23/11/2024

Nguy cơ xuất hiện tổ hợp thiên tai nguy hiểm

Nguy cơ xuất hiện tổ hợp thiên tai nguy hiểm

Các tỉnh miền Trung chuẩn bị đảm bảo sẵn sàng nguồn lực ứng phó tình huống ‘bão chồng bão’, ‘lũ chồng lũ’ và nguy cơ xuất hiện tổ hợp thiên tai nguy hiểm kéo dài trong những ngày tới.
Đó là yêu cầu của ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng ban Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT) tại cuộc họp với các bộ, ngành T.Ư triển khai ứng phó với bão số 12 diễn ra ngày 9.11, tại Hà Nội.

10 ngày 2 cơn bão, 2 đợt mưa lớn

Chiều 9.11, ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết sau khi vào Biển Đông, cơn bão số 12 luôn có tốc độ trung bình từ 15 – 20 km/giờ, di chuyển rất nhanh, hướng vào các tỉnh nam Trung bộ.
Nguyên nhân là do bão di chuyển ở vĩ độ thấp, không chịu tác động của khối không khí lạnh trên cao nên di chuyển nhanh nhờ có dòng dẫn thuận lợi. Dự báo, sáng sớm nay 10.11, bão số 12 đi vào đất liền các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận, trong đó trọng tâm là từ Bình Định đến Khánh Hòa với gió mạnh ở vùng ven biển có thể ở cấp 8 – cấp 9, giật cấp 10, khi đi sâu vào đất liền gió bão mạnh cấp 6 – cấp 7.

Ông Trần Quang Năng cảnh báo, bão sẽ gây ra đợt mưa lớn không chỉ ở các tỉnh ảnh hưởng trực tiếp mà còn mở rộng ra khu vực trung Trung bộ. Cụ thể, các tỉnh từ Quảng Trị đến phía bắc Khánh Hòa có mưa to đến rất to từ đêm 9 đến ngày 12.11, với lượng mưa phổ biến 200 – 400 mm. Các tỉnh từ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định cần lưu ý cục bộ có những điểm mưa đặc biệt to, trên 500 mm/đợt. Các tỉnh Quảng Bình, phía nam Khánh Hòa và khu vực Tây nguyên có mưa phổ biến 100 – 200 mm.

Ông Năng thông tin thêm, chiều 9.11, áp thấp nhiệt đới trên vùng biển Philippines đã mạnh lên thành bão có tên quốc tế là bão Vamco (tên do Việt Nam đề xuất – PV) với sức gió cấp 8, giật cấp 10. Dự báo trong 36 giờ tới, bão đạt cường độ mạnh nhất ở cấp 13 – cấp 14, giật cấp 16 sau đó sẽ đi vào Biển Đông trở thành cơn bão số 13 trong năm nay. Dự kiến khoảng ngày 14 – 15.11, bão số 13 ảnh hưởng đến các tỉnh khu vực trung và nam Trung bộ, gây mưa lớn từ ngày 14 – 16.11.
“Trong 10 ngày tới, miền Trung hứng chịu 2 cơn bão và 2 đợt mưa lớn trong khi khu vực này liên tục có mưa bão nhiều ngày trước đây, nên nguy cơ rất cao sẽ xảy ra các tai biến địa chất nguy hiểm”, ông Năng cảnh báo.

Chủ động ứng phó với tổ hợp thiên tai nguy hiểm

Cũng theo cảnh báo từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, mưa lớn sau bão số 12 khiến các sông từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và khu vực Tây nguyên xuất hiện một đợt lũ.
Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên các sông từ Quảng Trị đến Khánh Hòa, bắc Tây nguyên ở mức báo động (BĐ) 2 – BĐ3 , có sông trên BĐ3. Các sông ở Quảng Bình và khu vực nam Tây nguyên ở mức BĐ1 – BĐ2, có sông trên BĐ2. Các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và khu vực Tây nguyên có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi và ngập lụt vùng trũng, thấp, ven sông và đô thị.
Chiều cùng ngày, Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng) cho biết, Bộ Quốc phòng phối hợp các địa phương sẵn sàng lực lượng với 59.234 người và 1.360 phương tiện, trong đó có 17 tàu, 70 xe đặc chủng, 540 xuồng các loại… sẵn sàng ứng phó mưa lũ trong những ngày tới.
PHAN HẬU
TNO