26/12/2024

Nhu cầu không khí sạch, bầu trời xanh

Nhu cầu không khí sạch, bầu trời xanh

Tại nhiều nước ở châu Á, xu hướng áp dụng các tiêu chuẩn cao hơn đối với phương tiện sử dụng nhiên liệu diễn ra với tốc độ khác nhau nhưng được xem là không thể cưỡng lại.

 

Nhu cầu không khí sạch, bầu trời xanh - Ảnh 1.

Các loại xe ba bánh và xe máy liên quan đến 45% những loại khí thải có hại ở Philippines – Ảnh: AFP

Việc nâng tiêu chuẩn khí thải đối với phương tiện giao thông một phần để đáp lại lời kêu gọi toàn cầu về việc cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, giảm ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu, mặt khác là nhu cầu hành động vì chất lượng không khí ở các thành phố lớn và nhu cầu “không khí sạch, bầu trời xanh” của người dân.

Nhiều nước nâng chuẩn khí thải

Cuối năm 2019, nội các Thái Lan thông qua dự thảo quy định buộc xe máy sản xuất tại Thái Lan phải đạt tiêu chuẩn khí thải cấp độ 7, tương đương với tiêu chuẩn Euro 4. Hành động này thể hiện quyết tâm của Chính phủ Thái Lan trong việc giải quyết ô nhiễm do xe máy gây ra, cụ thể là giảm 50% ô nhiễm từ carbon dioxide (CO2) và hydro carbon thải ra từ khí thải xe máy.

Theo quy định mới, các loại xe máy chạy điện hoặc nhiên liệu đốt trong tạo ra lượng phát thải dưới 10g/km bị đánh thuế 1%. Xe máy chạy bằng nhiên liệu hoặc hybrid có lượng khí thải CO2 từ 10-50g/km bị đánh thuế 3%, 51-90g/km ở mức 5%, 91-130g/km ở mức 9% và hơn 130g/km ở mức 18%. So với cơ cấu cũ, thuế suất mới tăng 0,5-1% ở mỗi phân khúc được áp dụng cho giá bán lẻ.

Quy định tương tự cũng áp dụng đối với thị trường xe hơi. Thái Lan đặt mục tiêu năm 2023 sẽ chuyển sang áp dụng tiêu chuẩn Euro 6.

Tại Philippines, xe môtô ba bánh và xe gắn máy là “vua” của các con đường ở nước này và chúng cũng đóng góp một phần lớn lượng khí thải độc hại mà người dân Philippines hít thở hằng ngày. Từ năm 2015, nghiên cứu của trung tâm nghiên cứu quốc gia về giao thông xác nhận các loại xe ba bánh và xe máy liên quan đến 45% các loại khí thải có hại.

Nghiên cứu này đề xuất nhiều biện pháp để điều chỉnh hoạt động của xe ba bánh ở Philippines nhằm cân bằng giữa nhu cầu đi lại quãng đường ngắn, giao thông công cộng nội thị cùng những hạn chế như ô nhiễm không khí và tiếng ồn, và cạnh tranh xuống đáy về giá.

Cần có lộ trình

Bài học của việc nâng tiêu chuẩn khí thải của các phương tiện giao thông tại các nước châu Á gần gũi với Việt Nam cho thấy đây là mục tiêu cần có lộ trình để đảm bảo các bên liên quan có thời gian thích hợp để chuyển đổi.

Thực tế tại Thái Lan, Malaysia cho thấy các doanh nghiệp sản xuất xe đều đồng tình với nỗ lực giảm phát thải của chính phủ và cam kết tuân thủ. Tuy nhiên, một lộ trình thích hợp là rất quan trọng vì chuyển đổi công nghệ phụ thuộc vào nguồn vốn, công nghệ mà đôi khi doanh nghiệp phải phụ thuộc vào công ty mẹ để áp dụng với các chi nhánh trên toàn cầu.

Ngoài ra, do các chính sách thuế có liên quan, các loại xe đáp ứng tiêu chuẩn khí thải cao hơn sẽ có giá bán cao hơn khi đến tay người tiêu dùng. Đây là bài toán mà các doanh nghiệp cần có thời gian để chuẩn bị.

Tại Thái Lan, trong nửa cuối năm 2019, trước thời điểm luật mới về khí thải phương tiện có hiệu lực tháng 1-2020, đã xảy ra tình trạng xếp hàng để tranh thủ mua xe với giá cũ.

Tại Malaysia, đồng hành với việc chuyển đổi từ tiêu chuẩn phát thải thấp hơn lên tiêu chuẩn cao hơn đối với phương tiện; đặc điểm kỹ thuật của xăng dầu cũng phải đồng hành.

Theo đó, đặc điểm kỹ thuật nhiên liệu tiêu chuẩn Euro 4 yêu cầu phải giảm hàm lượng lưu huỳnh tối đa cho phép trong nhiên liệu xăng và dầu diesel từ tiêu chuẩn hiện tại là 500 phần triệu (ppm) xuống còn 50 ppm và các tiêu chí khác về thành phần benzen, áp suất hơi Reid…

Chính phủ Malaysia đã phải hoãn việc áp dụng tiêu chuẩn Euro 4 đối với nhiên liệu nhiều lần (năm 2015, 2018) sau hàng loạt cuộc thảo luận với các công ty xăng dầu. Các công ty này cũng cần thời gian để chuyển đổi và đảm bảo nguồn cung của họ tuân thủ tiêu chuẩn theo quy định.

Dựa vào kinh nghiệm các nước

TS Vũ Anh Tuấn – giám đốc Trung tâm nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức – khẳng định rằng kiểm soát khí thải xe máy là không đơn giản. Dù vậy, Việt Nam bắt buộc phải làm để bảo vệ môi trường, đảm bảo sự an toàn giao thông.

Để làm được, ông Tuấn cho rằng TP.HCM có thể dựa vào kinh nghiệm các nước, triển khai kiểm soát khí thải xe máy từng bước. Ngoài ra, quá trình triển khai chắc chắn ảnh hưởng đến người lao động nghèo.

Về việc này, chính quyền vẫn bắt buộc khai tử xe đã quá “nát” và thực hiện giải pháp hỗ trợ đi kèm. Ví dụ cho vay mua xe không lãi suất, lãi suất thấp, thu mua xe cũ…

Song song đó, để kiểm soát khí thải xe máy lâu dài, TP tăng cường giao thông công cộng, đẩy mạnh xe máy điện, xe đạp điện, siết sử dụng xe cá nhân bao gồm ôtô, xe máy.

THU DUNG ghi

HỒNG VÂN
TTO