo sau tin tức về thỏa thuận ngừng bắn là các cuộc biểu tình. Những người biểu tình bao vây Quốc hội và đã xảy ra các cuộc đụng độ với các đặc vụ hộ tống của Ararat Mirzoyan, Chủ tịch Hội đồng Nghị viện. Chính ông là người đã xác định những người phản đối là những chiến binh được điều động “bởi những kẻ phạm tội của chính phủ cũ”, đặc vụ của các nhóm quyền lực trong quá khứ “đã cướp nhân dân, quân đội và con cái của chúng tôi”.

Lãnh đạo Đảng Prospera Armenia đối lập, Iveta Tonoyan, bày tỏ sự ủng hộ các cuộc biểu tình, đồng thời kêu gọi Thủ tướng Pashinyan từ chức, gọi việc ký kết thỏa thuận là “một trang xấu hổ nhất trong lịch sử của chúng ta”.

Theo thoả thuận, vào đầu tháng 12, quân đội Armenia sẽ phải rút khỏi các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng vào thời điểm ngừng bắn.

Ngọc Yến